Ngành công nghiệp âm nhạc đổi mới trong đại dịch

00:00 12/10/2020

Khi ánh đèn tại các sân khấu nghệ thuật phải tắt vì Covid-19 cũng là lúc ngành công nghiệp âm nhạc phải mất đi một nửa nguồn doanh thu. Nhìn ở mặt tích cực, đại dịch đã thúc đẩy sự lên ngôi của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến (streaming), vốn trước giờ vẫn còn xa lạ với đại đa số người dùng Việt bởi chưa quen trả tiền để thưởng thức nghệ thuật.

Ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu với trị giá lên tới 50 tỉ USD mỗi năm hiện đang gánh chịu thiệt hại đáng kể khi doanh thu bán vé cho các buổi hòa nhạc, vốn đóng góp 50% doanh thu toàn ngành, đang dậm chân ở con số 0. 

Ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, được PwC xếp vào nhóm nước có quy mô nhỏ và tỷ lệ phát triển kép hằng năm (CAGR) dưới 2%, cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng tiêu cực của cơn bão Covid-19, dù xã hội đã sớm bước vào trạng thái bình thường mới hậu dịch.  

Ngành công nghiệp âm nhạc đổi mới trong đại dịch - ảnh 1

Trong vòng sáu năm qua, tỷ lệ đóng góp doanh thu cho ngành âm nhạc của mảng dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đã tăng từ 9% lên 47%. Ảnh: IEEE. 

Ông Thanh Bùi, chủ tịch công ty Quản lý truyền thông En Pointe cho rằng đây vốn là một hệ sinh thái nơi các cá nhân và doanh nghiệp gắn chặt với nhau. Một khi người nghệ sĩ không thể biểu diễn, công việc của các nhà sản xuất âm nhạc, MV và chương trình giải trí cũng sẽ tiêu biến. “Hiện tại là thời điểm kinh doanh khó khăn nhất tôi từng thấy trong 7 năm qua,” ông chia sẻ.   

Tuy nhiên ở mặt tích cực, cuộc khủng hoảng này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực nghe nhạc trực tuyến (streaming). Trong vòng sáu năm qua, tỷ lệ đóng góp doanh thu cho ngành âm nhạc của mảng dịch vụ này đã tăng từ 9% lên 47%. Quý I.2020, chỉ riêng nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify đã ghi nhận 286 triệu người dùng tích cực hàng tháng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy nền tảng này vẫn đang đối mặt với thách thức lớn trong mùa dịch. Spotify cho biết đại dịch đã khiến các thương vụ đã ký trước đó phải huỷ hoặc trì hoãn. "Tuy nhiên trong 12 tháng tới, ảnh hưởng của dịch lên kết quả kinh doanh của Spotify sẽ không tích cực cũng không tiêu cực,” theo nhận định của công ty nghiên cứu Global Data.

Covid-19 là dịp để nhiều người Việt Nam bắt đầu nhìn ra nền nghệ thuật thế giới khi hàng loạt “thánh đường nghệ thuật” lựa chọn chiến lược đăng tải các chương trình biểu diễn lên mạng để giữ tương tác với khán thính giả.

“Tại Việt Nam, nhiều người bắt đầu có cơ hội thưởng thức những màn trình diễn đẳng cấp thế giới của nhà hát Bolshoi hay Albert Hall,” bà Hoàng Thị Mai Hương, giám đốc điều hành Saatchi & Saatchi Vietnam chia sẻ tại buổi tọa đàm "Tương lai của ngành giải trí và truyền thông" do đại học Fulbright Việt Nam tổ chức. Bà tin rằng việc thưởng thức nghệ thuật trực tuyến không chỉ là xu hướng nhất thời, mà sẽ trở thành hình thức giải trí lâu dài. 

Giá trị bản quyền âm nhạc trên thế giới đã chạm mốc 30,1 tỉ USD năm 2018, theo báo cáo của cựu giám đốc Spotify - Will Page trên Billboard ra mắt tháng 2.2020. Tuy vậy, bản quyền lại là rào cản lớn cho ngành công nghiệp này phát triển khi tại Việt Nam tâm lý nghe nhạc xem phim miễn phí còn phổ biến. Điều này tạo nên sự thiếu bền vững cho môi trường âm nhạc tại Việt Nam.

“Tại Việt Nam hiện nay, các thương hiệu đang định hướng nghệ thuật vì họ nắm giữ tiềm lực kinh tế,” ông Thanh Bùi nhận xét. Điều này rất khác với xu hướng chung của những quốc gia có ngành công nghiệp âm nhạc phát triển như Mỹ và Hàn Quốc, khi doanh thu của những nghệ sĩ hàng đầu như Beyonce hay BTS không phụ thuộc quá nhiều vào các hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng, mà đến từ các buổi hoà nhạc và bản quyền âm nhạc. 

Với quy mô dân số xấp xỉ 97 triệu người với độ tuổi trung bình chỉ 32,5 tuổi, Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng để các nhà đầu tư đổ tiền phát triển ngành công nghiệp nghệ thuật. Tuy vậy, công tác bảo vệ bản quyền tại Việt Nam còn yếu và người Việt vẫn chưa có thói quen trả tiền để thưởng thức nghệ thuật, theo ông Thanh Bùi.

Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh quá trình tạo thói quen trả tiền khi tiêu thụ các sản phẩm âm nhạc của người tiêu dùng Việt, sự can thiệp của các chính sách cũng như chế tài khi vi phạm bản quyền của chính phủ có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra bản thân ngành âm nhạc cũng cần liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm để không tụt hậu so với thị trường âm nhạc quốc tế.

Về lâu dài, ngành giáo dục cũng cần bắt đầu thực hiện nhiều hơn những buổi chia sẻ về nghệ thuật để thế hệ trẻ Việt Nam học cách trân trọng giá trị của âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung. “Tôi tin trong 5-10 năm nữa, tư duy này sẽ thay đổi và người Việt sẵn sàng chi nhiều hơn cho nghệ thuật,” Thanh Bùi nói. 

Giang Lê