Tài sản ông chủ Uniqlo vọt lên 29 tỉ USD nhờ khách hàng quay lại mua sắm

00:00 12/10/2020

Tỉ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai, ông chủ của Fast Retailing - tập đoàn sở hữu thương hiệu thời trang Uniqlo đã hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế châu Á hậu dại dịch. Ông đã kiếm thêm 9,2 tỉ USD kể từ khi Forbes công bố danh sách Tỉ phú thế giới vào tháng 3.2020, đưa khối tài sản lên 28,9 tỉ USD.

Tài sản ông chủ Uniqlo vọt lên 29 tỉ USD nhờ khách hàng quay lại mua sắm - ảnh 1

Giá hàng hoá bình dân đã giúp Uniqlo “miễn nhiễm” với tình trạng đi xuống của nền kinh tế. Trong ảnh: Ông chủ của Uniqlo phát biểu khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam cuối năm ngoái. Ảnh: Uniqlo Việt Nam

Đại dịch đang khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa tại nhiều khu vực trên thế giới, với những “nạn nhân” phải kể đến các gã khổng lồ ngành bán lẻ như J.C.Penney, Sears, Debenham và Neiman Marcus. Tuy vậy tại châu Á, khi lệnh cách ly đang dần được dỡ bỏ, người tiêu dùng đang dần quay lại các cửa hàng để mua sắm. 

Nhờ người tiêu dùng đổ xô tới các cửa hàng Uniqlo tại Nhật và Trung Quốc, cổ phiếu của Fast Retailing đã tăng 53% kể từ khi mức thấp nhất năm vào ngày 19.3. Hai thị trường này đang chiếm tới 75% hệ thống 2.200 cửa hàng Uniqlo toàn cầu.

Dù sở hữu cả các thương hiệu khác như Theory, Helmut Lang, J Brand và GU, cỗ máy kiếm tiền lớn nhất của Fast Retailing vẫn là Uniqlo, đóng góp khoảng 80% trong doanh thu hàng năm 21,3 tỉ USD của công ty. 

“Các nhà bán lẻ có kết quả kinh doanh tốt hơn tại châu Á,” Mareen Hinton, giám đốc nghiên cứu của công ty phân tích và tư vấn GlobalData nhận định. “Tại những thị trường như Trung Quốc, nơi lệnh cách ly đã được dỡ bỏ và có nền tảng dân số lớn, nhu cầu của thị trường đang lên.”

Uniqlo đã phải đóng cửa một nửa trong số 748 cửa hàng của mình tại Trung Quốc sau khi lệnh cách ly có hiệu lực từ tháng 1.2020, sau đó dần mở cửa lại vào cuối tháng Tư. Trong khi đó tại Nhật Bản, 40% cửa hàng Uniqlo đã tạm đóng cửa vào tháng Năm và sau đó cũng đã được mở lại. Tháng trước, Uniqlo đã mở thêm hai cửa hàng tại Tokyo, một tại Ginza và một tại khu mua sắm Harajuku. 

Một trong những nguyên nhân giúp thúc đẩy doanh số của Uniqlo là sự kiện công ty cho ra mắt mặt hàng khẩu trang AIRsm. Sản phẩm này khiến lượng truy cập trang bán hàng online của Uniqlo tăng đáng kể, đồng thời dẫn khách hàng quay trở lại các cửa hàng vật lý, nơi rất nổi tiếng với các mặt hàng thời trang thường nhật với mức giá phải chăng, chẳng hạn như váy có mức giá dao động từ 9,9-39,9 USD. 

Giá hàng hoá bình dân đã giúp Uniqlo “miễn nhiễm” với tình trạng đi xuống của nền kinh tế, theo Dairo Murata, chuyên viên phân tích cấp cao của JP Morgan tại Tokyo. “Các chu kỳ kinh tế và xu hướng thời trang sẽ không thể ảnh hưởng nhiều tới những nhà cung cấp chuyên kinh doanh hàng thời trang hằng ngày xuất phát từ nhu cầu thực,” ông nhận định. 

Tuy vậy Fast Retailing vẫn không thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của đại dịch. Công ty ước tính trong năm tài khoá kết thúc ngày 31.8, doanh thu sẽ giảm 9%, xuống còn 19,3 tỉ USD, trong khi lợi nhuận sẽ giảm 44% xuống còn 1,34 tỉ USD (145 tỉ yên). 

Nhà sáng lập Tadashi Yanai đã lớn lên trong cửa hàng quần áo của cha mẹ tại một thị trấn nhỏ ở Yamaguchi, phía Tây Nam Nhật Bản. Ông thường bày tỏ mong muốn Fast Retailing trở thành công ty thời trang lớn nhất thế giới.

Hiện tại doanh nghiệp này vẫn còn đang xếp sau Inditex của Tây Ban Nha, vốn được biết tới với thương hiệu Zara với doanh số hằng năm đạt 31,6 tỉ USD và H&M của Thuỵ Điển với doanh số 24,8 tỉ USD. 

Nhà sáng lập Inditex Amnacio Ortega hiện là tỉ phú dệt may giàu nhất thế giới với giá trị tài sản 64,6 tỉ USD, theo sau đó là Yanai của Fast Retailing và Stefan Persson của H&M.

Anu Raghunathan