Sớm thử nghiệm tiền di động - Mobile money

00:00 12/10/2020

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn sớm có dịch vụ Mobile money trong năm nay, và nếu được sớm cấp phép thử nghiệm, người nghèo, vùng sâu vùng xa cũng có thể thanh toán không dùng tiền mặt.

Người thành phố có thể mua nải chuối ở vùng sâu, xa

 
 

Mobile money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hóa đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động... và những dịch vụ tương tự. Người dùng có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước...), chuyển/nhận tiền, quản lý và lưu trữ tiền

 

Chia sẻ tại hội thảo “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện” do Bộ TT-TT tổ chức (từ 23 - 24.5), người đứng đầu Bộ TT-TT cho biết tính đến hết năm 2018, thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile money, gần 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỉ USD, tăng trưởng 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31%.

“Ở VN, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay”, Bộ trưởng nói và cho rằng điện thoại di động là giải pháp tốt để người dân vùng sâu, vùng xa có thể thanh toán không dùng tiền mặt.

Dẫn ra câu chuyện 15% người dân tại các nước đang phát triển có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số nhận tiền mặt, rủi ro cao hơn, cũng không thể bán cho một người ở xa. Theo Bộ trưởng Hùng, Mobile money sẽ giúp “người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao”. Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng khẳng định Mobile money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng của ngân hàng. Vì thế ngân hàng không phải quá lo lắng về nền tảng thanh toán mới này.

Chưa có quy định pháp lý

Sớm thử nghiệm tiền di động - Mobile money - ảnh 1

tin liên quan

Hàng triệu người dùng ví điện tử phải khai báo lại
 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hiện VN chưa có các quy định về Mobile money, E-money, mà mới cho phép khái niệm về trung gian thanh toán (tổ chức đứng giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng). Mobile money do các công ty viễn thông cung cấp, không dính gì tới ngân hàng, nên nằm ngoài phạm vi quy định của tổ chức trung gian thanh toán hiện nay.

Trước khái niệm còn rất mới này, ông Dũng cho biết Nghị định 80/2016 của Chính phủ về ví điện tử cũng không giống dịch vụ E-money và Mobile money mà các nước đang triển khai. Sự khác biệt ở chỗ, E-money và Mobile money theo mô hình mà các tổ chức viễn thông được cho phép nạp tiền vào tài khoản từ các đại lý và tài khoản ngân hàng, mà không cần tài khoản ngân hàng như ví điện tử.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về dịch vụ Mobile money, trên các quan điểm cơ bản như: Mobile money bản chất là E-money, là ví điện tử, nhưng không có tài khoản ngân hàng, tài khoản định danh điện tử tương ứng 1-1 với số tiền khách hàng nạp vào. Nói cách khác, nếu ví điện tử ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm định danh khách hàng, bảo mật thông tin, thì với Mobile money, đây là trách nhiệm của các công ty viễn thông. Theo ông Dũng, định danh khách hàng qua tài khoản di động, thì giả sử điện thoại bị mất, tiền trong tài khoản Mobile money vẫn còn.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổng số dư của ví phải tương ứng với số tiền các doanh nghiệp viễn thông gửi tại tài khoản đảm bảo ngân hàng, không được phép kinh doanh như một số nước. Trong trường hợp công ty viễn thông thua lỗ, phá sản, tài khoản này vẫn được đảm bảo. Những vấn đề liên quan đến bảo đảm thông tin khách hàng, sim rác, phòng chống rửa tiền, các đại lý nạp/rút tiền, chuyển tiền quốc tế, liên kết giữa các ví, liên kết chéo giữa các Mobile money… cũng sẽ được xem xét kỹ, làm từng bước. Dự kiến hạn mức thanh toán qua Mobile money sẽ ở mức 10 triệu đồng/tháng.

Nếu Chính phủ đồng ý thí điểm Mobile money, sẽ có 2 - 3 đơn vị viễn thông lớn tham gia thực hiện.

PV