Thanh Hóa: Khắc phục những “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” gây tai nạn giao thông

00:00 12/10/2020

Ngày nay, do tốc độ đô hóa, sự phát triển nhanh chóng của xã hội, kéo theo sự gia tăng về phương tiện giao thông, làm nảy sinh các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn", nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Mặc dù được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tuy nhiên hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông của Thanh Hóa vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển KT-XH, đời sống của người dân. Một số tuyến đường xấu, xuống cấp, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nhiều điểm giao cắt, tầm nhìn hạn chế. Giao thông miền núi nhiều đoạn dốc, xuất hiện khúc cong, chưa xây dựng hệ thống đường gom, đường trên cao... 

Trước tình trạng đó, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt danh mục các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn. Từ đó, để có biện pháp khắc phục, xử lý đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi và an toàn.

Theo đó, Thanh Hóa có 57 điểm đen, 98 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) tập trung chủ yếu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như Quốc lộ (QL) 1A, QL45, QL47, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh, đường nội thị, đường huyện, xã... Do hạn chế về kỹ thuật cũng như chất lượng đường giao thông, cộng thêm ý thức chấp hành của người tham gia giao thông kém, hệ lụy là TNGT vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt trong giao thông đường bộ.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa: Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 234 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm chết 75 người, bị thương 202 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 40 vụ (chiếm 14,6%), giảm 23 người chết (chiếm 23,4 %), giảm 46 người bị thương (chiếm 78,5 %).

Nguyên nhân số vụ tai nạn, số người chết và bị thương giảm trong thời gian qua là do: Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo ATGT. Năm 2020, với chủ đề của ủy ban ATGT Quốc gia: “Đã uống rượu, bia không lái xe”, gắn liền với 2 văn bản luật: Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 điều chỉnh mức phạt đối với những người sử dụng rượu bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Do tính răn đe của 2 văn bản pháp luật này rất mạnh cho nên có sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Người dân tham gia giao thông đã ý thức rất rõ việc không sử dụng rượu bia khi lái xe, góp phần vào việc giảm TNGT trong 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội cho dại dịch Covid-19 khiến mật độ tham gia giao thông giảm mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm TNGT. Các hệ thống phát thanh truyền hình, các đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền trong toàn thể nhân dân về các quy định, luật tham gia giao thông.

Ngoài ra, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân  ngày một nâng cao hơn. Nhận thức của việc tham gia giao thông vì trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng của người dân được nâng lên rõ rệt.

Mặc dù so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương có giảm nhưng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm ở các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ. Điển hình như vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến đường Nghi Sơn – Sao Vàng làm 3 người chết và 1 cháu bé bị thương khiến nhiều người lo lắng, bất an.  Đầu năm 2018, khi tuyến đường đi vào hoạt động, xuất hiện  các điêm đen, điểm tiềm ẩn gây TNGT. 

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường Nghi Sơn- Sao Vàng làm 3 người chết và 1 cháu bé bị thương khiến nhiều người lo lắng, bất an

Theo Quyết định phê duyệt các điểm đen, điểm tiềm ẩn gây TNGT, trên Quốc lộ 1A, điểm đen nằm ở Km 315+250 QL 1, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa. Bởi đây là nút giao ngã tư lệch, giữa đường dân sinh vào làng với QL.1 (bên trái có đường sắt Bắc - Nam chạy song song với QL.1). Đoạn tuyến thẳng, dân cư đông đúc. Khoảng mở dải phân cách giữa QL.1 tại nút rộng 21m. Các phương tiện đi từ đường nhánh ra QL.1 bị hạn chế tầm nhìn do nhà dân đông đúc xây dựng sát đường. Do người điều khiển ô tô khi sang đường không chú ý quan sát. Lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông qua khu vực nút giao lớn. Biện pháp khắc phục và xử lý điểm đen này là lắp đặt đèn cảnh báo nháy vàng dạng cần vươn trên các nhánh của nút giao. Tháo dỡ mỗi đầu khoảng mở dải phân cách giữa 01 đốt dải phân cách giữa QL.1 để các phương tiện khi rẽ xe ra, vào đường nhánh được thuận lợi hơn. Sơn gờ giảm tốc trên đường nhánh. Lắp biển STOP trên đường nhánh giao QL.1. Di dời biển báo hạn chế tốc độ 50Km/h từ vị trí hiện tại (phía Nam của nút giao Km315+400) đến vị trí mới (phía Bắc của Nút giao tại Km315+200) Lắp đặt biển báo 207 "giao nhau với đường không ưu tiên" vị trí gần với nút giao hơn. Bổ sung biển cấm quay đầu xe trên QL.1 tại hai đầu vị trí mở dải phân cách giữa.

Thành phố Thanh Hóa hiện có 4 “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT (điểm vòng xuyến Nguyệt Viên - ngã tư Quốc lộ 1A - đại lộ Nam sông Mã; KM 323+500 QL 1A; ngã tư đại lộ Hùng Vương - đại lộ Võ Nguyên Giáp; ngã tư QL 47 - đường vành đai phía Tây).Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội điểm đen, điểm tiềm ẩn gây TNGT lại có sự thay đổi. Sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông khiến nhiều hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp. Có những điểm trước đó là điểm an toàn nhưng sau lại trở thành điểm đen về TNGT. Có nghĩa là điểm đen liên tục gia tăng phát sinh và thay đổi. Cứ mở 1 tuyến giao thông thì sẽ có 1 điểm đen mới, 1 điểm tiềm ẩn nguy cơ mới đặc biệt ở các nút giao.

Căn cứ vào hiện trạng, ý kiến của người dân tại một số “điểm đen”, điểm tiềm ẩn, bất hợp lý về giao thông, ngành giao thông vận tải Thanh Hóa đang tiếp tục phối hợp các cấp, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hướng đến giải quyết dứt điểm các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn.

Liên quan đến vấn đề khắc phục xử lý những điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thời gian qua, toàn bộ các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh đã được ngành giao thông vận tải cùng phối hợp với công an rà soát để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông như: lắp đặt hệ thống tín hiệu, sơn kẻ vạch, xây dựng hành lang đường, bổ sung các hệ thống biển báo. Một số tuyến giao thông thì đã được sửa chữa nâng cấp (như tuyến 217, một số tuyến đường tỉnh, huyện vừa được khánh thành). Lực lượng công an và ngành giao thông vận tải đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, vừa tuyên truyền vừa kết hợp với xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Thời gian sắp tới, ngành giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Đặc biệt là đối với đối tượng thanh thiếu niên học sinh và người dân khu vực nông thôn. Tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT trên tất cả các tuyến giao thông”.

Xóa các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT cần sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan chức năng và ý thức chấp hành Luật ATGT của người tham gia giao thông. Trên thực tế, vẫn còn nhiều tuyến đường tồn tại không ít điểm bất cập, thiếu sót trong công tác tổ chức giao thông cần sớm được các ngành chức năng tháo gỡ, xử lý.

Minh Hiền