Nhu cầu hàng hóa thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu

00:00 12/10/2020

Lĩnh vực hàng hóa đang thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu giữa lúc người tiêu dùng trên thế giới hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch, ăn uống nhà hàng và giải trí do nỗi sợ dịch bệnh Covid-19.

Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu tăng mua xe trở lại trong những tháng gần đây. Ảnh: Bloomberg

Nhu cầu hàng hóa tăng trưởng tốt hơn

Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng JPMorgan, trong quí 3, GDP toàn cầu tăng 34% so với quí trước đó.
Đáng chú ý, bất chấp quy mô khổng lồ của cơn suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, GDP toàn cầu hiện nay chỉ giảm 4% so với mức của quí 4-2019.

Tuy nhiên, đà phục hồi ngoạn mục theo hình chữ V của nền kinh tế toàn cầu trong những tháng qua giờ đây dường như đã dừng lại.

Theo nhận định của Gavyn Davies, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Fulcrum Asset Management (Anh), giai đoạn phục hồi tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào việc lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất, hay còn thường được gọi là ‘hàng hóa’ và ‘dịch vụ’, phản ứng ra sao trước những cú sốc kinh tế tiếp theo nếu dịch bệnh kéo dài cũng như triển vọng vaccine Covid-19 sẽ xuất hiện.

Cho đến quí 3, tăng trưởng của hai lĩnh vực này không có sự chênh lệch đáng kể. Giá trị sản lượng hàng hóa toàn cầu giảm mạnh hơn dịch vụ trong quí 2 nhưng bật dậy mạnh hơn trong quí 3. Song triển vọng ngắn hạn của hai lĩnh vực này rất khác nhau. Ngân hàng JPMorgan dự báo giá trị sản lượng hàng hóa toàn cầu sẽ tăng trưởng thêm 4% trong quí 4, trong khi đó, giá trị sản lượng dịch vụ sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1%.

Ở mức độ nào đó, nhu cầu toàn cầu trong lĩnh vực hàng hóa đã phục hồi bình thường trở lại vào giai đoạn này. Tăng trưởng của hàng tồn kho, nhu cầu hàng hóa vốn (máy móc, thiết bị ...phục vụ hoạt động sản xuất) và doanh số hàng hóa bền (xe cộ, tủ lạnh, tivi...) đang diễn ra. Ngành sản xuất toàn cầu phục hồi mạnh mẽ khi các lệnh phong tỏa nhà máy đã gần như được dỡ bỏ hoàn toàn.

Hơn nữa, nhu cầu hàng hóa toàn cầu cũng đang được hưởng lợi từ sự thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng. Nhiều hộ gia đình giờ đây vẫn né tránh sử dụng các dịch vụ như ăn uống nhà hàng, giải trí và du lịch. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình khác bị ngăn cản tiếp cận các dịch vụ thường ngày do chính quyền của họ tái áp đặt các lệnh phong tỏa khi số ca nhiểm virus SARS-CoV-2 tăng trở lại.

Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình (tỷ lệ tiết kiệm so với thu nhập khả dụng) ở một nước giàu đang ở các mức rất cao nhờ hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ và các chương trình trợ cấp của chính phủ trong thời kỳ dịch bệnh. Chẳng hạn, trong quí 2, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở Anh tăng lên mức kỷ lục 29,1%. Có nghĩa là cứ 100 bảng kiếm được, các hộ gia đình ở Anh sẽ tiết kiệm 29,1 bảng. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở Úc cũng tăng lên mức 19,8% trong quí 2, cao nhất kể từ năm 1974. Tại Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng từ mức 7,6% trong tháng 1 lên mức 17,8% trong tháng 7.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn tiền tiết kiệm dồi dào này giờ đây được sử dụng để mua thực phẩm, hàng gia dụng, hàng hóa bền có giá trị lớn như xe cộ và tivi, tủ lạnh...Tại Mỹ, trong tháng 8, đơn hàng mới của hàng hóa bền tăng 0,4% so với tháng 7, lên mức 233 tỉ đô la Mỹ, kéo dài đà tăng sang tháng thứ tư liên tiếp.

Doanh số ô tô ở Mỹ đang phục hồi nhanh hơn dự kiến trong những tháng qua và theo nhận định của giới phân tích, tốc độ tiêu thụ xe trong tháng 9 có thể đã về mức sát với hồi năm nay ngay trước khi đại dịch Covid-19 ập đến. Hãng nghiên cứu thị trường J.D. Power cho biết trong tháng 9, người mua xe ở chi trung bình 35.655 đô la cho một chiếc xe mới, mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Lĩnh vực dịch vụ chịu áp lực của lệnh phong tỏa

Trong những tuần gần đây, mối lo ngại về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khiến một số chính phủ, đặc biệt ở châu Âu, bắt đầu tái áp đặt lệnh phong tỏa. Tại Anh, do số ca nhiễm tăng trở lại, đầu từ ngày 24-9, chính phủ yêu cầu các nhà hàng, quán bar, quán rượu phải đóng cửa vào 10 giờ tối. Cảnh sát cũng được phép phạt 1.000 bảng và bắt giữ những người vi phạm quy định giãn cách 2 mét trong các quán rượu và nhà hàng.

Các cuộc khảo sát doanh nghiệp ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) cho thấy đà phục hồi kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng đang suy yếu nhưng lại đang ở các mức cao nhất trong lĩnh vực sản xuất. Mức chênh lệch tăng trưởng giữa các hoạt động sản xuất hàng hóa và hoạt động dịch vụ vẫn chưa phản ánh đầy đủ trong các cuộc khảo sát doanh nghiệp ở Mỹ.

Tuy nhiên, số ca nhiễm đang trỗi dậy ở Mỹ, ngay cả các khu vực như New York và New Jersey, những nơi bị tác động nghiêm trọng do làn sóng lây nhiễm Covid-19 hồi mùa xuân. Do vậy, các lệnh phong tỏa hoặc các hạn chế khác đối với dịch vụ tiêu dùng có thể tái triển khai nhiều nơi tại Mỹ trong mùa đông này.

Tình hình ở các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, rất khác so với các nền kinh tế phát triển ở phương Tây. Hoạt động sản xuất ở châu Á đang được hỗ trợ nhờ nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang tăng, trong khi đó, ngành dịch vụ ở khu vực này cũng được hưởng lợi nhờ nhiều nước kiểm soát thành công Covid-19.

Giới đầu tư đang chú ý sự chênh lệch trong đà phục hồi của lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu vì điều này đang được thể hiện trên các thị trường tài chính. Trong làn sóng bán tháo chứng khoán toàn cầu bắt đầu từ ngày 2-9, cổ phiếu của các ngành liên quan đến hàng hóa như hàng hóa vốn và kim loại giữ giá tương đối tốt. Giá cả các hàng hóa phi dầu mỏ cũng đã tăng mạnh trong nhiều tháng qua. Trong khi đó, các đồng tiền ở châu Á, bao gồm nhân dân tệ, cũng tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ và euro.

Báo cáo của Ngân hàng JPMorgan cho biết, theo dữ liệu mới nhất, trong ba tháng trước tháng 9, lạm phát lõi toàn cầu ở lĩnh vực hàng hóa tăng 3,7% nhưng con số này ở ngành dịch vụ chỉ là 0,5%. Diễn biến này khác hoàn toàn với mẫu hình quen thuộc trong những năm qua khi lạm phát hàng hóa toàn cầu thường thấp hơn lạm phát ở ngành dịch vụ.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng các thay đổi này chỉ là tạm thời và sẽ đảo ngược khi một chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 được phát động rộng rãi trên toàn cầu. Nhưng viễn cảnh đó chỉ có thể diển ra sớm nhất sau nhiều tháng nữa trong kịch bản lạc quan.

Lê Linh