Những cơ hội với hiệp định mới

00:00 12/10/2020

RCEP đang trong quá trình đàm phán, sẽ mở thêm thị trường rất rộng lớn cho hàng Việt

Năm 2019, Việt Nam tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại tự do đa phương giữa 10 nước ASEAN với các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, nội dung tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, RCEP là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao với mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với 6 nước đối tác. Đây có thể nói là một hiệp định đầy tham vọng.

Ảnh minh họa

Đối với Việt Nam, lợi ích thấy được từ RCEP là rất lớn. Đầu tiên, RCEP sẽ mở ra cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với trên 3,5 tỷ dân, chiếm 30% tổng GDP toàn cầu (lớn hơn 26% so với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Đây cũng là khu vực có sự gia tăng của tầng lớp trung lưu nhanh nhất. Thông qua RCEP, các nước tham gia có kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động thông thương, đầu tư xuyên biên giới và trao đổi chất xám giữa các quốc gia châu Á. Ở tầm vĩ mô, RCEP được cho là sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với những nước chịu tác động bởi căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc.

Ông Nguyễn Anh Dương phân tích, trong RCEP, các quy định xuất xứ đơn giản hơn và tự do hơn so với các hiệp định kinh tế khác. Đồng thời, các bên cũng cam kết kết nhiều hơn đối với tự do hàng hoá, dịch vụ đầu tư. Với Việt Nam, RCEP mang lại những cơ hội lớn, thông qua việc cải thiện tiếp cận thị trường đầu tư, xuất khẩu của ASEAN và các đối tác khác với nhu cầu hàng hoá đa dạng. Từ đó, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị và sản xuất toàn khu vực châu Á. Ngoài ra, RCEP còn giúp Việt Nam giảm chi phí giao dịch, tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện, đẩy mạnh vị thế trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.

Xét về lợi ích của Việt Nam khi gia nhập RCEP, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, khi gia nhập RCEP, các ngành thuỷ sản, nông sản, công nghiệp xây dựng, dệt may, da giày... và đặc biệt là ngành dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh. Thêm vào đó, việc mở cửa trong RCEP thì thị trường nội địa của Việt Nam sẽ tăng thêm lượng hàng hóa nhập khẩu giá rẻ hơn. Phía doanh nghiệp sẽ có nguồn đầu vào cho sản xuất, với máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại; cơ hội tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa các doanh nghiệp đối tác tại các quốc gia có thế mạnh sản xuất công nghiệp (như Nhật Bản, Úc…). Thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng Việt sẽ có thêm hàng tỷ người...

Ở chiều ngược lại, khi tham gia RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, nhất là trong nhóm hàng xuất khẩu như may mặc, giày dép và gạo khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, hay nhóm hàng xuất khẩu khác là thực phẩm và may mặc vào Hàn Quốc. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, bất cứ hiệp định thương mại tự do nào cũng có lợi thế và thách thức, nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp đã thích ứng khá tốt và tận dụng được hầu hết lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do trước mang lại. Vì thế, thêm một RCEP sẽ thêm một cánh cửa rộng mở để Việt Nam hội nhập.

Thanh Trà