Thị trường âm nhạc Việt Nam 2020: Trực tuyến cân bằng với truyền thống

00:00 12/10/2020

Cùng với sự phân hóa thể loại ngày càng mạnh mẽ, nhạc Việt trong năm 2020 không chỉ chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt gương mặt mới mà còn là nốt son vang dội với những sản phẩm âm nhạc vật lý.

Streaming và những gương mặt trẻ

Sự bùng nổ của YouTube và các nền tảng nhạc trực tuyến (streaming) đã chấp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc trẻ. Thay vì phụ thuộc và ngồi chờ cơ hội từ các hãng thu âm hoặc các nghệ sĩ tên tuổi, các nghệ sĩ trẻ có thể tung sản phẩm của họ lên các nền tảng trực tuyến, giới thiệu sản phẩm đến người nghe. Bằng cách này, quy trình sản xuất một sản phẩm âm nhạc sẽ được rút ngắn, cơ hội cho người trẻ cũng nhiều hơn. Thị trường âm nhạc Việt Nam không nằm ngoài quy luật này của dòng chảy âm nhạc thế giới. Trong nhiều năm qua, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ tài năng từ thị trường trực tuyến, dòng nhạc indie được người nghe chú ý và tỏa sáng. Sân chơi truyền hình thực tế không còn là lựa chọn duy nhất.

Các thế hệ âm nhạc tài năng mới hình thành, độ tuổi trẻ hơn, tạo được lòng tin với công chúng và dễ dàng nắm bắt được thị hiếu nghe và xu hướng công nghệ mới. Sự song hành của họ cùng với các thế hệ đàn anh đàn chị có độ tuổi không quá xa tạo nên bộ mặt âm nhạc đa dạng, phân hóa nhiều thể loại và cũng thú vị hơn.

Trong năm 2019, Đạt G, LyLy, Thịnh Suy, Amee... đã mang đến làn gió mới mẻ cho nhạc Việt với những sáng tác chất lượng và có cá tính âm nhạc. Nếu bộ đôi Amee và LyLy là ca - nhạc sĩ (các ca khúc Nếu anh không phiềnĐen đá không đườngAnh nhà ở đâu thế...) thì Đạt G (các ca khúc VềKhó vẽ nụ cườiBánh mì khôngEm chưa giấu anh điều gìAnh ơi anh ở lại - Chipu thể hiện...) và Thịnh Suy (ca khúc Một đêm say) đều là các ca sĩ, nhạc sĩ tài năng, hứa hẹn nhiều bứt phá trong năm mới.

Thịnh Kainz - Kata Trần từ nhóm DTAP (cùng với Tùng Cedrus hòa âm) là bộ đôi thành công khác của năm 2019 dù trước đó chưa ai biết đến họ. Cùng nhau, họ viết nhạc và lời cho 6 ca khúc trong album Hoàng của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, tham gia viết nhạc cho phim Anh thầy ngôi sao. Ban tổ chức Giải thưởng Cống hiến 2020 nhận định, âm nhạc của bộ đôi này “hiện đại mà vẫn đậm hồn Việt và để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong lòng người nghe”.

Streaming ngày càng chứng tỏ xu thế không thể thay thế của nó. Sự lấn sân của công nghệ blockchain và podcast sang lĩnh vực âm nhạc sẽ thu hút và tạo điều kiện cho nhiều tài năng âm nhạc trẻ phát triển, tăng độ phổ biến trên toàn thế giới và xích lại gần nhau hơn. Chắc chắn, thị trường Việt Nam cũng sẽ có thêm nhiều cái tên mới xuất hiện.

Album truyền thống giữ vững vị thế

Trong suốt một khoảng thời gian dài, nhạc trực tuyến bùng nổ, xu thế người nghe thay đổi, các hãng thu âm truyền thống điêu đứng do lượng băng đĩa bán ra sụt giảm thê thảm, nỗi lo album truyền thống mất đi vị thế vốn có trở nên có cơ sở. Phần đông ca sĩ Việt Nam chọn cách phát hành album, ra MV trên nền tảng trực tuyến thay vì đầu tư ra album vật lý. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xu hướng này bắt đầu thay đổi.

Nhanh, gọn và có độ phủ rộng nhưng bộc lộ nhiều nhược điểm về âm thanh cũng như không có giá trị sở hữu từ nhu cầu cầm nắm một sản phẩm âm nhạc trong tay, nhạc trực tuyến vẫn chiếm ưu thế nhưng không còn đóng vai trò tuyệt đối như trước. Độ lùi thời gian đã cho các ca sĩ sự chiêm nghiệm cần thiết. Album truyền thống, băng cassette và đĩa than (vinyl) trở lại mạnh mẽ trên các kệ băng đĩa. 2018 là một năm thành công của loại hình ghi âm này.

Sau một năm thưa vắng các sản phẩm từ album vật lý, nhiều dự án đang âm thầm khởi động, hứa hẹn mang đến những album thú vị, độc đáo, ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Từ rap, hip-hop cho đến pop, rock. Một vài cái tên có thể kể đến là rapper Suboi, Hà Lê, ca sĩ Uyên Linh, Lân Nhã, Trúc Nhân, Nguyên Hà... 

Năm 2020 cũng được dự đoán sẽ là năm đáng nhớ, đánh dấu cột mốc làm nghề của nhiều ca sĩ, album vật lý chắc chắn sẽ có một mùa bội thu. Đĩa vinyl sẽ tái xuất. Và như mọi khi, vẫn sẽ là dòng chảy âm thầm bền bỉ. 

Minh Nguyễn