Phong tục nhảy lửa của người Dao Đỏ ở Hà Giang

00:00 12/10/2020

Độ nguy hiểm tăng dần khi mực nước sông, suối dâng cao, nên khách du lịch cần nắm được các kỹ năng di chuyển nhằm hạn chế rủi ro.

Nhảy lửa là một nghi thức sinh hoạt văn hóa độc đáo và lâu đời của người Dao Đỏ. Lễ hội thường được tổ chức trong 15 ngày đầu tháng Giêng, là dịp để người dân tạ ơn tổ tiên, cầu chúc cho mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ. Trong chương trình trải nghiệm các dịch vụ du lịch cộng đồng tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang ngày 8 – 11/8, người dân thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên đã tái hiện phong tục này.

Người nhảy lửa bốc than bằng tay không và hất tung trong không gian. 

Người nhảy lửa bốc than bằng tay không và hất lên trong không trung

Trước khi tổ chức lễ hội, các gia đình chuẩn bị một mâm cỗ cúng bao gồm gà luộc, gạo sống, giấy bản, ống tre cắm hương, 5 chén rượu và một chén nước trắng. Trong tiếng trống dồn, thầy cúng địa phương bắt đầu lễ tế, xin phép thần linh và đọc tên của những người tham gia nhảy lửa. Lúc này, đống củi bắt đầu được đốt cháy, người nhảy lửa (thường là 4 người) ngồi trên một băng ghế cạnh mâm cúng và đợi làm phép nhập tâm.

Khi bài tế của thầy cúng kết thúc, đống củi đã cháy rụi để lại tro than nóng bỏng. Lúc này, những người tham gia nhảy lửa toàn thân rung bần bật, hét lên một tiếng và nhảy vào than hồng bằng chân trần. Thậm chí, họ còn dùng tay không để hất than nóng lên không trung và bắt đầu tắm lửa, hay còn gọi là Diáo xin. Những người tham gia sẽ lần lượt nhảy và bốc than cho đến khi lửa đã tàn hẳn. Được làm từ một loại len không bắt lửa, sau khi tham gia lễ hội, trang phục của người Dao chỉ dính bụi, bẩn chứ không hề cháy sém.

Anh Triệu Tạ Vủi, người tham gia nhảy lửa hàng năm ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang cho biết: "Trước khi bắt đầu, mình cảm thấy tự tin và không sợ lửa nóng. Khi bốc than, mình chỉ thấy tro trân trân trên tay, chứ không hề bị bỏng". 

Bàn tay của anh Triệu Tạ Vủi sau khi tham gia lễ nhảy lửa.

Bàn tay của anh Triệu Tạ Vủi sau khi tham gia lễ nhảy lửa.

Theo quy định, người thực hiện nhảy lửa phải là nam giới. "Trong chục người đăng ký tham gia, chỉ có khoảng 3 - 5 người được thần linh chọn. Những người có ông nội hoặc cha từng nhảy lửa sẽ dễ được nhập hơn", anh Vủi cho biết. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, thần linh, tổ tiên đã ban cho họ sức mạnh siêu nhiên và lòng dũng cảm để đương đầu với lửa nóng. Vì vậy, sau khi bốc than lửa bằng tay không, họ cũng không hề bị bỏng. 

Trước khi tham gia nhảy lửa, người được chọn phải giữ cơ thể sạch sẽ. Họ không được ăn bốc và đi đại, tiểu tiện trước nghi lễ. Đặc biệt, nam giới không được ở gần vợ, quan hệ nam nữ ít nhất 3 ngày. Nếu không thực hiện đầy đủ, khi đi chân trần vào than lửa họ sẽ bị bỏng. Vì vậy, lễ nhảy lửa thường được người Dao Đỏ tổ chức vào buổi tối, sau khi người thực hiện nghi lễ đã ăn uống và tắm sạch sẽ.

Người dân tộc Dao Đỏ ở thôn Nậm Hồng biểu diễn nhảy lửa. 

Ngày nay, phong tục nhảy lửa ở một số địa phương đã dần mai một. Tuy nhiên, cộng đồng người Dao Đỏ ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vẫn duy trì và gìn giữ truyền thống lâu đời này. Vào dịp đầu năm, bên cạnh nhảy lửa, người dân còn tổ chức lễ cúng tổ tiên Quyã Hiéng, lễ cấp sắc (lễ trưởng thành của người Dao) và cúng sao. 

Hoàng Su Phì là một huyện nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 63.000 ha, đây là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nổi bật trong đó là Dao, Nùng và Mông.

Năm 2015, dự án "Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng" của tổ chức Helvetas Thụy Sĩ, và Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn CRED đã khởi động ở huyện Hoàng Su Phì. Sau 4 năm hoạt động, trên toàn huyện có tổng cộng 18 homestay cùng đội ngũ hướng dẫn viên địa phương chuyên nghiệp, đảm bảo cơ sở lưu trú và dịch vụ cho du khách.

Lan Hương