“Shark” Việt toan tính gì trong thương vụ "triệu đô" vào y tế?

00:00 12/10/2020

Y tế là một cuộc chơi dài hơi, đòi hỏi nhiều tiềm lực và việc mạnh tay chi hàng triệu USD cho thiết bị ngay trước thềm khai trương Bệnh viện Phương Đông của “shark” Việt có phải là bước đi hợp lý .

Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo và phát hành năm 2018 cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế. Đặc biệt, theo thống kê, hàng năm, người Việt chi trên 2 tỷ USD cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài, đây chính là cơ hội lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong nước.

Theo nhận định của ông Hugo Luik, Giám đốc công ty Philips Việt Nam tại sự kiện ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ y tế với bệnh viện Phương Đông mới đây thì lĩnh vực y tế ngoài công lập đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam. Các cơ sở y tế tư nhân tại miền Bắc đang đi sau, chậm hơn một chút so với khu vực miền Nam nhưng trong thời gian tới, đầu tư tư nhân sẽ có thể tạo ra sự phát triển mạnh mẽ. 

Liệu thỏa thuận triệu USD với Philips có giúp bệnh viện 5 sao của "shark" Việt thành công?

Có thể thấy, trong lĩnh vực y tế ngoài công lập tại miền Bắc, nếu không tính những cơ sở phòng khám tư nhân nhỏ lẻ thì cũng mới chỉ nổi lên một số cái tên lớn như Vinmec, Hồng Ngọc, Medlatec, Việt Pháp,... Như vậy nếu so với nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ngày càng tăng của người dân thì dư địa cho các bệnh viện tư nhân mới là rất lớn.

Tuy nhiên, việc có dư địa là một chuyện còn có thành công lại là chuyện khác khi theo thống kê  thì bệnh viện tư nhân ở Việt Nam thì 10 cái lập ra chỉ 3 cái có khả năng tồn tại còn lại 7 là “chết hoặc thoi thóp”. Có thể kể ra một số cái tên chỉ nổi lên trong một thời gian ngắn rồi lặng lẽ "ra đi" như Phúc An Khang, Phú Thọ,… tại môi trường được đánh giá là có dịch vụ y tế ngoài công lập phát triển như tại thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, khi chấp nhận là “người đi sau”, bên cạnh việc phải giải bài toán khó là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thì bệnh viện Phương Đông của “shark” Việt (Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông - Intracom) đã nhanh chân trong việc dùng tiềm lực sẵn có từ công ty mẹ là tập đoàn Intracom để chi hàng triệu USD cho những thiết bị y tế hiện đại đến từ đối tác Philips (Hà Lan).

Theo thông tin công bố, ngay tại giai đoạn đầu của thỏa thuận mới đạt được với Philips, “shark” Việt đã chi ra khoảng 2 triệu USD để mang về các thiết bị công nghệ y tế kỹ thuật hàng đầu thế giới như hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5T, hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, thiết bị chụp C-ARM trong phòng mổ, thiết bị chụp nhũ ảnh tới các thiết bị siêu âm, X-quang kỹ thuật số...

Đầu tư lớn, bài bản nhưng liệu những tính toán của “shark” Việt có như dự liệu và thương vụ "triệu đô" mang tên bệnh viện 5 sao Phương Đông có thành công thì phải chờ thực tế hoạt động sau khi khai trương vào ngày 24/2 tới đây.