Phim Việt - thiếu bột để gột nên hồ

00:00 12/10/2020

"Nhà trọ Balanha", "Tình yêu và tham vọng" đã và đang chiếu trên sóng VTV, là những bộ phim truyền hình Việt hóa được đánh giá thành công hơn cả bản gốc. Tuy nhiên, bên cạnh việc đem lại sự đa dạng cho bữa ăn tinh thần của khán giả, phim Việt hóa bùng nổ cũng cho thấy những hạn chế của điện ảnh nước nhà.

Thú chơi Film và người Hà Nội

Thành công không nhờ ăn sẵn

Phim Việt hóa là phim làm lại từ những tác phẩm điện ảnh, truyền hình nổi tiếng, ăn khách của nước ngoài. Theo dõi phim truyền hình Việt khoảng 10 năm trở lại đây, khán giả dễ dàng bắt gặp tên phim đình đám trên màn ảnh nhỏ như: “Cô gái xấu xí”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Cầu vồng tình yêu”, “Hậu duệ mặt trời”, “Người phán xử” hay gần đây nhất là “Nhà trọ Balanha”. Tất cả những bộ phim này đều là phim Việt hóa.

Không chỉ riêng phim truyền hình, dòng phim điện ảnh Việt hóa cũng xuất hiện hàng loạt bom tấn như: “Em là bà nội của anh” - bản quyền của Hàn Quốc với tựa gốc Miss Granny; “Tèo em” - Việt hóa từ Due Date, tác phẩm của điện ảnh Hollywood; “Bạn gái tôi là sếp” - chuyển thể từ một bộ phim của Thái Lan; “Tháng năm rực rỡ” - Việt hóa từ Sunny của Hàn Quốc; “Sắc đẹp ngàn cân” - làm lại từ kịch bản của Hàn Quốc.

 Để tạo ra những bộ phim Việt hóa thành công, nhà làm phim không ăn sẵn. Những phim Việt hóa là phim khai thác kịch bản gốc của nước ngoài nhưng đã biên tập và sửa chữa lại để mang cốt cách, tâm hồn Việt. Phim gốc có thể không xuất sắc nhưng với sự sáng tạo của đội ngũ làm phim đã tạo ra được bản remake thành công.

Đơn cử như phim “Nhà trọ Balanha” được Việt hóa từ tác phẩm “Welcome to Waikiki” của đài JTBC – Hàn Quốc, dù bán miễn phí trên các ứng dụng truyền hình trực tuyến nhưng ít khán giả trong nước biết đến. Sau sự thành công của “Nhà trọ Balanha”, nhiều người tìm lại bản gốc của Hàn Quốc để xem nhưng đều sớm từ bỏ ngay tập đầu tiên bởi nội dung, văn hóa, ngôn ngữ, bối cảnh… có nhiều khác biệt.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ: “Chúng tôi không nhất thiết chọn kịch bản nổi tiếng mà chọn những kịch bản có thể phát triển thêm. Chúng tôi không mua kịch bản để minh họa hay gia công lại. Nếu bên bán kịch bản bắt làm lại giống kịch bản của họ, chúng tôi sẽ không mua”.

Nhào nặn phim nước ngoài ra... phim Việt

Chứng kiến sự thành công của phim Việt hóa, nhiều nhà làm phim trăn trở rằng, công tác xây dựng kịch bản hiện đang là lỗ hổng lớn.

Theo đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn, “muốn có bộ phim hay trước hết phải có kịch bản hay. Ở các phòng biên tập của các hãng phim đang chất đống kịch bản nhưng lại không sử dụng được. Ta có quá nhiều kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hấp dẫn”. Chính vì vậy, theo vị đạo diễn này, đó cũng là một trong những lý do tại sao các hãng phim của ta săn lùng mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công của một vài phim như “Em là bà nội của anh”, “Tháng năm rực rỡ” “Người phán xử” hay “Nhà trọ Balanha” với lượng khán giả kỷ lục thì cũng đã có khá nhiều bộ phim Việt hóa bị thất bại cả phương diện nghệ thuật lẫn thương mại.

Điển hình gần đây là phim "Hậu duệ mặt trời", một bộ phim truyền hình đình đám của Hàn Quốc năm 2017. Ngay khi phim kết thúc, ở Việt Nam đã rục rịch thông tin làm lại bộ phim này khiến khán giả hồi hộp mong chờ lẫn lo âu nghi ngại bởi bản gốc quá tuyệt vời. Khi phiên bản Việt lên sóng, dàn diễn viên tuy được khen ngợi về ngoại hình nhưng cách diễn xuất lẫn các tình tiết đều chưa đạt, thậm chí là nhiều “sạn”.

Song, dù yếu tố ngoại được biên kịch sàng lọc và thay thế nhằm toát lên phong vị Việt nhiều nhất có thể và dù sự Việt hóa thành công hay không thì cũng không thể phủ nhận, chúng ta đang “gột nên hồ” từ “bột” của người khác.

Minh An