"Cú huých" nào để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, phát triển?

00:00 12/10/2020

Ngày 18/12/2019, tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII, với Chủ đề: “Thúc đẩy thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển”.

Các đại biểu tại diễn đàn

Đây là Diễn đàn được tổ chức thường niên, từ năm 2007 tới nay, Hiệp hội DNNVV Việt Nam chủ trì, phối hợp với 28 Hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Bắc tổ chức để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tính liên kết trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Diễn đàn năm 2019 do Hiệp hội DNNVV Việt Nam chủ trì, đơn vị đăng cai tổ chức là Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ.

Phát biểu khai mạc diễn đàn TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch VINASME cho biết, trong những năm qua Đảng, Chính phủ luôn coi trọng vai trò của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vửa (DVNVV) phát triển. Nhà nước cũng coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) trong phát triển đất nước, trong những năm qua Nhà nước ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ KTTN được thuận lợi trong kinh doanh, trong đó điểm nhấn là Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018.

Từ khi Luật ra đời đến nay các văn bản hướng dẫn Luật đã dần được hoàn thiện, các chủ trương chính sách dần đi vào cuộc sống bước đầu được triển khai có hiệu quả. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế trong khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội do các hiệp định thương mại mang lại, đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019 kinh tế đạt mức tăng trưởng cao tới 6,98%, điều này thể hiện hiệu quả cao trong điều hành chính sách của Chính phủ. Đóng góp vào thành công trên là có phần không nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cộng đồng DNNVV.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Tuy nhiên, ông Thân cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại trong 2 năm Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, những khó khăn này này là rào cản lớn, chưa tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển đúng với kỳ vọng đặt ra. Đó là, nguồn lực triển khai hỗ trợ DNNVV còn rất hạn chế, mặc dù Luật đã quy định rõ ràng nhưng nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa triển khai được các hạng mục được ưu tiên, hỗ trợ do pháp lý chưa đầy đủ, hoặc là mới được ban hành. Đặc biệt, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nguồn tín tín dụng, quỹ hỗ trợ tín dụng còn rất kém. Chi phí logistic còn cao, ảnh hưởng tới việc mở rộng thị trường, cạnh tranh của sản phẩm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chính sách ban hành chậm cũng là những rào cản.

“Nhiều doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ theo quy định do Chính phủ ban hành, các hộ kinh doanh còn chuyển đổi chậm sang mô hình doanh nghiệp do tâm lý lo ngại về thuế. Nhiều địa phương triển khai hỗ trợ DNNVV rất chậm, nhất là trong các hỗ trợ về miễn, giảm thuế, hỗ trợ giảm lãi suất vay”, ông Thân nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh rất vinh dự được đăng cai tổ chức "Diễn đàn Hợp tác - liên kết phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII" năm 2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân được bàn thảo các giải pháp mang tính cụ thể thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Từ khi có các văn bản pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ; môi trường đầu tư, kinh doanh ở nhiều địa phương trong nước và ở tỉnh Phú Thọ đã có những cải thiện vượt bậc.

TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu quốc hội, Chủ tịch VINASME phát biểu khai mạc

"Trong hoàn cảnh khó khăn, tỉnh Phú Thọ dồn rất nhiều lực trong hệ thống giao thông, tiếp tục hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân phát triển cả chất lượng và số lương đã đăng ký trên 7.900 doanh nghiệp, trong đó số DNNVV lên tới 7.500, chiếm 95%. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019 là 700, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ là 650 doanh nghiệp". - ông Hải nhấn mạnh

Doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp 60% thu ngân sách của tỉnh Phú Thọ cho thấy vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Để có kết quả trên, Phú Thọ xây dựng môi trường kinh doanh năng động nhằm thu hút bằng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung triển khai tiếp cận tín dụng thông qua hoạt động bảo lãnh tín dụng, cố gắng khắc phục thủ tục rườm rà, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn và kết nối doanh nghiệp. Đưa trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động, thực hiện phục vụ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng (chiếm 40% số lượt đăng ký), hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Cung cấp phần mềm kế toán miễn phí, đào tạo miễn phí quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế…

Ngoài việc thu hút đầu tư, tỉnh Phú Thọ còn chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, điện để kết nối doanh nghiệp, tham gia liên kết ngành và chuỗi giá trị. Tỉnh quan tâm chỉ đạo, củng cấp phát triển hiệp hội doanh nghiệp, tạo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để khắc phục khó khăn.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME

Thời gian tới, UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội DNVVN và tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tập hợp kiến nghị, đề xuất, phản ánh; tư vấn, động viên, khích lệ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; cảnh báo các xu hướng thị trường, định hướng các doanh nghiệp nắm bắt cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ DNNVV. Qua đó phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chế độ chính sách mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp,… Đây chính là động lực mà chính quyền chia sẻ cùng doanh nghiệp đóng góp vào sự chuyển dịch mạnh cơ cấ  kinh tế địa phương trong thời gian tới..

Cũng tại diễn đàn, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết: Luật Hỗ trợ DNNVV chậm đi vào thực chất theo đúng nghĩa của nó. Đạo luật này được thiết kế với nhiều công cụ hỗ trợ DNNVV và KTTN rất mạnh mẽ và  được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của các DNNVV và KTTN theo hướng tích cực. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực thi, chúng ta chủ yếu vẫn mới thực hiện được phần thể chế Luật bằng các nghị định, nghị quyết,  thông tư, quyết định và  tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các đề án triển khai chương trình hỗ trợ. Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp thì quá hiếm hoi, quy mô nhỏ, tản mát nên tác động đến DNNVV và KTTN không đáng kể. DNNVV và KTTN vẫn yếu thế trong cạnh tranh, trong tiếp cận nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Mặc dù, Luật không thể phát huy tác dụng trong một sớm, một chiều. Nhưng có một thực tế là sự chậm trễ này, vẫn đang là những trở ngại lớn kìm chế lực lượng sản xuất phát triển và đang làm nản lòng DNNVV và KTTN.

Ở một số lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp nào quan hệ tốt với chính quyền theo nghĩa “thương mại hóa quan hệ” dễ dàng tiếp cận đất, khoáng sản, dự án, các gói thầu công, thuế...và tăng trưởng rất nhanh, lấn lướt các DNNVV/KTTN kinh doanh chân chính. Điều đó đã làm một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, doanh nhân có tâm lý “nản chí” hoặc phải chạy theo xu thế “kinh doanh quyền lực”, rất đáng lo ngại. Công tác cải cách thủ tục hành chính tuy đã có những tiến bộ rất đáng ghi nhận, những quy định, thủ tục không cần thiết đã giảm đáng kể nhưng vẫn chưa đồng đều ở các Bộ, ngành và địa phương. Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về tình trạng thiếu thông tin, nhất là các chính sách mới, quy hoạch. Tình trạng “một cửa” nhưng “nhiều khoá” vẫn đang làm khó cho khu vực KTTN.

 Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình là đơn vị đăng cai tổ chức Diễn đàn năm 2020 

Phong trào đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một đề án, hay kế hoạch về đổi mới sáng tạo tầm quốc gia có nét sáng tạo kiểu “mô hình Việt Nam” với mục tiêu tổng thể dài hạn, ngắn hạn, lộ trình và giải pháp để đạt được những mục tiêu đó kèm với những thước đo để đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu ở mỗi giai đoạn, thời kỳ để phong trào này được phát triển liên tục và bền vững.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nhưng đại bộ phận DNNVV/DNTN chưa sẵn sàng với công nghệ 4.0, chưa chuẩn bị gì để nhập cuộc. Những khái niệm về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… còn rất xa lạ.

Tại Diễn đàn, TS.Tô Hoài Nam cũng phân tích các nguyên nhân chính của các tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời đề xuất về phương hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước đến năm 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Trong đó, Tiến sĩ Tô Hoài Nam đặc biệt nhấn mạnh cầntập trung, ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm 15 tồn tại, hạn chế tác động không tốt đến phát triển kinh tế tư nhân. Việc tháo gỡ cần theo hướng định lượng những mục tiêu, tiêu chí cụ thể phải đạt được cho từng  lĩnh vực  tiến trình cho giai đoạn mỗi giai đoạn là 2 năm, năm giai đoạn trong vòng 10 năm. Phân quyền, giao quyền quyết và tăng cường tránh nhiệm cho người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực đó. 

Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng về thực chất không phân biệt loại hình sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường và rút khỏi thị trường phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Đồng thời, gắn với tiến trình đổi mới thể chế để giải quyết bốn vấn đề chính yếu về thể chế kinh tế cho kinh tế tư nhân là: Sự thiếu đảm bảo các quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Tồn tại nhiều rào cản gia nhập thị trường. Trật tự và kỷ luật thị trường phải được đảm bảo và chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phải căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp tư nhân là chính.

Toàn cảnh Diễn đàn Hợp tác- Liên kết và Phát triển doanh nghiệp phía Bắc lần thứ XII

Xác định phát triển kinh tế tư nhân chính là phát triển công cụ cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hoá, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; khuyến khích để tăng quy mô của doanh nghiệp tư nhân theo hướng chú trọng về chất lượng và thích ứng với mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế, dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, lợi thế so sánh, cạnh tranh hiệu quả, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong mọi hành động của Chính phủ, nó luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia.

Trong diễn đàn đại diện các Hiệp hội DNNVV ở các tỉnh thành đã trình bày các tham luận đánh giá việc thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua, nêu ra những khó khăn, rào cản và các kiến nghị để Luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực hơn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả hơn, qua đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ DNNVV, ứng dụng CNTT trong phát triển, nâng cao chất lượng của Hiệp hội các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV thông qua ứng dụng sáng chế Quy trình xác thực chống hàng giả, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, đề xuất việc cho phép thí điểm theo cơ chế Sandbox đối với công nghệ cho vay ngang hàng P2P Lending, bởi vì đây là kênh vay vốn rất phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Đức Kiên-Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ:

Luật Hỗ trợ DNNVV được thiết kế với nhiều công cụ hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và SME rất mạnh mẽ và  được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của các doanh nghiệp theo hướng tích cực. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực thi, chúng ta chủ yếu vẫn mới thực hiện được phần thể chế Luật bằng các nghị định, nghị quyết,  thông tư, quyết định và tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các đề án triển khai chương trình hỗ trợ. Trong giai đoạn tới cần tập trung, ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đến phát triển kinh khu vực này.

Đặc biệt, Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng về thực chất không phân biệt loại hình sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường và rút khỏi thị trường phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.

Đồng thời, gắn với tiến trình đổi mới thể chế để giải quyết bốn vấn đề chính yếu về thể chế kinh tế cho kinh tế tư nhân là: Sự thiếu đảm bảo các quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Tồn tại nhiều rào cản gia nhập thị trường. Trật tự và kỷ luật thị trường phải được đảm bảo và chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phải căn cứ vào nhu cầu của các  doanh nghiệp là chính.

Ông Phạm Gia Lý- Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Phú Thọ:

Từ khi có các văn bản pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ; môi trường đầu tư, kinh doanh ở nhiều địa phương trong nước và ở tỉnh Phú Thọ đã có những cải thiện đáng kể. Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 được cải thiện 13 bậc so với 2016; chỉ số hiệu quả logistics tăng 25 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc... Trong xu thế đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Phú Thọ năm 2018 tăng 3 bậc so với năm 2017, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo đánh giá của Chính phủ tại Nghị quyết số 02, tuy được hơn 50% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh đã có bước thông thoáng, thuận lợi đáng kể nhưng xét trên bình diện quốc tế, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nước ta mới ở mức trung bình khá với thứ tự 69/190 quốc gia về môi trường kinh doanh, 77/140 quốc gia về năng lực cạnh tranh; vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, trong đó đáng chú ý là chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chậm được cập nhật, theo dõi và tập trung cải thiện.

Việc thực hiện đổi mới phương thức quản lý nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro ở một số ngành, cơ quan còn chậm, thiếu chủ động, chưa quyết liệt; mới tập trung vào tháo gỡ những chỉ số còn vướng mắc khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc cơ quan chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Một số hành động cải cách chưa thực chất, có thể nói là còn hình thức.

Chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Ở không ít nơi, doanh nghiệp, người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội

Phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Những điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh yếu kém của DNNVV và khiến các DN này khó có thể cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của DN nước ngoài, các nhãn hàng ngày một nhiều tại Việt Nam.

Để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh: Cần tăng cường, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng và hình thành cổng thông tin điện tử để giải đáp các thuận lợi, khó khăn khi triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV tại các địa phương; Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia, cố vấn và các cán bộ văn phòng Hiệp hội cấp tỉnh thành để trở thành chuyên gia tư vấn cho các địa phương, các doanh nghiệp khi muốn thực hiện Luật; Thúc đẩy hoạt động liên kết, kết nối các DNNVV với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hộ kinh doanh;  Hỗ trợ các DNNVV ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm từ các DN khởi nghiệp sáng tạo, hộ kinh doanh; Hình thành khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp tập trung có mặt bằng sản xuất từ 500 đến 3.000m2 cho các DNNVV thuê với giá ưu đãi, giảm thuế phí đối với các doanh nghiệp được thành lập từ 01 đến 3 năm.

Thu Giang