Nguyễn Tiến - Nhạc sĩ đồng quê viết “Bài ca doanh nhân”

00:00 12/10/2020

“Làm doanh nhân sung sướng gì đâu/Suốt ngày vất vả lo âu/ Làm doanh nhân sung sướng gì đâu/ Tiền thì nhiều nhưng mình đâu dám tiêu/ Làm doanh nhân kiên nhẫn bạn ơi/ Đặt chữ tâm chữ tín lên hàng đầu...” Nhắc đến ca khúc “Bài ca doanh nhân”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến hát luôn một đoạn như vậy, giọng anh vang sang sảng trong quán cà phê.

Bà chủ quán nghe lời bài hát của Nguyễn Tiến bảo: “Tôi chịu anh đấy, viết về doanh nhân chúng tôi như vậy thì quá đúng, quá chuẩn luôn. Thôi hôm nay anh uống cà phê tôi không lấy tiền nhé. Mời anh một ly, cảm ơn vì đã hiểu những người làm doanh nghiệp như chúng tôi”. Nguyễn Tiến kể, có những bài hát cứ mang “lộc” cho mình như vậy, bởi mình viết đúng vào điều mà mọi người suy nghĩ hay mong muốn. Có mặt trong cuộc nào mà có các doanh nhân, biết Nguyễn Tiến là tác giả “Bài ca doanh nhân” thể nào cũng được họ mời rượu đến say, được tiếp đón thịnh tình, nồng hậu. Đời người nghệ sĩ, những niềm vui như vậy kể cũng đã đủ lớn, đủ khích lệ rồi.

Cùng một chủ đề về doanh nhân, nếu như nhạc sĩ Trần Tiến viết ca khúc “Đời doanh nhân” theo lối trữ tình, hàn lâm, thì Nguyễn Tiến chọn lối hóm hỉnh, hài hước trong “Bài ca doanh nhân”. Cơn cớ để có bài hát nằm lòng trong giới làm kinh doanh này được Nguyễn Tiến chia sẻ: “Tôi vốn chơi rất thân với một anh bạn, là Giám đốc Công ty Standa. Tính anh ấy nghệ sĩ lắm, rất yêu âm nhạc nữa. Anh ấy đặt hàng tôi viết một bài hát về doanh nhân, nhưng phải gắn với tên công ty của anh ấy. Một yêu cầu nữa là, tôi phải viết làm sao cho giai điệu cũng như phần lời của bài hát phải tếu tếu một chút, quậy một chút, không nghiêm trọng như một số bài hát về doanh nhân trước đó đã có. Viết thế nào đó để vào lúc uống rượu, anh em làm doanh nghiệp có thể hát chung với nhau, vui vẻ, hóm hỉnh, vừa hàm ý sâu sắc về công việc lại vừa thư giãn, không quá nặng nề. Tôi chọn tiết tấu nhạc sôi động một chút, lời ca khúc thì làm sao phải thông minh, hài một chút, giễu một chút, nhưng ẩn sâu dưới đó vẫn là tâm sự gan ruột của những người doanh nhân. Nghĩa là phải hiểu về cuộc đời của họ, những buồn vui cay đắng họ nếm trải. Đời doanh nhân cũng cơ cực lắm, không phải chỉ có hoa hồng đâu. Bài hát có hai phần lời, phần đầu tôi diễn tả nỗi niềm của người doanh nhân, phần sau tôi thêm nội dung viết về Công ty Standa vào. Nhưng sau này mọi người thường chỉ hát phần 1, nó dường như đã đầy đủ như một bài hát độc lập. Đến cả cán bộ, nhân viên Công ty Standa họ cũng ít hát phần 2, có thể vì lời hơi dài, và cái chính là phần 1 đã cho đủ ý tứ sâu sắc về đời sống, công việc của những người làm doanh nghiệp rồi. Tôi đi các hội nghị doanh nghiệp, thường được nghe lại bài hát của mình, thấy vui lắm”.

Cả cuộc đời sáng tác, biểu diễn âm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Tiến viết khoảng 400 ca khúc. Có nhiều ca khúc anh viết ra rồi quên, nhất là những ca khúc được đặt hàng. Nhiều lúc đến địa phương, đơn vị nào đó, nghe lại một ca khúc nào đó, anh cứ ngỡ của ai, cho đến khi được nhắc lại đó chính là ca khúc của mình. Anh bảo: “Tính tôi hay quên lắm, nhưng không hiểu sao ca khúc “Bài ca doanh nhân” tôi chưa khi nào nhớ sai một câu. Nhiều khi trong cuộc vui với anh em bạn hữu trong giới doanh nhân, tôi còn ngẫu hứng lên sân khấu biểu diễn, rất thú vị”.

Hỏi Nguyễn Tiến, anh nhận thấy những người bạn trong giới doanh nhân của anh có chung đặc điểm gì, anh chia sẻ: “Đừng tưởng những người làm kinh doanh, suốt ngày vắt óc kiếm tiền thì không nghệ sĩ nhé. Họ thậm chí là những người nghệ sĩ nhất mà tôi thấy. Rất nhiều người trong số đó xem âm nhạc, nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những phút giây được nghỉ ngơi, thư giãn. Họ cũng thích giao du với giới nghệ sĩ. Họ đối xử với anh em nghệ sĩ cực kỳ thân tình, trọng thị, hào hiệp, rộng rãi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng họ “đầu tư” vào bất cứ việc gì cũng lấy hiệu quả làm đầu. Tính ngẫu hứng của họ có, nhưng nó không vu vơ kiểu như văn nghệ sĩ. Chúng ta thấy trong đời sống có không ít sự kiện liên quan đến văn hóa nghệ thuật, nhờ có sự hỗ trợ của Mạnh Thường Quân là các doanh nhân mà lan tỏa sức mạnh đến cộng đồng. Đấy là sự ủng hộ rất đáng trân quý. Dĩ nhiên, khi doanh nhân họ nhúng tay vào việc gì, họ đều nhận thức rất rõ đâu là đóng góp cho xã hội và đâu là cái được cho doanh nghiệp của mình. Vừa thực tế, vừa lãng mạn, đấy là những tính từ chỉ tính cách của những người doanh nhân mà tôi đã biết, đã gặp, đã bè bạn thân thiết”.

NSND Nguyễn Tiến biểu diễn trong Liên hoan Cây đàn bầu Việt Nam

Nguyễn Tiến còn được bạn bè, đồng nghiệp, khán giả gọi bằng một cái tên thân mật là “Tiến bầu”, vì anh vốn xuất thân là một nghệ sĩ đàn bầu. Anh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, được cha cho học đàn bầu từ năm mới lên 6 tuổi. Lên 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Tiến đã được gặp Bác Hồ và biểu diễn đàn bầu cho Bác nghe. Lớn lên anh vào bộ đội, trở thành một người nghệ sĩ của quân đội, vừa tham gia biểu diễn trên sân khấu vừa sáng tác. Cây đàn bầu đã theo Nguyễn Tiến trên khắp các sân khấu lớn nhỏ trong nước và ngoài nước. Cũng chính là cây đàn bé nhỏ này đã đưa anh đến với danh hiệu cao quý NSND - nấc thang cuối cùng trong các nấc thang danh hiệu đối với cuộc đời một nghệ sĩ biểu diễn. Trong hơn 50 năm làm nghề của mình, Nguyễn Tiến đã 18 lần giành Huy chương vàng trong nước và quốc tế cho các tiết mục trình diễn đàn bầu. Đây có thể nói là một thành tích vô cùng đáng nể của anh mà các lớp đàn em theo học nghệ thuật truyền thống sau này không dễ có thể vượt qua. Để trở thành một “Tiến bầu” độc nhất vô nhị như vậy, theo anh, ngoài kỹ năng chơi đàn điệu nghệ, phải là trái tim, tâm hồn của người nghệ sĩ phả vào đó. “Cái hồn” trong từng tiết mục đó phải là kết tinh từ cuộc sống hàng ngày, từ cách sống, cách ứng xử của người làm nghệ thuật. Một người sống hời hợt, vô tâm, vô cảm thì tiếng đàn sẽ không thể chạm vào trái tim của bất kỳ ai được, cho dù họ có học kỹ thuật tốt đến bao nhiêu.

Dẫu là một người chơi đàn bầu bậc thầy trong âm nhạc, nhưng NSND Nguyễn Tiến vẫn để dành “một phần mình” rất quan trọng cho việc sáng tác ca khúc. Hình như ở đâu đó trong tâm hồn, anh luôn thấy rằng, phải là trong sáng tác, anh mới có thể chuyên chở hết những buồn vui, suy ngẫm cuộc đời. Những phút giây ngồi trước trang giấy trắng, trước khuông nhạc, tự đặt những câu hỏi cho mình về số phận con người, về những vẻ đẹp của đời sống cũng là lúc cảm hứng sáng tạo tuôn trào bất tận. Nguyễn Tiến không quan niệm việc sáng tác là quá cao siêu, to lớn như một số người nghĩ. Đối với anh, sáng tác đơn giản là ghi chép lại những điều mình cảm nhận ở cuộc sống xung quanh, chắp thêm vào đôi cánh giai điệu, để vang lên những âm thanh đẹp về tình người. Trong sáng tác ca khúc, khán giả nhắc nhiều đến Nguyễn Tiến ở những ca khúc như “Hoa cau vườn trầu”, “Tìm người giữa Hội Lim”, “Nhớ đêm giã bạn”, “Chiều xứ Lạng”. Trong đó, “Hoa cau vườn trầu” trở thành tác phẩm tiêu biểu nằm trong cụm tác phẩm đưa Nguyễn Tiến đến với Giải thưởng Nhà nước về nghệ thuật năm 2012.

Trong con người nghệ sĩ Nguyễn Tiến, chất dân ca nồng hậu thấm đẫm. Anh còn được mệnh danh là người nhạc sĩ của đồng quê vì những tác phẩm mang âm hưởng dân ca. Anh nói: “Suốt thời thơ ấu cho đến khi lớn lên trưởng thành, đi bộ đội, tôi luôn được sống trong những làn điệu dân ca. Tôi đi qua nhiều vùng miền để thẩm thấu chất dân ca của từng vùng đất. Thế hệ tôi thời ấy, âm nhạc quốc tế chưa vào nhiều. Những gì gọi là nhạc quốc tế được đưa vào Việt Nam thời đó thì chủ yếu cũng là những ca khúc có chất dân ca, nhất là dân ca Nga hay một số nước anh em thân thuộc khác”. “Con người làng quê” đó của Nguyễn Tiến hóa ra lại là con người cần thiết cho âm nhạc của anh. Sử dụng chất liệu dân ca trong sáng tác đã trở thành bản sắc riêng của Nguyễn Tiến. Ngoài việc sáng tác ca khúc tự do, các ca khúc theo đơn đặt hàng kiểu như “Bài ca doanh nhân” mà chúng ta nhắc tới trong phần đầu bài viết cũng phảng phất chất nhạc dân ca trong đó. “Chất liệu dân gian là môi trường âm nhạc của tôi, quen thuộc đến mức tôi không thể rời xa. Nếu người ta cần một thứ nhạc hiện đại thì họ phải tìm nhạc sĩ khác, nhưng một khi cần yếu tố dân ca, dân gian thì khó mà bỏ qua tôi”, Nguyễn Tiến chân thành nói.

Khi viết, Nguyễn Tiến không “ngại” bất cứ một đề tài nào. Viết bài hát cho huyện, cho tỉnh, cho xã, cho nhà máy, xí nghiệp, cho công ty phân bón, cho ngành tòa án, ngành kiểm toán...anh đều nhận lời hết. Anh bảo: “Viết đặt hàng các đề tài “khó nhằn” như vậy là một cách để thử thách mình, cũng là cơ hội để được hiểu hơn về một công việc, một nghề nghiệp mình không liên quan. Tôi phải đọc tài liệu, phải trò chuyện với những con người trong mỗi công việc khác nhau, tìm ý tứ và tìm cảm hứng để viết. Chỉ khi mình yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu thực sự những con người trong lĩnh vực đó, thì bài hát sẽ tự nó được hình thành”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến và ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến quan niệm rằng, đề tài không làm nên một ca khúc hay. Vấn đề nằm ở tài năng, tâm hồn người nghệ sĩ. Một ca khúc có thể viết về một chủ đề hạn hẹp, như nhà máy, xí nghiệp, ngành nghề, nhưng nếu nó chuyên chở được những thông điệp lớn về cuộc sống, về con người, nó sẽ tự vượt lên, trở thành một bài hát được đông đảo công chúng yêu thích. Mà ca khúc “Bài ca doanh nhân” là một ví dụ điển hình.

Bình Nguyên Trang

Lời bài hát “Bài ca doanh nhân”:

Làm doanh nhân sung sướng gì đâu

Suốt ngày vất vả lo âu

Làm doanh nhân sung sướng gì đâu

Tiền thì nhiều nhưng mình đâu dám tiêu

Làm doanh nhân tính toán từng xu

Lo trăm thứ tiền mà vợ biết gì đâu

Làm doanh nhân kiên nhẫn bạn ơi

Đặt chữ Tâm chữ Tín lên hàng đầu

Làm doanh nhân mong ước thật giản đơn

Đã ra đi đấu thầu là quyết thắng

Nào bạn ơi nâng chén rượu nồng say

Đã rót rồi thì cạn trăm phần trăm

Làm doanh nhân đi sớm về khuya

Mấy cô khách hàng lại cứ đong đưa

Làm doanh nhân sáng tối chiều trưa

Ít ăn cơm nhà nên vợ hay nắng mưa

Làm doanh nhân hay ký cót gần xa

Có những hợp đồng vợ không biết được đâu.

Vợ doanh nhân đừng sợ chồng lả lơi

Ký xong anh về mình sẽ à ơi

Làm doanh nhân mong ước thật giản đơn

Đã ra đi đấu thầu là quyết thắng

Nào bạn ơi nâng chén rượu nồng say

Ta chúc khách hàng thượng thọ dài lâu...