Ngân hàng giảm thêm 2- 2,5% lãi vay cho các doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Các ngân hàng thương mại đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay, mức giảm lên tới 2,5%/năm cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Điều này có thể khiến các ngân hàng sụt giảm lợi nhuận đến hàng nghìn tỷ đồng.

giam-lai-cho-vay-2869-1585660496.jpg

Nhiều ngân hàng vừa cam kết xem xét giảm 2%-2,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh hoạ: Internet)

Thực hiện nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 31/3, các ngân hàng đã “mạnh tay” hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay, mức giảm tới 2,5%/năm cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 và các lĩnh vực sản xuất chính yếu của nền kinh tế. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 4,5-5%/năm. Điều này có thể khiến các ngân hàng sụt giảm lợi nhuận đến hàng nghìn tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Vietinbank cam kết ngân hàng tiếp tục xem xét giảm 2%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng kinh doanh các lĩnh vực phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

"Chúng tôi cho rằng trong ảnh hưởng của dịch bệnh lần này thì các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng có thể nói còn rất khó để có thể lường đoán. Nhưng mức độ rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nói chung thì có thể nói ảnh hưởng ngay lập tức, trực tiếp và rất lớn", ông Thọ nhận định.

Còn đối với khoản cho vay mới, Vietcombank cũng sẽ dành một gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%-2,5% so với hiện nay. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa với mức áp dụng chỉ từ 4,5 - 5%/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay.

Chiều tối cùng ngày, NHNN ban hành Công điện 03/CĐ – NHNN nhằm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Nội dung của công điện nêu rõ, Chỉ thị 16/CT-TTg, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trực thuộc NHNN là các đơn vị dịch vụ, do đó, từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trực thuộc chủ động quyết định việc bố trí cán bộ theo các phương án, kịch bản phòng, chống dịch của mình, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt là đảm bảo sự hoạt động liên tục của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM; Hạn chế tối đa số lượng cán bộ phải đến trụ sở làm việc. Tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng, chống dịch khi bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở;

Thủ trưởng các đơn vị của các tổ chức tín dụng chủ động thông báo với chính quyền địa phương về những địa điểm cần thiết phải được duy trì hoạt động, tổ chức giao dịch phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế. Trong quá trình triển khai thực hiện công điện này, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị chủ động trao đổi với Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản trị của NHNN và báo cáo trực tiếp Thống đốc, Phó Thống đốc thường trực để được chỉ đạo, xử lý.

Chia sẻ thêm về công điện, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Công điện 03/CĐ – NHNN nhằm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, ngành ngân hàng là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở để đáp ứng yêu cầu đó.

“Đó là hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vẫn phải được NHNN duy trì, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, đảm bảo thông suốt mạch máu của nền kinh tế. Đối với các ngân hàng thương mại, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày tới”, Phó Thống đốc khẳng định.

Thanh Hoa