Sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng “made in Vietnam”

00:00 12/10/2020

Từ thực trạng phải nhập khẩu 100% vắc-xin lở mồm long móng, việc thực hiện thành công dự án nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm vắc-xin lở mồm long móng “made in Vietnam” là dấu mốc quan trọng với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Trăn trở với nỗi lo của người dân

“Những năm trước đây, khi trực tiếp nhìn thấy bà con nông dân tại tỉnh Hưng Yên nói riêng và nhiều bà con trên cả nước đau xót, lo lắng khi cả đàn lợn – nguồn tài sản lớn nhất của họ phải mang đi tiêu hủy vì dịch lở mồm long móng bùng phát, những người làm nghiên cứu vắc-xin, thuốc thú y như chúng tôi trăn trở lắm. Thời điểm ấy, vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng phải nhập khẩu hoàn toàn, giá thành lại quá cao”,Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hằng - thành viên nhóm nghiên cứu đề tài “Công nghệ sản xuất vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc” của Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD) chia sẻ.

Lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, thường phát thành dịch lớn, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho chăn nuôi gia súc nói riêng và kinh tế, xã hội, môi trường của mỗi quốc gia, lãnh thổ nói chung. Tổ chức Thú y thế giới xếp bệnh lở mồm long móng nguy hiểm thứ nhất trong gần 120 bệnh ở động vật cần cảnh báo toàn cầu. Hiện nay, thế giới có 7 typ virus lở mồm long móng đang lưu hành và có khoảng 76 typ phụ. Riêng ở Việt Nam, bệnh lở mồm long móng xuất hiện cách đây 100 năm và hiện đã có 3 typ virus lưu hành là typ O, A và Asia1.

Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch lở mồm long móng, nhất là Chương trình MTQG phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng gồm 3 giai đoạn (2006-2010; 2011-2015 và 2016-2020). Tuy nhiên, do không sản xuất được vắc–xin phòng bệnh trong nước nên Việt Nam phải nhập khẩu 100%. Việc nhập khẩu 100% vắc–xin từ nước ngoài vừa tốn kém vừa chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

“Với vắc–xin nhập ngoại, các chủng virus không được phân lập tuyển chọn từ các ổ dịch tại Việt Nam nên tỷ lệ tương đồng kháng nguyên không cao, không phù hợp với điều kiện dịch tễ ở Việt Nam, dẫn đến mức độ bảo hộ khiêm tốn”, ông Cao Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty RTD cho biết.

Trước thực trạng này, năm 2016, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về sản xuất vắc-xin phòng bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó năm 2017, Đề án thí điểm sản xuất vắc-xin thương mại sử dụng các chủng virus lở mồm long móng lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ triển khai.

Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD) – một trong những Công ty lớn của ngành sản xuất thuốc thú y Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc, đề xuất nghiên cứu, sản xuất vắc–xin lở mồm long móng và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2020.

Ông Cao Văn Hùng cho biết: “Công ty đã bắt đầu thực hiện dự án từ năm 2014 với mục tiêu tạo được giống virus vắc-xin lở mồm long móng các typ O, A, Asia 1 ổn định về đặc tính kháng nguyên để sản xuất vắc-xin quy mô phòng thí nghiệm và quy mô công nghiệp để thương mại hóa sản phẩm.”

Vắc xin lở mồm long móng

 

Trong 5 năm qua, Công ty RTD đã thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau để phục vụ cho đề tài nghiên cứu này. Ngoài nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc, Công ty cũng mở rộng nghiên cứu chế tạo vắc-xin vô hoạt phòng bệnh lở mồm long móng typ 0; nghiên cứu sản xuất vắc-xin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh lở mồm long móng typ A; hoàn thiện quy trình sản xuất vắc-xin vô hoạt nhũ dầu quy mô công nghiệp phòng bệnh lở mồm long móng typ O.

Lợi thế cạnh tranh của vắc-xin “made in Vietnam”

Đến thời điểm hiện tại, vắc-xin lở mồm long móng là loại vắc-xin chỉ có một số nước trong khu vực và trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công. Việc chủ động sản xuất được vắc-xin lở mồm long móng tại Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, chủ động trong phòng bệnh; giảm giá thành vắc-xin đồng nghĩa ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD để nhập khẩu vắc-xin và quan trọng hơn cả là góp phần giúp chúng ta khống chế, tiến tới loại trừ bệnh lở mồm long móng ở Việt Nam..

Doanh thu dự kiến của Công ty RTD từ vắc-xin lở mồm long móng typ O đến năm 2020 là 183 tỷ đồng/ 12,2 triệu liều. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nhập khẩu vắc-xin xuống 50% và tiến tới chủ động sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.

“Lợi thế của vắc-xin được chúng tôi nghiên cứu và sản xuất không chỉ ở việc có giá thành thấp hơn vắc-xin nhập ngoại do tận dụng được nguồn lao động địa phương, chi phí vận chuyển, nhập khẩu mà quan trọng đây là những loại vắc-xin phù hợp với chủng virut tại Việt Nam, có thể đạt hiệu quả tốt”, ông Cao Văn Hùng cho biết.

Ông Hùng cho biết thêm, với nghiên cứu này, khi bệnh lở mồm long móng được thanh toán sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu và làm cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả một số dự án đã ký kết với các tổ chức quốc tế như: dự án phát triển chăn nuôi bò sữa, dự án sinh hóa đàn bò, dự án nạc hóa đàn lợn…

“Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của công ty, kết quả này có được là do sự đầu tư kinh phí, đồng hành và hỗ trợ tối đa, kịp thời của Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ”, ông Hùng chia sẻ về sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước cho các hoạt động phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp.

Năm nay là năm kỷ niệm 60 năm ghi dấu chặng đường thành lập và trưởng thành của ngành Khoa học và Công nghệ, Dự án “Công nghệ sản xuất vắc-xin phòng bênh lở mồm long móng phòng bệnh cho gia súc” của Công ty RTD và các nhà nghiên cứu là một dấu mốc quan trọng, ghi nhận cho những đóng góp của khoa học và công nghệ cho sản xuất nông nghiệp nước nhà.

Hà Trang