Sự bùng nổ kinh tế chia sẻ trên thế giới

00:00 12/10/2020

Với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão, kinh tế chia sẻ được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa và chiếm tỷ lệ ngày một lớn trong đời sống kinh tế thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cản trở sự bùng nổ của mô hình này tại một số quốc gia.

Thuật ngữ kinh tế chia sẻ được hiểu là việc sử dụng các tiến bộ công nghệ nhằm tạo điều kiện trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ giữa các bên. Mặc dù việc chia sẻ hay cho thuê là khái niệm không mới, nhưng nhờ tiến bộ công nghệ mà quá trình này có thể được diễn ra một cách thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn phương thức truyền thống rất nhiều. Tính hiệu quả của kinh tế chia sẻ đến từ việc nó cho phép người cho thuê tận dụng tối đa tài sản nhàn rỗi, trong khi giúp người đi thuê giảm thiểu gánh nặng mua sắm và khấu hao tài sản. Sự hiệu quả của mô hình này liên quan chặt chẽ đến hai

yếu tố: tư duy và niềm tin của khách hàng. Tư duy cần nhiều thời gian để thay đổi và thích ứng, còn niềm tin lại rất khó xây dựng và dễ bị đánh mất. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi đổ tiền vào mở rộng thị trường đã quay lại gặp phải vấn đề ở cả hai yếu tố trên.

Trở lại năm 2009, mới chỉ có một số ít các công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ được mở ra như Zipcar, BlaBlaCar hay CouchSurfing. Airbnb ra đời vào cuối năm 2008 còn Uber ra đời vào đầu năm 2009. Ý niệm về việc cho thuê quyền  sử dụng khi đó mới chỉ là trào lưu của thế hệ trẻ, song đến nay đã trở thành một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại. Dần dần, các ý niệm ban đầu về giảm thiểu sự tiêu dùng lãng phí hay kết nối cộng đồng đang dần nhạt đi, để lại một mô hình kinh doanh đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp tư nhân áp dụng. Đó là mô hình tận dụng tối đa tiến bộ công nghệ nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thuận tiện, hiệu quả với chi phí hợp lý. Các khoản tiền lớn được đổ vào các doanh nghiệp tham gia kinh tế chia sẻ với mục tiêu lợi nhuận đã làm đánh mất ý nghĩa của cụm từ “chia sẻ”. Trải qua hơn một thập kỉ phát triển, mô hình kinh tế chia sẻ đã đạt được nhiều thành tựu song cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần giải quyết. Cùng điểm qua tình hình của nền kinh tế chia sẻ hiện nay:

MẢNH ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

Kinh tế chia sẻ là một trong những mô hình kinh doanh phát triển có tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, với hơn 23 tỷ USD đã được đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này từ năm 2010 đến nay. Đặc biệt, các công ty tham gia mô hình kinh tế chia sẻ đều là các công ty tư nhân nên quy mô thực tế của nền kinh tế này rất rộng và chưa thể thống kê hết.

Iceland được coi là một trong những quốc gia có nền kinh tế chia sẻ phát triển nhanh nhất trên thế giới theo xếp hạng của Timbro. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính thế  giới càn quét hệ thống tài chính của nước này, nhu cầu chi tiêu tiết kiệm và tìm kiếm các nguồn thu nhập phụ đã giúp Airbnb tại đây phát triển nhanh chóng. Các điều kiện giúp kinh tế chia sẻ phát triển tại Iceland gồm: mức độ phủ sóng internet cao, khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới, trình độ phổ cập giáo dục cao, xã hội an toàn và là quốc gia phát triển với ngành du lịch chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, hai sự kiện gồm vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajökull và Phong trào mùa xuân Ả Rập năm 2010 đã khiến Iceland trở thành một điểm đến thú vị và an toàn, góp phần giúp Airbnb phát triển mạnh nhờ kết hợp cùng ngành du lịch của địa phương. Khi các cơ sở khách sạn trên khắp đất nước kín chỗ, Airbnb đã đến giải cứu bằng cách cung cấp các phòng nghỉ cần thiết, cho phép du lịch gia tăng có lợi cho nền kinh tế.

Tại Mỹ, trong năm 2016, mô hình kinh tế chia sẻ đã thu hút hơn 44,8 triệu người Mỹ trưởng thành tham gia sử dụng và con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 86,5 triệu người sử dụng tại Mỹ trước năm 2021. Nghiên cứu của PWC cũng cho thấy, 86% người Mỹ trưởng thành đang sử dụng dịch vụ từ nền kinh tế chia sẻ cho biết điều đó giúp họ tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong cuộc sống và 83% cũng đồng ý rằng nền kinh tế chia sẻ thuận tiện và hiệu quả hơn các phương pháp truyền thống.

Trong lĩnh vực vận chuyển, Uber và các dịch vụ chia sẻ xe cộ khác đã trở thành một mô hình dịch vụ vận chuyển cạnh tranh trực tiếp với các phương tiện truyền thống khác như xe bus hay taxi. Chúng có ưu điểm cả về chi phí, an toàn, mức độ hài lòng và thuận tiện cho khách hàng. 

Hai công ty có tổng vốn hóa thị trường hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ tại Mỹ là Airbnb (38 tỷ USD) và Uber (50 tỷ USD). Chỉ riêng tổng vốn hóa của hai công ty trên đã là 88 tỷ USD. Tại New York, số lượng xe Uber đã nhiều hơn gấp  4,5 lần lượng xe taxi và khiến chi phí cho việc sở hữu một xe taxi giảm từ 1 triệu USD xuống còn 200.000 USD. Một số thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ về vận chuyển gồm: Uber: 50 tỷ USD (gần đây); Didi: 58 tỷ USD (tính đến cuối 2018); Lyft: 12 tỷ USD.

Nhóm dịch vụ cá nhân và chuyên nghiệp (Professional and Personal Services) là nhóm các công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm và kỹ năng tay nghề cao, như biên tập viên, kế toán hay thợ sửa ống nước. Kinh tế chia sẻ đã tham gia góp phần cung cấp các nền tảng nhanh chóng, thân thiện và an toàn giúp các cá nhân và doanh nghiệp thỏa mãn các nhu cầu tìm kiếm lao động thời vụ nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp của mình. Một số thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ cá nhân và chuyên nghiệp gồm: Fiverr: 351 triệu USD; Upwork: 168.8 triệu USD; TaskRabbit: 50 triệu USD. 

Là ngành dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hàng năm là 8,7 nghìn tỷ  USD vào năm 2020, dễ hiểu để thấy tại sao đầu tư mạo hiểm vào các startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lại tăng nhanh trong những năm gần đây. Kinh tế chia sẻ đã và đang góp phần giúp tận dụng tối đa tài nguyên, trang thiết bị và nguồn lực y tế khi thống kế cho thấy 58% thời gian tuổi thọ của các dụng cụ và trang thiết bị y tế không được sử dụng và chỉ chạy bảo trì. Do đó, các công ty khởi nghiệp như Coematlo đang giúp các bệnh viện tiết kiệm tiền và tăng giá trị thiết bị bằng cách phát triển công nghệ cho phép các bệnh viện chia sẻ thiết bị y tế với các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. Một số thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ về chăm sóc sửa khỏe bao gồm: American Well: 441,5 triệu USD; Doctor On Demand: 160 triệu USD; Cohealo: 9 triệu USD.

Theo ước tính của Viện Brookings India năm 2016, quy mô của nền kinh tế chia sẻ sẽ tăng trưởng từ 14 tỷ USD năm 2014 lên đến 335 tỷ USD năm 2025. Tuy nhiên ngay tại Trung Quốc, quy mô của khu vực này đã có tổng giá trị giao dịch đạt đến 440 tỷ USD năm 2018, với mức tăng 41,6%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này có một phần đóng góp lớn từ việc nhóm chia sẻ năng lực sản xuất (chia sẻ máy móc,v.v..), đã tăng 97,5% lên 823,6 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 28% tổng giá trị thị trường. Nhóm dịch vụ - bao gồm cả dịch vụ chuyển phát đồ ăn – hiện đang chiếm 54% quy mô kinh tế chia sẻ tại Trung Quốc, tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 1,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Kinh tế chia sẻ đã góp phần mang lại việc làm cho rất nhiều người đến từ vùng nông thôn của Trung Quốc. Năm 2018, 77% trong tổng số 2,7 triệu tài xế giao hàng cho Công ty Meituan Dianping đến từ các vùng nông thôn và 670,000 lao động có xuất phát điểm từ những vùng nghèo khó của đất nước.

Cuối cùng, xu hướng nhân khẩu học trong tương lai đang mở ra rất nhiều không gian phát triển cho mô hình kinh tế chia sẻ. Xu hướng này bao gồm: tầng lớp trung lưu mới nổi, phụ nữ và sự già hóa dân số. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, tầng lớp trung lưu đại diện cho phần lớn dân số toàn cầu được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới, lên 5,2 tỷ người. Phụ nữ dự kiến sẽ tham gia đóng góp sự gia tăng của tất cả nguồn thu nhập khả dụng trong thập kỷ tới. Các khu vực như Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và nhiều nơi khác nữa cũng sẽ tăng nhu cầu dịch vụ phục vụ người già, ở cả mảng chăm sóc sức khỏe lẫn gia tăng thu nhập.

CÒN ĐÓ NHỮNG MẢNG XÁM

Năm 2019 sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp trong mảng kinh tế chia sẻ thực hiện IPO và cũng có nhiều doanh nghiệp khác lại phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tại Trung Quốc, ứng dụng chia sẻ xe đạp Ofo đang trên bờ vực phá sản dù trước đó còn thuộc nhóm Kỳ lân - Unicorn (các startups đạt giá trị tỷ USD). Nhiều nền tảng chia sẻ khác tại Trung Quốc cũng đang  phải đối mặt với nguy cơ trên do khách hàng liên tục yêu cầu hoàn lại tiền mặt ký gửi. Sự vội vàng mở rộng quy mô nền kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc cũng góp phần gây nên vấn đề này khi Chính phủ đặt mục tiêu muốn khu vực kinh tế chia sẻ đóng góp 10% GDP vào năm 2020. Nguyên nhân phổ biến và đặc thù gây ra vấn đề trên tại Trung Quốc là sự thiếu tin tưởng của xã hội. Có trường hợp, startup chia sẻ dù Sharing E Umbrella đã mất hơn 300.000 chiếc dù cho thuê trong chưa đầy một tháng ra mắt dịch vụ. Hay Wukong Bicycle, startup cho thuê xe đạp, cũng đã phải tuyên bố đóng cửa chỉ sau 6 tháng hoạt động vì những chiếc xe đã "không cánh mà bay".

Vấn đề của startup WeWork trong thời gian qua cũng chiếm nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Startup chia sẻ không gian làm việc này từng được định giá vào khoảng 47 tỷ USD, song hiện nhà đầu tư chỉ định giá công ty vào khoảng 10 tỷ  USD sau khi những thông tin như đầu tư kém hiệu quả, dàn trải được công bố. Điều này đã khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn liệu các startups công nghệ trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ có đang thực sự hoạt động hiệu quả hay không. Một số doanh nghiệp khác cũng đã hoãn kế hoạch IPO của mình để tránh tâm lý nghi ngờ của thị trường trong khoảng thời gian này.

Nhật Bản là một quốc gia có cách tiếp cận dè dặt đối với kinh tế chia sẻ. Một ước tính năm 2018 cho thấy quy mô của kinh tế chia sẻ tại Nhật Bản hiện mới chỉ đạt 11 tỷ USD so với 229 tỷ USD tại Trung Quốc. Chia sẻ phương tiện giao thông hiện đang bị cấm theo luật pháp Nhật Bản. Các tài xế không chuyên không được phép vận chuyển hành khách với lý do an toàn, và ngành taxi trong nước cũng có sự vận động hành lang mạnh mẽ để duy trì rào cản pháp luật đối với dịch vụ đi  nhờ xe. Ngoài ra, các quy định mới về chia sẻ chỗ ở hồi tháng 6 năm nay cũng đã giảm triệt để lượt sử dụng của các ứng dụng tìm chỗ ở như Airbnb. 

Hồng Kông cũng đang ở vị trí đi sau trong sự phát triển của kinh tế chia sẻ. Các rào cản pháp luật đang đóng chặt cánh cửa cho các dịch vụ chia sẻ như Uber hay Airbnb tại đây nhiều năm qua. Ứng dụng chia sẻ phương tiện Gobee đã phải đóng cửa năm 2018 và các tài xế Uber thậm chí còn bị phạt vì không có giấy phép cho thuê xe. Mặc dù lượng khách du lịch luôn tăng hằng năm và tỷ lệ lấp đầy các khách sạn thường ở mức 80%, song các nhà đầu tư hầu như không muốn xây thêm khách sạn. Liên đoàn các chủ sở hữu khách sạn tại Hồng Kông, đại diện cho 90% khách sạn tại Hồng Kông, năm 2018 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự tham gia thị trường của Airbnb. Tuy nhiên, bản thân một số tập đoàn khách sạn lớn như Marriot International, Accor hay Hyatt cũng đang cố gắng tìm cách khai thác thị trường cho thuê nhà ở ngắn hạn. Có thể thấy, các doanh nghiệp truyền thống đang cố gắng kìm hãm sự cạnh tranh từ các mô hình kinh tế chia sẻ tại Hồng Kông và sẽ còn cần thêm thời gian nữa trước khi người dân Hồng Kông thực sự được đón nhận lợi ích từ mô hình kinh tế chia sẻ.

Trải qua hơn một thập kỷ phát triển, kinh tế chia sẻ đã gặt hái được nhiều thành quả thiết thực và góp phần định hình tương lai kinh tế thế giới. Bước sang giai đoạn mới, mô hình này đang được đầu tư bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn song cũng đang dễ đánh mất mục đích ban đầu của mình là nhằm chia sẻ tài sản, dịch vụ và phục vụ cộng đồng với chi phí thấp. Mặc khác, vẫn còn một số quốc gia, khu vực còn thận trọng và hạn chế đón nhận mô hình kinh tế chia sẻ. Điều này vừa là thách thức, vừa là tiềm năng phát triển và là đích đến chinh phục tiếp theo của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ.

THS. NGUYỄN TRẦN MINH TRÍ