Thích ứng xu hướng tiêu dùng mới

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp Việt nên sớm thích ứng tích cực trước các xu hướng tiêu dùng mới ở Việt Nam và trên thế giới đang có nhiều thay đổi.

Chia sẻ với giới doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM về những thay đổi trong xu hướng, hành vi tiêu dùng mới hiện nay và trong tương lai, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam, cho biết qua khảo sát mới đây có tới 47% người tiêu dùng (NTD) thích trải nghiệm những sản phẩm mới, số lượng khách hàng trung thành chỉ chiếm 7%.

Thay đổi thói quen mua sắm

Khác với trước đây, khách hàng không trung thành đang trở thành điều bình thường trong xu hướng mua sắm hiện nay, không phải là điều gì quá ngạc nhiên đối với các DN.

Khi mua sản phẩm, khách hàng cân nhắc rất nhiều. Qua nghiên cứu của Nielsen cho thấy trung bình khách hàng cân nhắc khoảng 5 nhãn hàng trước khi quyết định mua sản phẩm.

Đáng chú ý, khách hàng cân nhắc giá trị mà họ nhận được khi bỏ tiền ra mua sản phẩm, chứ không đơn thuần là giá cả. Rồi đến chất lượng, tính năng và đặc biệt trong thời đại hiện nay là sự đơn giản, thuận tiện vì họ rất bận rộn.

NTD quan tâm tới giá trị cộng đồng của thương hiệu. Đây có thể xem là xu hướng khá mới và đang được chứng thực tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy trách nhiệm cộng đồng (27%) và kinh doanh minh bạch (25%) sẽ giúp thương hiệu gây ấn tượng với người dùng.

Mặt khác, vai trò và sức ảnh hưởng của nữ giới là không thể phủ nhận. Tài sản của nữ giới chiếm tới 39,6 nghìn tỷ USD trong khối tài sản toàn cầu (tăng 25% so với 5 năm trước đó).

Ngoài ra, đại diện Nielsen nhấn mạnh đến xu hướng tiêu dùng trên internet. So với các quốc gia trong ASEAN, tỷ lệ tiếp cận internet của Việt Nam rất cao. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho thương mại điện tử (TMĐT). Qua khảo sát, 26% NTD cho biết lựa chọn sản phẩm có sẵn được bày bán trên kênh online (trực tuyến).

NTD kỳ vọng gì khi mua trên kênh online? Đầu tiên chính là câu chuyện khuyến mãi. Thứ hai là sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, có thể mua bất cứ lúc nào ở trong ngày. Thứ ba là mua sắm xuyên biên giới, mua ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều hết sức dễ dàng.

Nhân nói về mua sắm qua kênh online, tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ 2019 diễn ra ở Tp.HCM ngày 28/11, ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN, cho biết qua khảo sát mới đây, giới tiêu dùng trẻ ở Việt Nam sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng cao, không chỉ qua kênh online mà ở các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

“Chúng tôi cũng đánh giá cùng Hiệp hội TMĐT ở các nước ASEAN thấy rằng cơ hội thanh toán qua kênh online có doanh thu đến năm 2025 sẽ vào khoảng 100 tỷ USD”, ông Tâm cho biết.

Thich-ung-xu-huong-tieu-dung-m-4761-5186

Ngành hàng nông sản Việt cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới

Xoay quanh nhu cầu khách hàng


Có thể thấy xu hướng thời đại kinh tế số đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều ngành hàng. Như chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, phía ngân hàng đã tính đến việc xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng khép kín trên các ứng dụng ngân hàng di động. Theo đó, mọi sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đều xoay quanh nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng.

“Chúng tôi cũng phải cải thiện đa kênh phân phối, nhất là đẩy mạnh kênh phân phối di động đối với các dịch vụ”, ông Thắng nói.

Ở một cuộc khảo sát khác, có hơn 72% NTD được hỏi cho biết họ ưa thích và sẵn sàng thử các trải nghiệm số tại điểm bán hoặc tại nhà thông qua smartphone.

Điều này cho thấy sự sẵn sàng của NTD Việt so sánh với các nước trong ASEAN ở mức rất cao. Do đó, các DN Việt cũng cần thay đổi tích cực hơn trong việc xây dựng các giải pháp số hướng đến trải nghiệm số của NTD.

Bà Trang Lê, Giám đốc kinh doanh của một công ty phân phối trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Tp.HCM, cho biết sau khi tìm hiểu xu hướng mua sắm mới, công ty đã quyết định đổi mới mô hình kinh doanh cho sản phẩm của mình thay vì cách kinh doanh truyền thống như lâu nay. Với một chiến lược đầu tư về tiếp thị số đúng đắn, khách hàng tìm đến công ty ngày càng nhiều hơn.

Còn theo chuyên gia quản lý DN Đỗ Hòa, Tổng giám đốc công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, công nghệ điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo, internet vạn vật đang phát triển rất nhanh. Do đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để gia tăng nội lực và lợi thế cạnh tranh cho DN trước những xu hướng tiêu dùng mới.

Giới chuyên gia khuyến nghị các DN Việt nên sớm có những thay đổi tích cực trước các xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam và thị trường quốc tế. Đặc biệt là cần thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản trị DN, chất lượng sản phẩm.

Ngay như ở lĩnh vực nông sản cũng cần phải nắm bắt và thay đổi trước xu hướng tiêu dùng mới vốn ưa chuộng những sản phẩm sạch, thuận theo tự nhiên. Như lời khuyên của bà Ino Mayu, chuyên gia người Nhật của Tổ chức Seed To Table (từ hạt giống đến bàn ăn), để sản phẩm ngon, lành, chinh phục được NTD thì phải quay về vấn đề từ gốc là sản xuất. Tức là “làm nông tử tế” - nông nghiệp hữu cơ - xu hướng tiêu dùng nông sản sạch của NTD trên thế giới hiện nay.

Thế Vinh