Những thăng trầm của nền giải trí Hong Kong

00:00 12/10/2020

Thời kỳ hưng thịnh của ngành công nghiệp giải trí Hong Kong diễn ra trong những năm 1970 - 1980, với động lực là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Trước một nền kinh tế thịnh vượng nhưng lại có bản sắc chính trị không rõ ràng, ngành công nghiệp đang bùng nổ này đã trở thành một lực lượng văn hóa góp phần xác định và định hình bản sắc của hàng triệu người Hong Kong.

Vào thời kỳ đỉnh cao, những ngôi sao Hong Kong là những cái tên của mọi nhà trong cộng đồng người Trung Quốc trên toàn thế giới, và là niềm tự hào của xứ Cảng Thơm. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, với việc người hâm mộ chuyển sự chú ý sang nhạc pop Hàn Quốc và các nghệ sỹ địa phương tiến vào thị trường đại lục màu mỡ hơn, sự huy hoàng này đang dần chìm vào dĩ vãng, kéo theo sự biến mất của một yếu tố quan trọng trong bản sắc của người Hong Kong.

Hãy cùng nhìn lại sự trỗi dậy và suy tàn của làng giải trí và vận mệnh của những thần tượng nhạc pop ở Hong Kong trong những năm vinh quang khi ngành công nghiệp này từng được mệnh danh là “Hollywood của phương Đông”.

HONG KONG BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN VÀNG CỦA SHOWBIZ NHƯ THẾ NÀO?

Trong những năm 1980 và 1990, ngành công nghiệp điện ảnh của Hong Kong được xếp thứ ba trên thế giới, chỉ sau Bollywood và Hollywood. Tại thời điểm đó, những cái tên như Thành Long, Lý Tiểu Long và nhà làm phim Vương Gia Vệ đã trở thành những ngôi sao quốc tế.

Ca sĩ Hong Kong Sam Hui là một trong những người tiên phong của Canto-pop.

Nhưng trước đó một thập kỷ, tức là trước khi những đỉnh cao như vậy xuất hiện, showbiz Hong Kong đã nở rộ.

Nhạc pop tiếng Quảng Đông (Canto-pop) đã nổi lên vào giữa những năm 1970 khi “Vị thần của những bài ca” Sam Hui Koon-kit bắt đầu hát những bản tình ca bằng tiếng Quảng Đông. Kết hợp những giai điệu của âm nhạc phương Tây với lời bài hát tiếng Quảng Đông hiện đại, phong cách âm nhạc này lập tức chiếm được cảm tình của người Hong Kong.

Một poster của các ngôi sao điện ảnh Hong Kong với những cái tên như Bruce Lee, Thành Long, Maggie Cheung và Anita Mui. Ảnh: Handout

Ngành công nghiệp giải trí của xứ Cảng Thơm, bao gồm truyền hình, điện ảnh và âm nhạc cũng kết hợp với nhau để tạo thành một đế chế tập thể. Những cuộc đối đầu nổ ra giữa những ông lớn truyền hình tại đây, như TVB và tiền thân của ATV đã trở thành sân khấu cho sự bùng nổ của Canto-pop.

Trong những năm 1980, các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình và âm nhạc như Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, và Mai Diễm Phương đã truyền bá văn hóa Hong Kong đến toàn thế giới. Trong một ngành công nghiệp nơi những ngôi sao có thể vụt sáng cũng như vụt tắt chỉ trong một ngày, những siêu sao đời đầu của Hong Kong vẫn được nhiều người yêu mến và kính trọng, ngay cả khi họ đã qua đời.

Năm 1992, Đông Phương Nhật Báo - một tờ báo bằng tiếng Trung đã dùng cụm từ “Tứ đại thiên vương” để chỉ những ngôi sao lớn nhất trong ngành giải trí tại thời điểm đó: Trương Học Hữu, Lưu Đức Hoa, Lê Minh và Quách Phú Thành. Giống như nhiều ngôi sao khác cùng thời, họ thống trị địa hạt của mình bằng tài năng âm nhạc, diễn xuất, nhảy múa và thậm chí là cả sản xuất như trong trường hợp của Lưu Đức Hoa.

Khi lịch sử bước sang một thiên niên kỷ mới, những ngôi sao như Trần Dịch Tấn, Dương Thiên Hoa, Tạ Đình Phong và Dung Tổ Nhi lần lượt nổi lên và chiếm lĩnh trái tim của thế hệ trẻ tại Hong Kong.

SỰ SA SÚT

Mặc dù ngành công nghiệp giải trí đã chứng tỏ rằng nó là một phần không thể tách rời của bản sắc văn hóa Hong Kong - nó đã giúp đưa các thế hệ người Hong Kong đến gần nhau hơn tại các buổi hòa nhạc và các bữa tiệc trong các chương trình trao giải cuối năm - nhưng, trong vòng hai thập kỷ qua, doanh thu bán đĩa nhạc hàng năm tại đây đã giảm từ 1.6 tỷ HKD xuống còn 200 triệu HKD.

Đáng buồn thay, đây không phải là xu hướng riêng của âm nhạc. Ngành công nghiệp điện ảnh cũng đã chứng kiến sự sa sút trong thập kỷ vừa qua. Đầu những năm 90, Hong Kong có hơn 400 bộ phim được sản xuất hàng năm, nhưng đến năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 60 bộ phim. Năm 1996, 5 trong số 10 bộ phim có doanh thu cao nhất tại Hong Kong đều là những sản phẩm của điện ảnh nội địa. Hai mươi năm sau, chỉ có một phần tư số phim sản xuất tại Hong Kong lọt được vào top 10.

Một số người cho rằng sự suy giảm này là do các tài năng đã đổ về Trung Quốc đại lục, nơi có cơ hội làm giàu lớn hơn. Canto-pop dần bị lu mờ bởi nhạc pop tiếng Hoa phổ thông (Mando-pop) khi đại lục mở cửa và bồi dưỡng những ngôi sao của riêng mình, cũng như được chống lưng bởi một thị trường nội địa rộng lớn.

Sự mờ nhạt của showbiz Hong Kong đã dẫn đến nhiều sản phẩm hợp tác giữa các ngôi sao xứ Cảng Thơm với các đối tác đại lục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn với ngành giải trí tại đây là thị hiếu của người hâm mộ dường như đã chuyển hướng sang Hàn Quốc trong những năm gần đây, đẩy Canto-pop vốn đang gặp nhiều khó khăn vào cuộc cạnh tranh với K-pop hào nhoáng và được lòng khán giả hơn.

Với những ngôi sao có vẻ ngoài hoàn hảo, những nhóm nhạc nam và nữ, cũng như vũ đạo bắt mắt, K-pop là môt sự tương phản rõ rệt về mặt năng lượng với những bản ballad tình yêu đầy rung động của Canto-pop.

Sự hâm mộ trên toàn cầu với K-pop cũng rất đáng kinh ngạc: một nghiên cứu năm 2012 của ngân hàng Eximbank Hàn Quốc cho thấy cứ với mỗi 708 HKD được chi cho sản xuất, giá trị xuất khẩu giải trí của Hàn Quốc sẽ tăng 3.200 HKD.

Cơ sở người hâm mộ K-pop ở Hong Kong lớn mạnh đến mức lễ trao Giải thưởng âm nhạc châu Á Mnet của Hàn Quốc đã bắt đầu được tổ chức tại đây từ năm 2012.

NGƯỜI HÂM MỘ ĐÃ BUÔNG BỎ QUÁ KHỨ?

Trong khi doanh số âm nhạc giảm mạnh, sự phát triển của âm nhạc phản kháng có thể đánh dấu một sự hồi sinh khác thường cho những bài hát tiếng Quảng Đông, biến những gì từng được coi là những giai điệu tình yêu Canto-pop sến sẩm thành châm biếm chính trị.

Bài hát “Raise the Umbrella” (tạm dịch: Giương ô lên) do Lo Hiu-pan viết cho các cuộc biểu tình Chiếm đóng năm 2014 đã được bình chọn là bài hát nổi tiếng nhất năm tại Giải thưởng Âm nhạc của Đài phát thanh thương mại hồi tháng 12.

Phong trào ủng hộ dân chủ cũng giúp bài hát “Boundless Oceans, Vast Skies” (tạm dịch: Đại dương mênh mông, Bầu trời rộng lớn) - bản hit năm 1993 của ban nhạc Canto-pop Beyond’s một lần nữa sống lại và trở thành thánh ca về sự tự do của những người trẻ tuổi bướng bỉnh tại Hong Kong.

Trong những năm gần đây, tên tuổi của những nghệ sĩ được yêu thích nhất của Hong Kong từ những năm 1990 và đầu những năm 2000 cũng đã được hâm nóng lại, mang tới niềm vui cho những người hâm mộ cuồng nhiệt và hoài cổ.

Lần lươt trong năm 2015 và 2016, những ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vịnh Lân và Lâm Tử Tường đã biểu diễn tại các buổi hòa nhạc kỷ niệm 40 năm ở sân vận động Hong Kong Coliseum.

Vào đầu năm 2018, những siêu sao kỳ cựu như Tạ Đình Phong, Trần Dịch Tấn và Lý Khắc Cần đã đưa những bài hát xưa được yêu thích trở lại sân khấu Giải thưởng Bảng xếp hạng bài hát được yêu thích nhất của Đài phát thanh thương mại.

Và từ năm 2016, tất cả các thành viên của “Tứ đại thiên vương”, giờ đã gần 50 tuổi, cũng đã có những buổi biểu diễn kỷ niệm luôn trong tình trạng cháy vé.

Gần đây nhất, người hâm mộ đã tranh nhau mua vé xem tour biểu diễn vòng quanh thế giới My Love Andy Lau của Lưu Đức Hoa, tới mức khiến cho hệ thống đặt vé bị sập, thậm chí dẫn đến một vụ tấn công bằng dao nhằm vào một người hâm mô 58 tuổi đến từ đại lục để chiếm vị trí thứ hai của ông này trong đoàn người xếp hàng trước quầy vé.

Thật không may, Lưu Đức Hoa đã phải tuyên bố hủy những buổi biểu diễn sau đó của mình giữa một màn biểu diễn do bị viêm họng, nhưng anh vẫn nhận được nhiều sự động viên và ủng hộ từ khán giả. Sáu buổi biểu diễn của Lưu Đức Hoa đã thu hút hàng chục nghìn người, chứng tỏ sức hút và tầm vóc của anh giữa vô vàn ngôi sao khác hiện nay.

Gần đây hơn, vụ bê bối ngoại tình làm báo giới tốn giấy mực liên quan tới Hứa Chí An, chồng của nữ hoàng Canto-pop Trịnh Tú Văn cũng chứng tỏ được mức độ nổi tiếng mà cô vẫn duy trì được từ khi ra mắt vào cuối thập niên 80 đến nay.

Sammi Cheng (phải) cùng chồng Andy Hui. Ảnh: Handout

Quân đoàn người hâm mộ của cô đã chỉ trích mạnh mẽ Hứa Chí An sau khi video ghi lại cảnh anh ngoại tình với ngôi sao Huỳnh Tâm Dĩnh của đài TVB bị phát hiện. Một số người lo rằng vụ ồn ào này sẽ ảnh hưởng tới loạt 13 buổi biểu diễn đã bán hết vé của Trịnh Tú Văn vào tháng 7 tới.

Trịnh Tú Văn đã chính thức lên tiếng tha thứ cho chồng sau khi Hứa Chí An có buổi họp báo đẫm nước mắt thừa nhận sai lầm và xin lỗi, nhưng những gợn sóng từ vụ việc này vẫn còn đó - một số người bày tỏ sự nuối tiếc về cái kết của “câu chuyện cổ tích cuối cùng tại Hong Kong”, trong khi đài TVB phải chật vật bố trí lại thời gian lên sóng của những bộ phim có sự góp măt của Huỳnh Tâm Dĩnh.

Ca sỹ G.E.M. tại Đấu trường Hong Kong. (Ảnh: Shi Yu-Song) 

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

Mặc dù các nghệ sỹ hiện nay thiếu sự toàn diện của các siêu sao trong quá khứ, những ca sỹ như Đặng Tử Kỳ, được biết đến với nghệ danh G.E.M đã mang đến cho người hâm mộ hy vọng về tương lai. Được mệnh danh là “Taylor Swift của Trung Quốc,” chất giọng đầy nội lực cùng ca từ mạnh mẽ đã giúp cô trở thành ngôi sao lớn nhất của thị trường nhạc pop xuất khẩu kể từ sự kiện chuyển giao chủ quyền năm 1997.

Khi Cổ Thiên Lạc, nam diễn viên kỳ cựu kiêm chủ tịch Hội Nghệ sĩ biểu diễn Hong Kong giành giải thưởng Ca sỹ nam được yêu thích tại lễ trao Giải thưởng Bảng xếp hạng ca khúc được yêu thích năm 2018 - giải thưởng âm nhạc danh giá nhất tại Hong Kong - người hâm mộ đã có thêm lý do để hy vọng, dẫu vẫn còn đó những người hoài nghi về thành tựu này.

“Tôi thực sự thích ca hát, nhưng tôi không biết hát,” Cổ Thiên Lạc thừa nhận trong bài phát biểu nhận giải. “Điều tôi thực sự muốn nói là, cảm ơn những người hâm mộ đã bình chọn cho tôi. Tôi biết rằng những ca khúc của mình không phải là điều mà mọi người yêu thích nhất ở tôi.”

Ngôi sao 48 tuổi được biết đến nhiều hơn ở địa hạt diễn xuất đã trở lại ngành công nghiệp âm nhạc trong năm 2018 với bản song ca “One Man, One Woman and a Bathroom” (tạm dịch: Một người đàn ông, một người phụ nữ và một buồng tắm) cùng ca sỹ Tạ An Kỳ. Cổ Thiên Lạc cũng nhắc đến những ca sĩ mới và đầy tham vọng, nhấn mạnh vào “niêm đam mê cuồng nhiệt” của họ và hy vọng của anh vào tương lai của ngành giải trí Hong Kong.

Louis Koo với nữ diễn viên Teresa Mo. (Ảnh: Felix Wong)

“Đừng từ bỏ, nền âm nhạc Hong Kong và những bài hát tiếng Quảng Đông phụ thuộc vào các bạn.”

Mai Nguyễn (dịch theo SCMP)