Thủ tướng cắt băng khánh thành cầu, dự lễ tổng kết 10 năm thực hiện xây dựng NTM tại Hải Phòng

00:00 12/10/2020

Sáng nay 15/10/2019, tại thành phố Hải Phòng Thủ tướng cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ, cây cầu có kiến trúc độc đáo lấy ý tưởng từ “cánh chim biển”. Đây cũng là cây cầu vòm nhịp lớn nhất Việt Nam.

 Thủ tướng cắt băng khánh thành cầu đẹp nhất thành phố Hải Phòng

Công trình cầu Hoàng Văn Thụ được khởi công xây dựng từ ngày 6/1/2017. Cầu có hình dáng giống như cánh chim biển, là cầu vòm ống thép nhồi bê tông chạy giữa sơ đồ nhịp 45m + 200m + 45m, rộng 33,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ.

 Công trình cầu Hoàng Văn Thụ

Đây là dạng cầu đẹp bởi hình dáng cầu uốn lượn, rất dễ tạo sự hài hòa trong cảnh quan của khu vực. So với các dạng cầu vòm khác thì cầu vòm chạy giữa sẽ có khả năng áp dụng nhịp lớn do tỷ lệ hợp lý giữa kiến trúc phần trên và kiến trúc phần dưới, do đó không vi phạm các điều kiện hạn chế về vùng khống chế bay cũng như tĩnh không thông truyền. Đặc biệt thiết kế này cũng tạo sự khác biệt với các cây cầu khác qua sông Cấm như: cầu Bính, cầu Nguyễn Trãi sắp xây dựng, cầu Bạch Đằng ...

 Toàn cảnh lễ thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ

Các phương án thiết kế được xây dựng dựa trên nguyên tắc hài hòa cảnh quan khu vực và các công trình lân cận, mang nét kiến trúc chuyển tiếp giữa hai khu vực phía nam là trung tâm thành phố cũ và phía bắc là khu đô thị mới Bắc Sông Cấm của Hải Phòng, bảo đảm khu vực bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị hiện đại.

Công trình cầu Hoàng Văn Thụ là một trong những hạng mục chính của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, có chiều dài khoảng 1.138,5m do Ban Quản lý Công trình xây dựng phát triển đô thị làm chủ đầu tư. Cầu hoàn toàn do Việt Nam thiết kế, thi công, cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng của đội ngũ công nhân kỹ thuật trong nước. Chỉ trong vòng 2 năm đã thi công khối lượng lớn, đạt yêu cầu kỹ thuật cao.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. 

 Hàng nghìn đại biểu đón chào Thủ tướng về dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Trong 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã được các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào lớn, rộng khắp toàn thành phố, đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Thủ tướng cùng lãnh đạo thành phố Hải Phòng đi thăm khu trưng bày mô hình nông thôn mới.

Khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, theo kết quả rà soát, số tiêu chí về nông thôn mới bình quân đạt 5,76 tiêu chí/xã, nhiều xã mới đạt 2 - 3 tiêu chí. Đến hết năm 2019: Thành phố có 139/139 (đạt 100%) xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (bình quân toàn quốc là 50,26%; Đồng bằng sông Hồng là 83,69%). Hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 trước 1 năm (chỉ tiêu hoàn thành 100% số xã trong năm 2020). Chất lượng nhiều tiêu chí đạt ở mức cao hơn so với chuẩn nông thôn mới của Trung ương và trung bình cả nước, như: Đường giao thông trục thôn, xóm, nội đồng được bê tông hoá (trung ương quy định chỉ cần cứng hoá). Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp tưới, tiêu chủ động đạt 100% (trung ương quy định 80%). Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch nông thôn đạt 92,1% (Trung ương quy định 65%). Tỷ lệ hộ nghèo còn 1% (cả nước 4,5%).

Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời, đồng bộ, đổi mới: Năm 2016, thành phố đã ban hành cơ chế ngân sách thành phố hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hạ tầng xã nông thôn mới; xác định mức hỗ trợ bình quân cụ thể cho mỗi xã để hoàn thành, đạt chuẩn theo lộ trình từng năm (25 xã 2016-2017: hỗ trợ 22 tỷ đồng/xã; 15 xã 2018: hỗ trợ 24 tỷ đồng/xã; 50 xã 2019: hỗ trợ 25 tỷ đồng/xã). Từ năm 2016 phân cấp quản lý vốn đầu tư cho các huyện cả về xây dựng nông thôn mới và đầu tư xây dựng cơ bản để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, cân đối, bố trí nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình. Ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách để thực hiện Chương trình, tổng vốn nguồn vốn ngân sách địa phương (thành phố, huyện, xã) đạt 25.727 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nguồn vốn huy động. Mức đầu tư từ ngân sách tăng theo các năm, giai đoạn 2016 - 2019 tăng 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. 

Trong 10 năm đã xây dựng, đã nâng cấp, cải tạo 5.711 km đường giao thông; 269 trạm bơm điện, kiên cố hóa 231,9 km kênh, nạo vét trên 4.600 km kênh mương; 393,65 km đường dây trung thế, hạ thế; 1.137 trạm biến áp; 559 công trình trường học các cấp; 629 công trình văn hoá; 50 chợ nông thôn; 48 công trình y tế, 37 hệ thống cấp nước đạt quy chuẩn nước đô thị. Thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 55 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước năm 2018 đạt 35,8 triệu đồng/người/năm), tăng 39,49 triệu đồng so với năm 2010 (15,51 triệu đồng/người/năm) và tăng 18,05 triệu đồng so với năm 2015 (36,95 triệu đồng/người/năm). Tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm là 15,1%/năm. Kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, thuỷ lợi, trường học, văn hoá, thông tin truyền thông…) được đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ bản đồng bộ, hiện đại làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, nâng cao điều kiện sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt là hệ thống giao thông, trường học các cấp được ưu tiên đầu tư.

Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng nông thôn mới; trong đó, nhân dân tham gia đóng góp đạt 6.588 tỷ đồng, chiếm 14%. Huy động tốt nguồn vốn tín dụng đạt 10.613 tỷ đồng, chiếm 23%. Giai đoạn 2016 -2019, huy động nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 3.153 tỷ đồng, bằng 6,3 lần giai đoạn 2010 - 2015.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu thúc đẩy, nâng cao chất lượng toàn diện, gắn với giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất khá giả, môi trường sống an toàn, đời sống tinh thần phong phú, giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc theo tinh thần Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

- Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025Phấn đấu hết năm 2020, 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đến năm 2025, có 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; có 30 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 100 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2 - 2,5 lần so với năm 2020 (năm 2020 ước đạt 60 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) dưới 0,2 %; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch (như đô thị) đạt 100%.

- Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030: Đến năm 2030, có 100% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; từ 20 - 30% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 250 - 300 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2 lần so với năm 2025 (năm 2025 ước đạt 120 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều quốc gia giai đoạn 2026 - 2030) dưới 0,1 %; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; duy trì tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch (như đô thị) đạt 100%; 50% số huyện chuyển thành quận.

Với các thành tích đạt được, Ủy ban nhân dân thành phố tặng cờ thi đua cho 2 tập thể, bằng khen cho 84 tập thể và 298 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng.

Nguyễn Lương- Việt Thanh