Ngành công nghiệp thực phẩm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

00:00 12/10/2020

Ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng là thị trường có sức hấp dẫn đặc biệt cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm, thực hiện các cơ hội phát triển thị trường, mở rộng kinh doanh do quy mô dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, thị trường tiêu dùng liên tục tăng trưởng.    

Nhiều dư địa thu hút các DN ngoại

Ngành công nghiệp thực phẩm tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho nền kinh tế với mức tăng trưởng đạt 10,6% trong 8 tháng/2019. Đây cũng là ngành đang thu hút nhiều DN nước ngoài thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối với thị trường trong nước thời gian qua.

nganh cong nghiep thuc pham hap dan nha dau tu ngoai

Thị trường thực phẩm Việt còn nhiều dư địa và có sức hấp dẫn các DN nước ngoài

Ông Ramesh Anand - Chủ tịch Hội doanh nghiệp (DN) Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) - cho biết, với thu nhập ngày càng tăng của người dân, thị trường rộng lớn với hơn 96 triệu dân là nhân tố để ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam tăng trưởng. Đến nay Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu và hạt điều lớn nhất thế giới. Những điều này cho thấy tiềm năng thương mại trong lĩnh vực thực phẩm dành cho các DN rất lớn.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do gần đây như CPTPP, EVFTA đã làm tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chế biến của các nước vào thị trường Việt Nam và ngược lại. Đây cũng là động lực thúc đẩy các DN nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong ngành thực phẩm.

Ông Piotr Ziemann - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà giết mổ thịt và chế biến thịt nguội Ba Lan - cho biết, các DN Ba Lan xem Việt Nam là thị trường rất quan trọng và hiện Việt Nam cũng là đối tác lớn nhất của Ba Lan tại khu vực ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh EVFTA được thực thi. Ưu thế của Ba Lan là có thể sản xuất thịt bò với chi phí thấp hơn 17% chi phí trung bình của toàn EU nhưng chất lượng vẫn đứng tốp đầu châu lục. Theo cam kết của Việt Nam đối với EU trong EVFTA, thuế nhập khẩu đối với thịt bò sẽ về 0% sau 3 năm hiệp định có hiệu lực. Hiện nay, 85% thịt bò Ba Lan là dành cho xuất khẩu, tỉ lệ này lần lượt là 55% cho thịt gà và 17% cho thịt lợn. Thịt lợn Ba Lan đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam, thịt bò và thịt gà cũng sẽ là mặt hàng được các DN xúc tiến mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thực phẩm chế biến tại Việt Nam đang có sự chuyển đổi nhất định. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Trước xu hướng tiêu dùng này của người Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam - ông Hong Sun - cho biết, để đón đầu xu hướng trên DN Hàn Quốc sẽ tập trung đầu tư, phân phối các sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn organic, GlobalGap của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

Tăng cường kết nối và tạo chỗ đứng cho DN thực phẩm Việt

Tuy nhiên, việc thu hút mạnh đầu tư, xúc tiến thương mại của các DN thực phẩm ngoại nhằm khai thác thế mạnh thị trường nội địa cũng gia tăng sức ép cạnh tranh cho DN thực phẩm trong nước. Do đó, để có thể tồn tại, phát triển, nhất thiết DN trong nước phải nâng cao chất lượng sản xuất, cải thiện bao bì sản phẩm. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thắt chặt kiểm soát nguồn thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh sử dụng trong thực phẩm, nuôi trồng nông - thủy - hải sản, giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa xuất khẩu...

Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm bền vững cần có sự đầu tư bài bản vào sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn vậy, cần có sự hợp tác, liên kết giữa các DN, nhà đầu tư từ khâu sản xuất đến chế biến sau thu hoạch. Trong đó, các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính và kinh nghiệm giữ vai trò dẫn đầu, hỗ trợ các DN nhỏ.

Ông Piotr Harasimowicz - Trưởng văn phòng đại diện Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia trên thế giới. Điều này đã mở ra thị trường xuất khẩu rất lớn cho hàng hóa Việt, nhất là hàng nông - thủy - hải sản, thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, các DN trong nước cần chủ động đổi mới công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm tốt, đặc biệt là phát triển thương hiệu và tăng độ tin cậy sản phẩm mang thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Thanh Thanh