Doanh nhân hãy lắng nghe "Tổ quốc gọi tên mình”

00:00 12/10/2020

Có thể nói chưa bao giờ hai tiếng “Đồng bào” lại trở nên thiêng liêng như lúc này. Trong thời khắc toàn dân tộc Việt Nam cùng đứng lên chống lại đại dịch thì những câu chuyện về những con người đang ở “tuyến đầu của trận chiến” phòng chống “giặc bệnh Covid-19” hay những câu chuyện “hậu phương” đời thường đều mang ý nghĩa to lớn. Cùng với xã hội, những người làm doanh nghiệp luôn lắng nghe khi Tổ Quốc gọi tên mình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ủng hộ phòng chống dịch Covid - 19

Câu chuyện về cụ bà Lê Thị Niệm, 78 tuổi ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa đã tự đạp xe đến trụ sở UBND xã để đóng góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 kèm theo một bức thư với nội dung chia sẻ: “Trong chiến tranh, chồng, em và chị của tôi đã hy sinh. Trong hòa bình năm 1983, 1984, Nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng đã tình nguyện bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu cho tôi ít quà, tôi lại cống hiến cho Nhà nước số tiền là 1.000.000 đồng (01 triệu đồng). Tuy chưa nhiều nhưng tấm lòng của tôi, mong được ban lãnh đạo các cấp nhận cho tôi” đã làm lay động bao trái tim chúng ta, trong đó có những người làm doanh nghiệp.

Cụ bà Lê Thị Niệm, 78 tuổi ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa đã tự đạp xe đến trụ sở UBND xã để đóng góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 

Xung quanh câu chuyện về trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước, của những người làm doanh nghiệp trong thời khắc “Tổ quốc gọi tên mình”, DNHN đã buổi phỏng vấn Doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

PV: Thưa ông! Dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông đánh giá như thế nào về vai trò của những người làm doanh nghiệp trước lời kêu gọi của Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”?

Ông Nguyễn Văn Đệ: Ngay lúc này, những người làm doanh nghiệp hãy nêu gương câu chuyện và tấm lòng son của những nhà Tư sản yêu nước. Cộng đồng doanh nghiệp hãy lắng nghe “Tổ quốc gọi tên mình”, xem đây là giai đoạn minh chứng về tinh thần trách nhiệm, đạo đức, lương tâm kề vai sát cánh, sắt son một lòng với với cách mạng, với Tổ quốc, với nhân dân.

Đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính trong những thời khắc dân tộc đứng trước những mất mát, đau thương, "Ngàn cân treo sợi tóc" lại viết nên những câu chuyện nhân văn về sự hy sinh của các tầng lớp doanh nhân – nhà tư sản yêu nước nổi bật.

Câu chuyện về vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - nhà tư sản giàu có bậc nhất Hà Thành giữa thế kỷ XX, đã thể hiện tấm lòng yêu nước bằng việc đem hết công sức, tài sản 5.147 lượng vàng (chiếm hơn 90% số tiền buôn vải, gấp đôi ngân khố Chính phủ bấy giờ) ủng hộ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam với một suy nghĩ đơn giản là: Phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giữ được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện.

Hay tấm lòng sắt son của vợ chồng doanh nhân Đỗ Đình Thiện và Trịnh Thị Điền còn lưu mãi muôn đời. Không chỉ là nhà hoạt động cách mạng dũng cảm, là doanh nhân tài ba, sẵn sàng vào sinh ra tử, quyết một lòng kiên trung với Cụ Hồ, mà vợ chồng doanh nhân Đỗ Đình Thiện còn sẵn sàng hy sinh cả sự nghiệp, trí tuệ đóng góp không một chút do dự vào “Quỹ Độc lập” cho Mặt trận Việt Minh giai đoạn 1930-1954 với số tiền 10 vạn đồng Đông Dương, 100 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng” (trong khi cả nước lúc bấy giờ mới quyên góp được 300 lạng vàng).

Đất nước mình còn rất nhiều những minh chứng lịch sử sống động về các thế hệ doanh nhân Việt Nam tài ba, dũng cảm đã để lại cho hậu thế một tài sản quý báu về tinh thần yêu nước to lớn và thấm thía cảm phục tấm lòng trân quý của họ, xứng đáng là tấm gương sáng soi rọi để doanh nhân thời nay học tập và làm theo.

PV: Thưa ông! Được biết Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, do vậy cũng không tránh khỏi ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhất là những lĩnh vực Công ty đang hoạt động như: Vận tải, nhà hàng, khách sạn,...Vậy với vai trò là người đứng đầu, ông có đề xuất, kiến nghị gì để DN vượt qua khó khăn này không?

Ông Nguyễn Văn Đệ: Theo tôi, ngay lúc này đây đừng hỏi Tổ Quốc sẽ làm gì cho ta mà hãy hỏi ta sẽ làm gì cho Tổ quốc. Bởi thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng đặc biệt đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, xem doanh nghiệp là động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước. Với thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có các giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tư duy, cách thức làm việc trong các bộ, ngành với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng đã được nêu trong hàng loạt nghị quyết quan trọng mà Chính phủ ban hành...Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ những vấn đề vĩ mô cho tới từng vụ việc cụ thể, để “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.

Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, một lần nữa người dân, doanh nghiệp lại được thấy một Chính phủ kiến tạo, nhân văn và hành động vì nhân dân, vì doanh nghiệp. Hàng loạt các chỉ đạo điều hành, thậm chí cả mệnh lệnh quyết liệt thôi thúc cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm kêu gọi cả nước chung tay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua mọi khó khăn trước mắt, tích cực tham gia công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trong thời gian qua, tôi rất cảm động khi có những cụ già dành một phần tiền lương hưu, tiền tích cóp trong nhiều năm; các em nhỏ dành tiền tiết kiệm chi tiêu, tiền mừng tuổi trong dịp Tết… để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng người đi đường, người nghèo tại khu dân cư. Rất cảm phục nhiều người dân, doanh nghiệp phát tâm quyên góp ủng hộ đóng góp theo khả năng của mình, đưa những chuyến xe chở sữa, bánh chưng, mì tôm, hoa quả… đến tặng các bệnh viện, với mong muốn tiếp sức, giúp các thầy thuốc và bệnh nhân tăng cường sức khỏe, khả năng miễn dịch để chiến đấu với dịch bệnh. Đặc biệt, một số doanh nghiệp có thương hiệu lớn, doanh nhân thành đạt đã thể hiện tình cảm sâu sắc và trách nhiệm ủng hộ hàng trăm tỷ đồng để đồng hành cùng Đảng, Chính phủ và ngành y tế có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.

 

 Nhiều Tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phi phòng chống dịch Covid - 19

Cậu bé Lê Minh Tuệ, học sinh lớp 2 ở Hà Nội mang tiền tiết kiệm  đến UBTW MTTQ Việt Nam ủng hộ phòng chống đại dịch

PV: Theo ông, cộng đồng những người làm doanh nghiệp cần làm gì để phát huy hơn nữa hình ảnh “Doanh nhân - Người lính thời bình” trên mặt trận chống "giặc Covid - 19"?

Ông Nguyễn Văn Đệ: Mỗi doanh nhân cần xác định việc ủng hộ không chỉ là nghĩa vụ với cộng đồng xã hội mà còn là trách nhiệm với chính bản thân doanh nghiệp, người thân và gia đình mình. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy để “cái tôi” sang một bên, đừng nói nhiều khó khăn với những lý do khác nhau, cùng nhau phát huy tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Theo tôi, số tiền ủng hộ trên 500 tỷ đồng được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trực tiếp ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua UBTW MTTQ Việt Nam thời gian qua so với lực lượng  hơn 750.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa phản ánh hết tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Tôi cảm nhận rằng, ở đâu đó vẫn xuất hiện tư tưởng kỳ thị với người nhiễm bệnh, sự thờ ơ, chủ quan và thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân có thương hiệu, làm ăn hiệu quả từng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương vinh danh, khen tặng nhiều giải thưởng không biết nay đã đi đâu và đã làm những gì để thể hiện hết trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của đất nước.

Dẫu biết rằng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay cũng ngổn ngang nhiều nỗi lo, khó khăn cả về kinh tế lẫn tinh thần, nhưng trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện đến tình hình KT-XH, QP-AN và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc, nhưng mỗi doanh nhân hãy vượt qua khó khăn, tiếp tục đoàn kết, hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và lời kêu gọi của UBTW MTTQ Việt Nam chia sẻ một phần nhỏ nguồn lực an sinh xã hội của đơn vị mình để chia sẻ gánh nặng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng chiến đấu và chiến thắng “giặc dịch”. Có như vậy, công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam mới tạo thành sức mạnh đoàn kết, là “chiếc lá chắn kháng khuẩn” mạnh mẽ nhất giúp chúng ta quyết chiến và chiến thắng dịch bệnh, sớm đưa nền kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển thịnh vượng.

Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trao đổi này!

Minh Hiền (Thực hiện)