Ông chủ rừng lãng mạn - tác giả bài hát “Dấu chân người lính”

00:00 12/10/2020

“Tôi nguyên là một người lính, sau chiến tranh học Đại học Tổng hợp, ngành Ngữ văn. Tôi không phải là nhạc sỹ, chỉ biết chút ít nhạc lý nhưng tôi thích hát. Ký ức khó phai của tuổi thơ, năm tháng cuộc đời người lính, đặc biệt là quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn và cảm xúc cho những tứ thơ, nốt nhạc trong tôi. Tôi viết được vài chục bài thơ, trên hai mươi ca khúc, đăng ký bản quyền đàng hoàng đấy nhưng chỉ để đọc chơi, hát chơi thôi. Cũng có vài bài bạn bè khen hay nhưng tôi không đăng ở đâu cả. Thơ, ca chẳng ra gì sợ người ta cười! Lao động, chiến đấu, có thơ, có nhạc, sâu lắng lại trẻ người ra".

 Doanh nhân 

Trần Tấn và một góc rừng hiện tại

Đó là chia sẻ đầy lãng mạn của doanh nhân Trần Tấn - ông chủ 300 ha trang trại rừng tự nhiên đầy muông thú, hoa trái và hồ ao, suối nước đẹp như tranh. Đặc biệt, ở đây có cây cầu gỗ lợp ngói được cấp giấy chứng nhận "Cây cầu độc mộc lợp ngói dài nhất Việt Nam", đà cầu là một cây gỗ quí dài 14,4m, đường kính 1,26m, trên 200 năm tuổi. Hiện nay Tổ chức kỷ lục đang làm hồ sơ đề nghị công nhận kỷ lục Guinness thế giới.

Một thời để nhớ

Gặp và trò chuyện với Trần Tấn, chúng tôi cảm nhận anh là một người rất đặc biệt, nhất là cách trò chuyện như dẫn dắt người nghe tìm đến một tác phẩm văn học hay. Năm 16 tuổi, Trần Tấn đã xung phong đi bộ đội nhưng không đủ tuổi, đủ cân, nên anh phải khai tăng 2 tuổi. Khi khám sức khỏe, mặc dù đã cho vài cục đá cuội vào  túi quần mà cũng chỉ được 37 kg. Anh hăng hái xung phong đi bộ đội nhưng sau đó lại được chuyển sang đi học ngành công an, có lẽ vì hai anh trai đã là bộ đội đang chiến đâu ở chiến trường rồi.

Anh Tấn nhớ lại: Một đêm, họ cho xe đón tôi đi, sáng hôm sau tập trung tại xã Tân Trào - căn cứ "An toàn khu" ở Tuyên Quang. Mấy ngày ở đây, tôi được sống trong nhà sàn của bà con người Tày. Một ông ké tiếp đón, chăm sóc tôi hết sức tận tình. Chiến tranh phá hoại, đường quốc lộ 2 nối sang Trung Quốc là mục tiêu oanh tạc của máy bay Mỹ, đêm đêm bản làng tối đen, hổ, báo vờn quanh bản gầm rú phát sợ. Tôi được đùm bọc yêu quí như trẻ nhỏ. Lại một đêm nữa, những chiếc xe tải nặng nề chậm chạp đưa chúng tôi đi suốt đêm. Qua đèo Khế lạnh giá, đường đá gập ghềnh chênh vênh bờ vực tối, sương mù, đèn xe ngụy trang sáng lờ mờ, nghĩ lại giờ còn thấy sợ. Sáng ra, đoàn chúng tôi đến một nơi, gọi là Đền Thắm ở Phú Lương, Bắc Kạn. Mờ sáng, nhìn lên, vách đá dựng thành cao vút, mũ cối rơi ngược ra phía sau. Xuống xe, trước mặt là một dòng suối, nước chảy siết, cuồn cuộn xoáy tròn quanh những mỏm đá. Đó là ghềnh núi Thắm. Bên bờ suối, sát vách đá là ngôi đền nhỏ ghi hai chữ Đền Thắm. Một cây tre làm cầu bắc qua mấy mỏm đá, trên mặt nước cuộn réo ào ào. Vịn vào một sợi dây thừng chúng tôi run run, nín thở qua ghềnh, trèo lên vách đá, chui vào cửa hang tối. Ra khỏi hang, băng rừng khoảng chừng 7-10 km, theo đường mòn nhỏ như lối hươu nai đi, chúng tôi đến nơi gọi là "trường" - Trường Công an Việt Bắc, nơi đào tạo trinh sát cho An ninh miền Nam. Trường nằm trong một thung lũng cửa một con suối đổ ra sông Cầu. Bốn bề là rừng núi ngút ngàn. Chỉ có hội trường lớn dựng bằng gỗ lợp lá cọ ở trên bãi bằng, còn lán trại đều bằng tre nứa dọc trên lưng núi dưới tán cây rừng. Máy bay Mỹ bay qua đầu cũng không thể biết đó là trường lớp. Lúc đấy mới biết là chúng tôi được đưa đến đó để đào tạo cho chiến trường miền Nam. Mỗi tiểu đội chúng tôi có khoảng 12 người mà từ 5 đến 7 dân tộc khác nhau, Tày, Nùng, Mơ Nông, Cao Lan, Sán Chỉ, đặc biệt có cả các học sinh người vùng Tây Nguyên như Êđê, Bana, S-Tiêng... Chúng tôi phải làm quen với phong tục tập quán các dân tộc anh em và được học tất cả những gì gọi là kỹ năng sống trong rừng: làm thế nào sờ vào gốc cây biết hướng Nam - Bắc, đi trong rừng không để lại dấu vết, bơi không có tiếng động, đem súng đi qua sông không ướt, nấu ăn không để lộ khói, tìm những gì ăn được để có thể sống trong rừng, luyện tập kỹ thuật chiến đấu, học chính trị, võ thuật, học cách cài hộp thư chết…

Cây K'nia trong cánh rừng tự nhiên đầy muông thú, hoa trái và hồ ao ngày nay

Anh bảo: “Ngày đó cực lắm. Bữa cơm độn sắn, độn ngô, nhiều hôm liên tục ăn bánh bao không nhân luộc cứng ngắc. Rau thì ra bờ suối hái lá tầu bay, trồng rau muống, lên rừng hái măng, đào củ mài. Có lần mưa lũ ngước ngập mênh mông, bọn tôi tiếc rau lặn xuống nước quờ đai cho rau nổi lên. Mấy cô gái đứng dưới dòng thi nhau vớt. Cuộc sống vậy mà vui, suốt đời không quên được. Nhưng chính từ những khó khăn đó đã  rèn  luyện chúng tôi, cho tôi bản lĩnh vượt khó, dám nghĩ, dám làm...”

Sau khóa học 18 tháng, anh Tấn  được chọn đưa về Trường Đào tạo Công an Trung ương (C500) Hà Đông học ngoại ngữ, nghiệp vụ thêm 3 năm nữa. Những năm này, anh có may mắn được vào Phủ Chủ tịch viếng Bác khi người ra đi và hướng dẫn đoàn người lặng lẽ vào viếng Bác trong mưa và nước mắt.

Thực tập 2 năm ở Hà Nội, Trần Tấn xung phong đi B. Anh và đồng đội được trang bị đầy đủ quần áo, thuốc men, súng đạn, kiến thức tác chiến mới cho chiến trường Sài Gòn... Đáng nhớ nhất với anh là khi nhận tấm tăng to, dày, để làm áo mưa, làm mái võng nghỉ ngơi; nếu chết thì tăng dùng để gói thi thể… Anh đã ôm hôn tấm tăng vui vẻ nhét vào đáy ba lô con cóc đợi lệnh lên đường. Thời gian này, tất cả mọi người luôn ở tư thế sẵn sàng Nam tiến. Rồi cuối năm 1974, anh nhận lệnh đi B cho chiến dịch Tổng tiến công. Từ Bắc vào Nam, anh và đồng đội hành quân vượt  dãy Trường Sơn, băng  rừng, qua núi, qua sông, suối.

Ngày 1/5/1975, Trần Tấn có mặt trên một đoàn xe Zin ba cầu gần 40 chiếc tiến vào Sài Gòn. Đoàn xe không tập kết ngay mà đi qua nhiều phố phường như diễu hành biểu dương lực lượng trên đường phố. Sau đó, tiếp quản Sở Căn cước Văn khố,  Đặc ủy trung ương tình báo. Đơn vị anh được chia nhỏ đi tuần tra nắm bắt tình hình.

Ngày đầu tiên anh và hai đồng đội gặp một kỷ niệm khó phai trong đời. Đó là buổi sáng hôm ấy, bà con nơi phố chợ lúc đầu nhìn các anh còn bỏ chạy, rồi dần dà lại hỏi chuyện. Đủ các thứ chuyện tìm hiểu về Hà Nội, về miền Bắc, về người lính. Bà con mỗi lúc một đông, anh nói chuyện tự nhiên vui vẻ mà như diễn thuyết. Chuyện từ sáng đến trưa, một người đàn ông trên 30 tuổi mặc áo sơ mi, dáng cao cao, đứng chăm chú nghe từ đầu đến cuối. Sau buổi nói chuyện, cậu ấy đến cạnh anh và hỏi: “Anh cho tôi xin quý danh. Anh cấp bậc gì?” Anh trả lời: “Tôi tên Tuấn, cấp bậc Thượng sỹ”. Cậu ấy lại hỏi: “Anh có được đào tạo gì không?” Anh trả lời: “Người lính nào cũng được đào tạo chiến đấu”. Anh ta tiếp: “Khi tôi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng trên Đài Phát thanh, tôi không đầu hàng. Nhưng hôm nay, nghe anh nói từ sáng đến giờ, biết anh là một người lính mới chỉ ở cấp bậc Thượng sĩ mà nói chuyện được như vậy thì chúng tôi thua là đúng rồi. Tôi xin hàng quân giải phóng. Tôi nộp lại vũ khí cho anh. Sau đó, anh ta  móc ra một khẩu súng rồi nói “Anh hãy bắt tôi đi”. Anh bảo, chúng tôi thực hiện ba mệnh lệnh của Ủy ban quân quản, một là đình chiến, hai là hòa hợp dân tộc, ba là trình diện cải tạo, anh cứ về và đến Ủy ban cách mạng trình diện là xong. Cậu ấy đã rất cảm kích và xúc động, vì tưởng rằng mình sẽ bị bắt và tra tấn.

Cảm hứng từ “Dấu ấn thời đại”

Khi Trần Tấn và đồng đội vào Dinh Độc Lập, đi qua cổng phía đường Nguyễn Du, có lẽ một trong những quả bom do phi công Nguyễn Thành Trung ném xuống  góc Dinh gần cổng, làm dép cao su của các anh dính nhiều bùn đất. Vào Dinh Độc Lập, các anh đã để lại dấu dép của mình trên thảm nhung đỏ tươi trải giữa sảnh lớn. Nhìn lại thấy những dấu chân in hằn trên thảm đỏ, các anh rất ái ngại, lúng túng. Bỗng một người sững lại nói nhỏ: Không biết Hương - người yêu mình có biết giờ này chúng mình đến đây không. Thế là tất cả sững sờ xúc động. Mọi người đều khóc không thành tiếng, nước mắt ràn rụa.

Bài hát "Dấu chân người lính" - với những lời thơ khắc ghi kỷ niệm trong lòng người lính năm xưa

Anh chia sẻ: “Đêm đó về nghĩ lại, tôi cứ nuối tiếc mãi. Giá mà lúc đó mình có máy ảnh chụp lại hình ảnh này sẽ giá trị biết bao. Tiếc quá, đây là dấu chân đến đích của một cuộc hành quân từ Bắc vào Nam đầy hi sinh gian khổ, dấu chấm hết một chương dài lịch sử, kết thúc một cuộc chiến tran đầy đau thương, mất mát và hòa bình độc lập đã về. Có thể nói đó là dấu ấn của thời đại. Những dấu chân đó cứ ám ảnh trong tâm trí làm tôi day dứt, trăn trở. Sau này được học  hành tôi đã viết bài thơ “Dấu chân người lính”. Đây là bài thơ đầu tay, gắn liền với dấu ấn kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của tôi.

Hướng ánh nhìn xa xăm để sống lại những giây phút hào hùng của đời lính, anh xúc động đọc:

Người lính ấy đi qua chiến tranh

Đạp đỉnh Trường Sơn lội khắp bưng biền

Dấu chân anh, dấu chân đồng đội

Tạo thành muôn lối tiến về Sài Gòn

Anh chẳng bao giờ để ý dấu chân mình

Anh nhớ dấu chân son cô gái làng gánh nước, in trên ngõ gạch đường quê

Trưa ấy 30/4 ào ào thần tốc

Anh để lại dấu trên thảm đỏ trước thềm Dinh Độc Lập

Dấu chân bụi đất, dấu chân dép lốp người lính Cụ Hồ

Hết chiến tranh anh lại trở về với bản làng, ngõ gạch đường quê

Anh chẳng nhớ, nhưng lòng tôi nhớ dấu chân anh in trên thảm đỏ

Dấu chấm hết cuộc chiến tranh gian khổ

Bụi đất chiến trường vương trên nhung lụa

Tạc thành bức tranh lịch sử máu và hoa

Hành quân xa anh lại hành quân xa

Nhưng dấu chân anh mãi còn ở lại

Bức tranh chiến trường máu và hoa ấy lung linh bản hùng ca

Lung linh một bản hùng ca”.

Năm 2015, cả nước náo nức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm thời chiến tranh ùa về trong những đêm thơ mộng sống với rừng, đặc biệt về những dấu chân in trên thảm đỏ trong Dinh Độc Lập, Trần Tấn say sưa đọc, ngâm bài thơ “Dấu chân người lính”. Rồi anh hát, thấy hay, trong lúc làm việc cũng hát. Bạn bè khen hay và khuyên anh nhờ nhạc sĩ ký âm, chỉnh sửa, rồi hòa âm, phối khí, thu băng. Thế là ca khúc “Dấu chân người lính” được phổ nhạc.

“Trong 21 ca khúc tôi đã hát từ thơ của tôi, Dấu chân người lính là tác phẩm tôi thích nhất. Các bài còn lại tôi sáng tác về nhiều chủ đề, nhiều giai điệu khác nhau, không lẫn của ai một từ nào, một âm nào. Ca khúc của tôi có cái riêng, bắt vào giai điệu nào đó, với âm hưởng nào đó là cuốn vào nhau, không lẫn ai được. Không hay đâu nhưng tôi thích ca khúc của tôi. Tôi sống với rừng, nghe gió hát, nghe chim hót, nghe rừng hát. Tôi cũng như chim, như gió, như rừng. Tôi hát lời của gió, ca lời của chim. Khi vui, buồn hay đau khổ tôi hát lời của trái tim. Tôi hát về quê hương, tôi hát về mẹ, về em, về tuổi thơ tôi một thời vụng dại”, Trần Tấn bộc bạch về tâm hồn lãng mạn của mình.


Cây cầu độc mộc lợp ngói dài nhất Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận

Trong quá trình cải tạo, mở rộng lòng suối để lấy nước tưới tiêu, anh Tấn đã móc dưới lòng suối lên một cây gỗ dài 37m, đường kính 1m26. Con suối ở trang trại của anh có một đoạn dòng chảy cong như hình bản đồ Việt Nam, nên anh nảy ra ý định dùng cây gỗ này, để dựng một cây cầu, lấy vị trí Huế để vắt ngang, tạo thành cái sa bàn Việt Nam. Anh đặt tên cây cầu là Khát vọng Hoàng Sa. Điểm đặc biệt của cây cầu là tổng tất cả các kích thước của các bộ phận cộng lại bằng 9: Tổng chiều dài của cây cầu là 72m; đường kính của cây gỗ (phần giữa) là 1m26; cây gỗ được cắt làm 2 đoạn, mỗi đoạn gỗ dài 14m4; nối 2 đầu đều là 6m3; chiều cao là 2m7. Tất cả các chỉ số cộng lại đều cho kết quả thành số 9.

 

Ý tưởng kinh doanh lợi nhuận triệu đô la

Bình Phước là tỉnh khá nhỏ, có diện tích khiêm tốn nhưng lại có nhiều xã vùng sâu vùng xa, nhiều diện tích đồi rừng bị bỏ hoang hóa. Năm 1995, nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế bằng các dự án trồng rừng theo hướng đầu tư cây nông nghiệp, công nghiệp. Lúc bấy giờ, đa số mọi người muốn chọn nơi đất thấp, bằng phẳng để làm nông nghiệp (trồng cây ăn trái, hoặc trồng cao su). Khu đất trang trại của anh trước đây là rừng bụi, đất hoang, đồi cỏ gianh. Sau quá trình tìm hiểu, anh đã cho anh em lập dự án, xin chủ chương nhận khoán đất trồng rừng. Anh đã bán nhà để đầu tư trồng rừng. Từ khi nghỉ hưu, anh dồn tâm trí, sức lục vào trồng rừng. Anh là người đầu tiên khởi đầu tuần lễ trồng cây nhớ ơn Bác Hồ trong vùng  miền Đông Nam Bộ.

Cũng như người lính trong bài thơ “Dấu chân người lính”, Trần Tấn về hưu với cấp hàm Đại tá An ninh Nhân dân và bắt đầu với sự nghiệp trồng rừng. Anh bảo, trong chiến tranh rừng che chở cho bộ đội, che chở cho mình, bây giờ, ra quân mình phải đền ơn cho rừng. Phải đi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Sự nghiệp mới lại bắt đầu

Anh nói: “Ở ngoài Bắc, nhân dân tổ chức trồng cây nhớ Bác vào rằm tháng Giêng, trong miền Nam mà trồng cây vào tháng Giêng thì chết cây vì nắng lắm. 19 tháng 5 là ngày sinh nhật Bác và ngày 5 tháng 6 là ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, đồng thời cũng là ngày môi trường thế giới, mình tổ chức tuần lễ trồng cây nhớ Bác vào dịp này ở miền Đông Nam Bộ là đúng nhất" Anh đã làm giấy mời lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban, các sở ban ngành và Đoàn Thanh niên, Phụ nữ đến trang trại tham gia trồng cây. Mỗi cây anh ghi lại tên người trồng làm kỷ niệm. Đến nay tuần lễ trồng cây nhớ Bác từ 19/5 đến 5/6 hàng năm đã trở thành phong trào trong vùng. Không chỉ trồng mới, anh còn bảo vệ chăm sóc rừng tự nhiên, trồng xen thêm nhiều giống gỗ quí như cẩm lai, giáng hương, sao, dầu, quế. Cánh rừng của anh ngày thêm phong phú đa dạng. Đất không phụ lòng người, đến nay anh đã là ông chủ của một trang trại rừng 300 ha, bạt ngàn màu xanh, là nơi thu hút và trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã sống tự nhiên như hươu, nai, lợn rừng, khỉ, chồn, nhím... Những vùng sình lầy anh cải tạo thành hồ ao nuôi cá, trong trang trại hiện có 7 ha mặt nước hồ ao với những đàn vịt trời, chim cò và dĩ nhiên rất nhiều cá.

Cột cờ Tổ quốc trong trang trại của Cựu chiến binh Trần Tấn

Nhiều người hỏi, bao giờ anh khai thác rừng, anh cười: “Mình đang khai thác rồi còn gì. Vĩnh viễn không bao giờ mình cho chặt phá cánh rừng này”.Với mọi người, khi trồng cây chỉ trông đến ngày được chặt hạ (thu hoạch), nhưng anh Tấn lại không bao giờ muốn chặt những cây mình đã trồng, vì nó là tình yêu, là sản phẩm tâm huyết do anh và những người lao động làm việc trong trang trại chăm bón, vun trồng. Anh muốn nó tồn tại mãi mãi và sẽ thu lợi nhuận từ việc khai thác màu xanh, từ bầu không khí trong lành, từ sự hấp dẫn của những vườn rau, trại gà, của những loại cây trái thơm ngọt quanh năm…

Ngoài việc trồng và bảo vệ rừng, anh còn  tổ chức các mô hình sản xuất kinh doanh hứa hẹn nhiều tiềm năng kinh tế. Hơn 30 ha anh trồng xen canh, gối vụ các loại nông sản rau, củ, quả; một trại gà đẻ trứng với số lượng 120.000 con, mỗi ngày bình quân thu về  khoảng 100.000 quả trứng sạch; một khu du lịch sinh thái dần hình thành với rừng, vườn cây trái bốn mùa như cam, bưởi, mít, chôm chôm. Cánh rừng do anh Tấn quản lý, dù là một địa điểm tham quan hấp dẫn du khách nhưng hiện anh chưa thu vé, mọi người tự do vào vui chơi, thư giãn và tự phục vụ. Sau khi hoàn thiện thêm một số hạng mục, anh dự kiến thu vé vào trang trại rừng với giá 1 đô la. Ông chủ rừng nhẩm tính, một năm có khoảng vài chục đoàn, vài năm có khoảng triệu người, năm này qua năm khác, lúc đó anh sẽ có hàng triệu đô la. Anh tự tin cho rằng, đó mới là cách khai thác, kinh doanh bền vững nhất.

“Người làm kinh doanh phải có tham vọng. Lãng mạn là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng đừng có ước vọng theo kiểu văn nghệ. Bởi nếu cứ tưởng tượng, cứ khát vọng viển vông, thơ mộng, lãng mạn hóa mà không thực tế sẽ luôn mấp mé bên bờ vực thua lỗ, phá sản. Với người làm kinh doanh thì chỉ có 2 từ thôi, có hoặc là không; dám giữ hay buông bỏ phải quyết định dứt khoát. Công việc kinh doanh giống như người lính ở trên trận địa, sống hoặc là chết, thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự tự tin, quyết đoán và có tầm nhìn đúng. Làm kinh tế cũng giống như người phụ nữ muốn đẹp vậy. Muốn đẹp thì phải đầu tư tốn kém. Có lẽ đó là sự khác nhau trong kinh doanh giữa tôi với những người làm kinh doanh khác”, chủ rừng Trần Tấn chia sẻ quan điểm kinh doanh của mình.

Lan Hương