Thị trường bất động sản cần những gì để “vượt khó” trong năm 2020

00:00 12/10/2020

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục có dấu hiệu suy giảm do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự giảm sút này có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, nghề khác.

Để giúp cho thị trường có thể “vượt khó” trong năm 2020 Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ cho các DN tập trung vào lĩnh vực tín dụng và thuế.

Cánh chim “báo bão”

Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường BĐS từ đầu năm đến nay đang tiếp đà giảm sút từ năm 2019 do những ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 gây ra.

Đối với các DN BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, hầu hết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Ngoại trừ Vingroup đạt doanh thu và lợi nhuận rất tốt, các DN còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.

Điều đáng quan ngại là tổng giá trị hàng tồn kho của các DN BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Trong đó, có đến 24 DN có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng; có 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng; riêng 2 tập đoàn hàng đầu lại có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.

Các DN BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán hầu hết đã có kết quả kinh doanh giảm sút

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, vấn đề về hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế.

Nhưng, hàng tồn kho BĐS sẽ trở thành gánh nặng cho DN và cho nền kinh tế, nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

“Đến hơn 90 ngành nghề, cùng với đó là hàng triệu lao động có liên quan trực tiếp đến BĐS. Thị trường BĐS như con chim báo bão, nếu bị khủng hoảng sẽ kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế; nhưng cũng là con chim én báo mùa xuân về, khi thị trường BĐS hồi phục sẽ kéo theo sự phục hồi của nền kinh tế, có tính lan tỏa rất lớn” - ông Châu nhìn nhận.

Tháo gỡ từ chính sách tín dụng và thuế

Mới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong năm 2020, cần tập trung vào khâu tín dụng, thuế và hoàn thiện chính sách pháp luật cho các sản phẩm BĐS mới.

Theo đó, VNREA đề nghị các ngân hàng thương mại cần có phương án giảm lãi suất, xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho DN và có gói vay với lãi suất ưu đãi cho DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đề xuất giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế...

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến sản phẩm BĐS mới, tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh theo hướng nghiên cứu bổ sung các sản phẩm shophouse, shoptel và các sản phẩm tương tự; đồng thời ban hành văn bản về chế độ sử dụng đất đối với các loại hình BĐS này.

Các sản phẩm BĐS tồn kho ngày càng nhiều, cần phải có cơ chế tháo gỡ từ tín dụng và thuế. (Ảnh: Doãn Thành).

Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Đức Khuê cho biết, thời điểm hiện tại dưới tác động của đại dịch Covid-19 đang khiến cho nền kinh tế bị đình trệ, nhóm BĐS kinh doanh lưu trú là lĩnh vực bị tổn thất nặng nề nhất, không có doanh thu hoặc doanh thu giảm, nhưng vẫn phải chi trả những chi phí vận hành.

“Kiến nghị của VNREA liên quan đến chính sách tín dụng và thuế cho DN BĐS nói riêng trong thời điểm này là phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế. Những khó khăn từ việc siết giảm tín dụng, dừng cấp phép dự án từ năm 2019 và đại dịch Covid-19 đầu năm 2020, nhiều DN vừa và nhỏ đã không thể trụ lại và nguy cơ phá sản đang dần hiện rõ đối với cả những DN lớn hơn” - ông Khuê cho hay.

Đồng quan điểm, theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS vốn đã gặp nhiều khó khăn trong năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm Covid-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.

“Nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính sẽ giúp cho thị trường BĐS sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại, thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho rất nhiều người lao động, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế của đất nước và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở” - ông Châu nhận định.

DOÃN THÀNH