Tài chính sáng tạo giúp Indonesia đạt được các mục tiêu phát triển

00:00 12/10/2020

Phát triển bền vững nằm trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng, vì nó liên quan đến biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (SDGs), y tế toàn cầu, tài trợ phát triển…

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết tựa đề: “Tài chính sáng tạo giúp Indonesia đạt các mục tiêu phát triển”. Nội dung bài viết xoay quanh sự kiện các nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự các sự kiện cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. 

Phát triển bền vững nằm trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng, vì nó liên quan đến biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (SDGs), bảo hiểm y tế toàn cầu và tài trợ cho phát triển…

Theo các Hiệp định đa phương, các quốc gia bao gồm Indonesia đã cam kết từ năm 2015 cho Chương trình nghị sự 2030 về SDGs và các cam kết quốc tế liên quan như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình hành động Addis Ababa về tài trợ cho phát triển.

Cam kết mạnh mẽ là một lời hứa cần được thực hiện với nguồn tài chính an toàn và đầy đủ. Chính vì vậy, Indonesia quyết tâm sử dụng tài chính sáng tạo như một cơ chế tài chính để tài trợ cho các mục tiêu cam kết quốc tế, phù hợp với các chiến lược ưu tiên quốc gia của nước này.

Tài chính sáng tạo là việc kết hợp giữa các quỹ công và tư thông qua một chương trình hoặc thỏa thuận đầu tư chung, mỗi bên sử dụng chuyên môn của mình để bổ sung cho nhau trong đầu tư, phát triển.

Pancasila là lý thuyết triết học cơ bản, chính thức của nhà nước Indonesia với 5 nguyên tắc tư tưởng và Hiến pháp, quy định thành tựu của một xã hội công bằng và thịnh vượng được hỗ trợ bởi sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và toàn diện; là mục tiêu cơ bản của sự phát triển. Trong đó kinh tế là một yếu tố quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng. 

Các quốc gia thành viên Chương trình nghị sự 2030 đã đồng ý hợp tác toàn cầu để đạt được 17 SDGs về xóa đói giảm nghèo, cải thiện chăm sóc sức khỏe và giáo dục, bảo vệ môi trường và giảm bất bình đẳng cùng các mục tiêu khác. Năm nay, Indonesia trở thành một trong 7 quốc gia duy nhất nộp bản đánh giá quốc gia tự nguyện. Đây là yêu cầu xem xét để theo dõi tiến trình của SDGs.

Trong thời gian qua, Indonesia đã thành công trong việc giảm bất bình đẳng, duy trì cho tăng trưởng kinh tế bền vững và quản trị có trách nhiệm. Cơ hội việc làm và tiếp cận giáo dục đã tăng lên.

Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, Indonesia đã giảm tỷ lệ nghèo xuống một con số. Tuy nhiên, hiện nay Indonesia và các nước đang phát triển khác đang thiếu kinh phí khoảng hơn 2.500 tỷ USD hàng năm để đạt được SDGs. Đây là một khoản tài chính rất lớn đối với ngân sách chính phủ và chỉ có thể huy động được bởi các quỹ tư nhân và các nguồn lực khác.

Chính vì thế, tài chính sáng tạo đang nổi lên như một trong những cách tốt nhất để thu hút vốn tư nhân. Việc sử dụng nguồn tài chính chính thức và các nguồn tài chính viện trợ giúp giảm rủi ro cho tài chính tư nhân trong đầu tư SDGs. Tài chính sáng tạo có khả năng huy động được hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Tầm quan trọng của tài chính sáng tạo cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị quốc tế về tài chính cho phát triển lần thứ 3 được gọi là Chương trình hành động Addis Ababa năm 2015.

Vào tháng 6/2019, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka, Nhật Bản, Indonesia đã khẳng định và công nhận tài chính sáng tạo là một trong những cơ chế tài chính sáng tạo để phát triển.

Là một nền kinh tế trong Nhóm G20 và một quốc gia mới nổi đang phát triển nhanh chóng, Indonesia đã thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ cho SDGs, bao gồm thông qua việc phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo khác nhau.

Trái phiếu “Green Sukuk” và trái phiếu “Green Islamic” là một trong những công cụ của chính phủ để tài trợ cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu và đạt được SDGs. Trái phiếu “Green Sukuk” đầu tiên được phát hành vào tháng 3/2018 và đã thu được 1,25 tỷ USD, và vào tháng 2/2019 đã thu hút 750 triệu USD.

Trong những năm gần đây, Indonesia đã bắt tay vào hành động cụ thể để thúc đẩy các cơ chế tài chính sáng tạo của mình. Indonesia đã cho ra mắt nền tảng tài chính sáng tạo đầu tiên của mình – “SDGs Indonesia One” để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng bền vững quy mô lớn thông qua công ty quốc doanh PT Sarana Multi về cơ sở hạ tầng. “SDGs Indonesia One” đã huy động được 2,46 tỷ USD và đang nhắm mục tiêu đạt 4 tỷ USD.

Chính phủ cũng đã đạt được một mốc quan trọng bằng cách sử dụng các quỹ Zakat hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Cơ quan hỗ trợ nhân đạo quốc gia (Baznas) và Ngân hàng Jambi phối hợp đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ để cung cấp điện cần thiết cho hơn 4.000 dân.

Indonesia tin rằng tài chính sáng tạo là một cách quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững cũng như triển khai các kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu toàn cầu theo Thỏa thuận Paris và SDGs.

Trên phạm vi toàn cầu, vào tháng 10/2018, Indonesia đã đảm nhận vai trò lãnh đạo bằng việc chủ trì phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức Diễn đàn “Tri Hita Karana (THK)” thường niên về chủ đề Phát triển bền vững trong sử dụng tài chính sáng tạo và Đổi mới.

Diễn đàn đã đưa ra hơn 30 dự án, đầu tư và sáng kiến có thực tiễn cao và đã huy động tới 10 tỷ USD cho các lĩnh vực SDGs ưu tiên, bao gồm cơ sở hạ tầng xanh, sử dụng đất bền vững và nâng cao vai trò của phụ nữ.

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc 2019, Indonesia phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Diễn đàn THK, một lần nữa tổ chức một cuộc đối thoại bên lề, tài chính hỗn hợp làm đòn bẩy cho SDGs. Cuộc đối thoại sẽ thảo luận về cách huy động vốn tư nhân cho SDGs và sẽ nêu bật các cơ hội đầu tư cho tài chính sáng tạo.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song triển vọng cho thị trường tài chính sáng tạo nhằm mở rộng quy mô và tài trợ cho các SDGs ở Indonesia thực sự rất hứa hẹn. Là một nước ủng hộ mạnh mẽ cho SDGs, Indonesia cùng với các nước và các đối tác sẽ tiếp tục huy động và tìm kiếm nguồn tài chính sáng tạo để phát triển đất nước và lấy vị thế trên trường quốc tế./.

Đình Ánh (TTXVN tại Jakarta)

Tags: