Những mô hình đặc khu kinh tế tiêu biểu trên Thế giới

00:00 12/10/2020

Các đặc khu kinh tế được thành lập với mục đích đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế các vùng; phát triển và sử dụng các giải pháp kĩ thuật và công nghệ mới trong nền kinh tế quốc dân; tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ; phát triển tiềm năng của ngành và cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Trung Quốc

Để đạt được thành công như hôm nay, Trung Quốc phải liên tục thực hiện cải cách để phát triển kinh tế. Một trong những cải cách lớn nhất là chính sách mở cửa với việc thành lập và phát triển các đặc khu kinh tế. Đây có thể coi là mấu chốt chính yếu tạo nên những thành công của nước này.

Năm 1980, Trung Quốc đã chỉ định bốn thành phố áp dụng đặc khu kinh tế (SEZ). Trong vòng 4 năm, chính phủ đã quyết định tạo lập thêm 14 khu SEZ ở các thành phố ven biển lớn của đất nước. Hiện nay, có tới hơn 1.300 khu SEZ trên khắp cả nước.

Tất cả các khu SEZ tại quốc gia này đều được khuyến khích theo đuổi các chính sách kinh tế thực tế và chính sách kinh tế mở cũng như liên tục thử nghiệm các phương án đổi mới.

Các khu SEZ cố tình được sắp đặt xa khu trung tâm chính trị ở Bắc Kinh để giảm thiểu rủi ro và các can thiệp chính trị. Sự ra đời của các đặc khu kinh tế là yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc - lúc này được ví như “người khổng lồ xanh” với những thành công rực rỡ mà SEZ mang lại.

Các đặc khu kinh tế đã đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia.

Ngoài ra, thành công của các khu SEZ còn được thể hiện ở vấn đề cải thiện việc làm. Việc thành lập các đặc khu kinh tế đã thu hút rất lớn nguồn nhân lực, tạo cơ hội công ăn việc làm cho đông đảo người dân, tập trung được nhiều công nhân có tay nghề cao.

Các đặc khu kinh tế cũng là điểm nóng khởi nguồn phát triển công nghệ cao. Khoảng 50 nghìn bằng sáng chế đã được đăng kí, tổng cộng hơn 70% trong số đó được đăng ký bởi các công ty trong nước.

Thái Lan

Thái Lan có cách tiếp cận tương đối mới và khác là mở rộng các khu kinh tế tự do, nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh có sẵn là giao thông và cơ sở hạ tầng ở hai bên biên giới, nhờ vậy giảm được chi phí giao dịch. Chính phủ đã sử dụng chính sách ngành để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty riêng lẻ, nâng cao khả năng tăng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp.

Nhờ có chính sách cụ thể như vậy nên SEZ Thái Lan đã gặt hái được nhiều thành công. Dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp thuộc các đặc khu kinh tế ngày càng tăng. Tập trung vào các ngành sản xuất hàng may mặc, dệt vải, dầu dừa, chai nhựa và túi sách, thức ăn chăn nuôi, sợi nhựa để làm lưới đánh cá, găng tay cao su, dầu cọ…

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đã có chính sách ưu đãi thuế rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư vào các khu kinh tế tự do, bao gồm: miễn 8 năm thuế TNDN; giảm 50% thuế TNDN trong 5 năm; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất; giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc; khấu trừ kép cho các chi phí liên quan đến giao thông vận tải, điện; giảm 25% chi phí đầu tư lắp đặt, xây dựng cơ sở hạ tầng từ ngày có doanh thu; cho phép các chuyên gia  nước ngoài được dẫn theo người thân... Hơn thế, các công ty trong khu công  ghiệp có thể thuộc sở hữu nước ngoài không yêu cầu giấy phép kinh doanh ngoài nước.

Ấn Độ

Ấn Độ đã thiết kế các đặc khu kinh tế giúp kích thích đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo cơ hội việc làm mới. Đến tháng 2/2012, nước này đã có 143 khu SEZ. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức chấp thuận hơn 500 khu SEZ.

Chính sách SEZ và các ưu đãi bao gồm: miễn thuế nhập khẩu và thuế mua sắm hàng hóa trong nước cho công ty; miễn thuế thu nhập 100% trên thu nhập xuất khẩu trong 5 năm đầu tiên, 50% trong 5 năm sau đó và 50% lợi nhuận xuất khẩu tái đầu tư vào kinh doanh trong năm tới.

Ngoài ra, còn miễn thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Vay thương mại bên ngoài (ECB) được phép lên đến 500 triệu đô la Mỹ một năm mà không bị giới hạn số lần. Chính phủ đồng ý trao quyền sản xuất sản phẩm trực tiếp miễn là hàng hóa nằm trong khu vực cho phép 100% vốn FDI. Ví dụ điển hình dành cho các doanh  nghiệp tham gia các đặc khu kinh tế tại Ấn Độ là quỹ Ireo. Đây là quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên tại Ấn Độ, quy mô giá trị 2 tỷ đô la Mỹ. Đến nay, quỹ đã phát triển toàn diện thành một tổ chức bất động sản tích hợp đầy đủ, vừa là nhà đầu tư vừa là nhà phát triển cho các dự án của mình. Có thể thấy khả năng các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi tại các đặc khu kinh tế của Ấn Độ là vô cũng lớn.

Tháng 2/2006, đầu tư vào các khu kinh tế tự nhiên là 888 triệu USD. Đến tháng 1/2015, đầu tư lên đến 54 tỷ USD. Tỷ trọng các khu chế xuất trong tổng kim ngạch xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu dịch vụ) tăng từ khoảng 3% trong năm 2005-2006 lên 19,5% trong năm 2012-2013.

Xuất khẩu từ các đặc khu kinh tế trong 5 năm qua đã tăng nhanh, lên 66.638 triệu rupees trong năm 2007-2008 so với 13.854 triệu rupess trong 2003-2004. Giá trị xuất khẩu là 18.314 triệu rupees trong năm 2004-2005, đến năm 2005-2006 là 22,804 triệu rupees. Tổng lượng xuất khẩu các khu SEZ Ấn Độ là 2,2 tỷ rupees trong năm tài khóa 2009-2010, tăng 43% và đạt 3,16 tỷ trong tài khóa 2010-2011.

Dễ dàng nhận thấy thị trường tiềm năng Ấn Độ lại càng thêm hấp dẫn với những thành công nhất định cùng với chế tài ưu đãi người kinh doanh.

Mexico

Thiết lập các đặc khu kinh tế tại Mexico có lẽ hơi chậm nhịp so với các nước khác nhưng tiềm năng chưa bao giờ kém hơn. Mexico dự kiến các khu SEZ sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Ba đặc khu kinh tế đầu tiên sẽ được xây dựng tại các cảng của Lazaro Cardenas - La Union trên bờ biển phía Tây; Coatzacoalcos ở phía đông Vịnh Mexic và Puerto Chiapas bờ biển phía nam Thái Bình Dương của đất nước. Hai đặc khu nữa được lên kế hoạch tại Progreso bán đảo Yucatan và Salina Cruz.

Những lợi ích liên quan tới cá nhân và các tổ chức tham gia ở Mexico cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đối với mục đích thuế ở mục “người thừa hưởng” như sau: Đối với thuế thu nhập: các đối tượng được hưởng lợi sẽ được giảm 100% thuế thu nhập từ các hoạt động thực hiện trong khu vực SEZ trong 10 năm đầu và 50% cho 5 năm tiếp theo. Đối với thuế an sinh xã hội: đối tượng thụ hưởng bao gồm thuế thu nhập tương đương 50% số tiền đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thai sản trong 10 năm đầu hoạt động, 25% cho 5 năm tiếp theo. Đối với thuế giá trị gia tăng: cá nhân và pháp nhân là cư dân ở Mexico sẽ được áp dụng 0%5 thuế suất đối với dịch vụ được cung cấp bởi công ty nằm trong đặc khu kinh tế…

Dù chưa đi vào hoạt động nhưng với tiềm năng cũng như sự quan tâm hết mức từ chính phủ, các nhà đầu tư đã bắt đầu rục rịch tiến vào thị trường này.

Ảnh trong bài: Nguồn Internet

Ba Lan

Lợi ích chính của các khu SEZ của Ba Lan là việc miễn thuế thu nhập từ các hoạt động kinh doanh được thực hiện trong khu công nghiệp: Các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ khoản viện trợ của nhà nước được cung cấp dưới hình thức miễn thuế thu nhập đối với đầu tư mới hoặc công việc mới. Số tiền phụ thuộc vào mức độ viện trợ tối đa được xác định cho khu vực nơi đầu tư sẽ được thực hiện và trên số tiền chi phí đủ điều kiện nhận viện trợ. Doanh nghiệp nhỏ được tăng 20 điểm phần trăm, doanh nghiệp vừa được tăng 10 điểm (không áp dụng cho doanh nghiệp ngành vận tải); Miễn thuế bất động sản, doanh nghiệp có thể được hưởng một trong hai cơ sở pháp lý.

Sự sẵn có đất đai hấp dẫn với tất cả các cơ sở hạ tầng cho các mục đích kinh doanh. Hơn nữa, có thể mua hoặc thuê các tài sản thực đã tồn tại trong SEZ (bao gồm cả không gian văn phòng).

Được hỗ trợ hành chính từ các quản trị viên SEZ trong các vấn đề pháp lý và tổ chức liên quan đến việc thực hiện dự án (nhà cung cấp tiện ích, chính quyền địa phương…) và chăm sóc đầu tư.

Khi thành lập các đặc khu kinh tế những năm 1990, thách thức lớn nhất của Ba Lan là vấn đề thất nghiệp. Tạo ra công ăn việc làm là mục tiêu lớn nhất lúc bấy giờ. Hiện nay, vấn đề này đã được giải quyết, chính phủ Ba Lan đang tập trung  vào các kế hoạch nhằm thay đổi toàn diện khu vực SEZ. Đây cũng là một giải pháp toàn diện cho sự yếu kém hiện tại. Đồng thời đề xuất bảo lãnh miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện nhất định tại bất kì khu vực nào trong nước.

Phan Thu Lê (tổng hợp)