Sử dụng Serum Vitamin C nếu mắc sai lầm dễ khiến làn da 'tồi tệ' hơn

00:00 12/10/2020

Serum vitamin C là sản phẩm được nhiều chị em tin dùng tuy nhiên trong quá trình sử dụng không nên mắc sai lầm vì dễ có tác dụng phụ không mong muốn.

Serum vitamin C là một thành phần khá quen thuộc dùng để dưỡng trắng da và chống lão hoá. Tuy nhiên, bất cứ một sản phẩm hay thành phần nào cũng sẽ có tác dụng phụ và việc dùng quá nhiều hay không đúng cách cũng sẽ biến vitamin C trở thành tác nhân gây kích ứng cho da. 

Serum Vitamin C là dạng bào chế giúp cung cấp Vitamin C phân tử siêu nhỏ, hoạt tính cao và hàm lượng cô đặc. Chúng được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất với mục đích dưỡng trắng, mờ sạm nám, giảm thâm mụn.

Với khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa sự hình thành sắc tố melanin. Vitamin C phục hồi các tổn thương trên da như vết thâm mụn, sạm da, da sậm màu. Vitamin C thúc đẩy quá trình trao đổi chất giúp thay mới da, tăng cường độ đàn hồi, trẻ hóa da. Tuy nhiên do hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm khác nhau cộng thêm nếu sử dụng sai cách cũng sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường cho làn da.

Sử dụng Serum Vitamin C không nên mắc sai lầm vì dễ gây tác dụng phụ. Ảnh minh họa

Không làm sạch sâu làn da trước khi sử dụng

Nếu làn da không được làm sạch sâu thực sự trước khi sử dụng Serum Vitamin C, da của người dùng sẽ tiến triển theo 1 trong 2 trường hợp:  Đối với da dầu, da hỗn hợp chỉ sau từ 3 – 7 ngày dùng Serum C người dùng sẽ quan sát thấy hiện tượng đẩy mụn nhẹ, và bong tróc ở mũi.

Đối với da khô, da lão hóa những lần sử dụng đầu tiên thấy da mềm mịn, nhưng những ngày tiếp da khô hơn và bong tróc nhiều vảy li ti màu trắng đục. Nguyên nhân có thể là do trong quá trình làm sạch da chưa chuẩn.

Sử dụng sản phẩm quá lâu dễ bị oxi hoá nếu bảo quản không tốt

Dạng vitamin C được biết đến với khả năng làm sáng da, giảm thâm nám và chống lão hoá hiệu quả nhất là Ascorbic Acid (AA) hay L-Ascorbic Acid (LAA). Tuy nhiên, dạng này rất dễ bị oxi hoá khi tiếp xúc với ánh sáng và nhiệt độ cao. Chính vì vậy, người dùng thường thấy các sản phẩm Serum có chứa LAA hay AA thường được chứa trong các lọ thuỷ tinh tối màu. Tuy nhiên, dù bảo quản tốt đến đâu thì việc mở lọ vitamin C ra hàng ngày cũng sẽ đẩy nhanh quá trình oxi hoá của hợp chất này.

Vitamin C đã bị oxi hoá sẽ có màu sậm hơn, không còn có tác dụng trên da nữa và thậm chí có khả năng gây kích ứng cho da. Chính vì vậy, khi sử dụng vitamin C, cụ thể là LAA hay AA phải chú ý hơn tới việc bảo quản sản phẩm và sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể.

LAA và AA hoạt động tốt ở độ PH tầm 3.5. Tuy nhiên, môi trường acid này sẽ làm da trở nên nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời và rất dễ bị kích ứng khi da không đủ khoẻ. Hơn nữa, da cũng sẽ dễ bị khô và bong tróc hơn. Đặc biệt, đối với những người da bị mụn, mới nặn mụn hay làm laser, lăn kim tuyệt đối không nên sử dụng vitamin C vì sẽ gây bỏng rát và làm tổn thương da.

Trong trường hợp này, các loại vitamin dạng khác như Magnesium Ascorbyl Phosphate (MAP) hay Sodium Ascorbyl Phosphate (SAP) sẽ là sự lựa chọn an toàn hơn. Hai dạng vitamin C này hoạt động ổn định ở môi trường trung tính với độ pH là 7 nên sẽ dịu nhẹ hơn với da và giảm thiểu khả năng gây kích ứng cho da. Tuy nhiên, MAP hay SAP không bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do hiệu quả bằng LAA hay AA.

Dùng chung với một số sản phẩm khác gây mất tác dụng

Thông thường, các loại vitamin C hoạt động ở độ pH thấp là những dạng vitamin C được cho là đem lại hiệu quả tốt nhất cho da. Nhưng do hoạt động ở môi trường acid, các dạng vitamin C này không thể hoạt động với một số thành phần khác như Retinoids hay Niacinamide vì các hoạt chất này hoạt động ở độ pH cao hơn.

Trong trường hợp muốn sử dụng các sản phẩm này trong quy trình dưỡng da người dùng có thể tách riêng ra buổi sáng dùng vitamin C và buổi tối dùng sản phẩm còn lại. Làm đẹp với vitamin C dùng vào buổi sáng sẽ giúp tăng hiệu quả của kem chống nắng nhưng nếu không chống nắng đủ thì lại có tác dụng ngược lại, vitamin C sẽ làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng.

An Dương