"Nữ hoàng cá tra", "vua tôm" kỳ vọng lội ngược dòng

00:00 12/10/2020

Nhiều ông lớn ngành thủy sản đang tăng trưởng âm vì Covid-19. Tuy nhiên, sự đảo chiều được dự báo đến sớm khi tình hình dịch bệnh ổn định và Việt Nam bắt đầu hưởng lợi từ EVFTA.

“Nữ hoàng cá tra” là danh xưng gắn liền với bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn. Công ty của nữ doanh nhân này đứng đầu về doanh số xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Nửa đầu năm nay, “nữ hoàng cá tra” bất ngờ nhảy vào thị trường chứng khoán để kiếm lời. Vĩnh Hoàn rót gần 200 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, gồm 140 tỷ đổ vào các mã bluechip. Công ty của bà Lệ Khanh tìm cơ hội trên sàn chứng khoán giữa lúc hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn.

Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh số 3.294 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, sụt giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Hiệu quả kinh doanh đồng thời đi xuống khi biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,5% xuống 16,5%.

Dù tiết giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận ròng của công ty chỉ đạt 376 tỷ đồng, tương đương 52% so với cùng kỳ 2019. Đây là mức lãi bán niên thấp nhất của “nữ hoàng cá tra” trong 3 năm qua.

Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra là Nam Việt cũng rơi vào cảnh khó khăn.

thuy san anh 1
 

Doanh số 6 tháng đầu năm của Nam Việt đạt 1.695 tỷ đồng. Doanh thu giảm 14% nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm tới 50% so với cùng kỳ 2019.

Trong khi đó, chi phí lãi vay lại tăng cao kéo theo nhuận sau thuế của Nam Việt chỉ vỏn vẹn 75 tỷ đồng, giảm 79% so với bán niên 2019. Tương tự Vĩnh Hoàn, đây là mức lợi nhuận thấp nhất của Nam Việt từ năm 2018.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác như IDI Seafood, Cửu Long An Giang hay Thủy sản Mekong chứng kiến lợi nhuận “bốc hơi” tới 82-99%.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra là mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm khi giá trị xuất khẩu giảm 31%.

thuy san anh 2
 

Sau bức tranh màu xám, sản lượng xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sớm kết thúc đà giảm và bắt đầu hồi phục. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán KBSV, giá cá tra xuất khẩu đã chạm đáy và có thể bật tăng trở lại từ quý IV.

Cụ thể, sản lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng dương trong quý II khi thị trường đông dân nhất thế giới mở cửa lại. Trung Quốc có thể là thị trường tiêu thụ cá tra đầu tiên của Việt Nam phục hồi về mức trước dịch của năm 2019.

Tại Mỹ, các đơn vị nhập khẩu tăng mua cá tra trước dịch nhưng hoạt động này bị trì hoãn do giãn cách xã hội vì đại dịch. Nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ được dự báo tăng khi nhà bán sỉ tăng nhập hàng tồn kho trở lại và các dịch vụ ăn uống quay lại hoạt động bình thường. Sau các đơn hàng bị hoãn, KBSV cho rằng sản lượng xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ tăng trong quý III và xu hướng này có thể kéo dài đến quý cuối năm, thời điểm bắt đầu mùa lễ hội tại phương Tây.

Với thị trường châu Âu, nhóm phân tích nhận định Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ đưa tiêu thụ cá tra Việt ở EU thoát khỏi đà suy giảm. Thuế nhập khẩu năm 2020 giảm từ 5,5% xuống 4,1% và về 0 vào năm 2023. EVFTA đồng thời khiến doanh nghiệp phải chủ động khắc phục các vấn đề về quy tắc xuất xứ, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường.

Trong khi ngành cá tra gặp thách thức lớn, mặt hàng thủy sản chủ lực còn lại của Việt Nam là tôm gặt hái kết quả khả quan hơn. Thống kê của VASEP cho biết tôm là mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương (+3%) khi tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 11% trong nửa đầu 2020.

Sao Ta, doanh nghiệp với hơn 90% doanh số đến từ tôm chế biến với hầu hết khách hàng thuộc phân khúc bán lẻ, vẫn ghi nhận doanh thu xuất khẩu tăng 3%. Tuy nhiên, công ty không thể tránh khỏi tác động của Covid-19 khi tổng doanh thu vẫn giảm nhẹ 3% còn 1.585 tỷ. Lợi nhuận Sao Ta đi ngang ở mức 92 tỷ đồng.

thuy san anh 3
 

Minh Phú, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôm” tại Việt Nam, tăng trưởng lợi nhuận 49% sau 6 tháng đầu năm, đạt 231 tỷ đồng. Kết quả này đến từ sự nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty dù doanh thu sụt giảm 26% còn 5.580 tỷ.

Khác với Sao Ta, tôm nguyên liệu chiếm 60% nguồn thu hàng năm của Minh Phú. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khách hàng chính của "vua tôm" Minh Phú thuộc phân khúc kinh doanh dịch vụ thực phẩm. Nhóm này bị ảnh hưởng lớn bởi việc giãn cách xã hội tại nhiều nước.

Khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng tại nhiều quốc gia có khuynh hướng nấu ăn tại nhà và hạn chế ăn ngoài. Điều này dẫn đến nhu cầu các mặt hàng dễ chế biến ngày càng tăng. Trong khi xuất khẩu tôm nguyên liệu gần như không thay đổi (chỉ tăng 1%), xuất khẩu tôm chế biến tăng tới 13%. Với lợi thế tay nghề chế biến tôm cao hơn so với các đối thủ, Việt Nam đang có nhiều lợi thế với mặt hàng này.

thuy san anh 4
 

VDSC nhận định ngành tôm Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội ngắn hạn khi giành được thị phần từ Ấn Độ và Ecuador. Hai đối thủ cạnh tranh chính về xuất khẩu tôm với Việt Nam kiểm soát dịch kém và phải áp dụng cách ly xã hội trong một thời gian, dẫn đến tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu từ tháng 4.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành tôm của Việt Nam cũng phải đối diện áp lực giảm giá bán sau sự cố của Ecuador theo nhóm phân tích.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tạm ngưng nhập tôm từ Ecuador sau khi phát hiện virus SARS-CoV-2 trong một số lô hàng của nước này. Ecuador là nhà sản xuất tôm lớn thứ hai trên thế giới, chủ yếu xuất khẩu tôm nguyên liệu với Trung Quốc là khách hàng lớn nhất chiếm 70% tổng khối lượng. Do đó, quốc gia Nam Mỹ này có thể sẽ chào giá thấp hơn ở các thị trường khác để giải quyết vấn đề đầu ra. Đây là nguy cơ khiến giá xuất khẩu tôm nguyên liệu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, một áp lực khác lên giá bán tôm là sức cầu có thể mất nhiều thời gian hậu Covid-19 để trở lại bình thường dù nguồn cung có dấu hiệu phục hồi.

PV