Nga tìm cách thoát khủng hoảng kép

00:00 12/10/2020

Cuộc khủng hoảng hiện nay được cho là có một không hai, bởi nó phát sinh không phải từ sự mất cân bằng tự nhiên nảy sinh từ bên trong nền kinh tế của một quốc gia. Lần này, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng rõ ràng không chỉ thuần túy là cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn là cuộc khủng hoảng y tế.

Do đó, một mặt các quy luật của suy thoái kinh tế sẽ được nhận diện. Mặt khác, chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm đồng bộ và gần như tức thời trong nền kinh tế của các nước phát triển.

Thứ trưởng Tài chính Nga Sergey Aleksashenko, trong bài phân tích của mình, đã chỉ ra những bất cập trong các biện pháp mà Chính phủ Nga đang áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng kép hiện nay, đồng thời đề xuất những giải pháp giúp nước Nga vượt qua nó.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ mức độ lan rộng của dịch bệnh, về cơ chế miễn dịch, liệu có thể tìm ra một loại vaccine sớm hay không hay bao nhiều người đang mang trong mình căn bệnh này nhưng không có biểu hiện triệu chứng... Tất cả những gì mà chúng ta nói về cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong tương lai hoàn toàn chỉ dựa trên giả thuyết.

Chính quyền các nước hiểu rất rõ rằng không thể đồng thời loại bỏ tất cả các hạn chế đi lại. Do đó, một tình huống mâu thuẫn đang được đặt ra: các hạn chế đi lại được duy trì nhưng các hoạt động dân sinh và nền kinh tế cần phải được dần khởi động lại, đồng thời cần xem xét kinh nghiệm của những nước láng giềng.

Mỗi quốc gia thử nghiệm một chiến thuật khác nhau: Một số nước bắt đầu mở cửa lại các cửa hàng và điểm phục vụ nhu cầu xã hội thiết yếu, một số nước bắt đầu mở cửa lại trường học và nhà trẻ. Việc phục hồi kinh tế được dự báo cần ít nhất 1 năm rưỡi. Một số lĩnh vực kinh tế như vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng phải mất từ 2 đến 4 năm và có thể lâu hơn để phục hồi.

Rõ ràng, với một quốc gia rộng lớn như Nga, việc quyết định các biện pháp hạn chế nào được áp dụng và không áp dụng, khi nào nên loại bỏ chúng và theo trình tự nào sẽ không thể chỉ do một chính quyền trung ương và không thể áp dụng đồng thời cho tất cả các địa phương. Moscow đang là tâm dịch nhưng cũng có những vùng có số lượng ca bệnh rất thấp, thậm chí chỉ có vài trường hợp.

Các thống đốc nhận thức rõ hơn về những gì đang xảy ra tại khu vực của họ, nên việc Tổng thống Vladimir Putin chuyển trách nhiệm sang các thống đốc là khá hợp lý, bỏ qua các cấu trúc quyền lực trong lúc này.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Nga đang hết sức ảm đạm với nhiều tham số khó có thể dự đoán như giá dầu, khối lượng xuất khẩu dầu, khối lượng dầu sản xuất, tỷ giá hối đoái, lạm phát, suy giảm kinh tế, thu thuế giá trị gia tăng, giảm nhập khẩu, giảm thu nhập hộ gia đình và thuế thu nhập ở các khu vực. Dự báo ngay trong tháng 5 và 6-2020, ngân sách liên bang và khu vực có thể phải đối mặt với nguồn thu sụt giảm. Năm nay, dự báo mức thâm hụt trong cả ngân sách liên bang và khu vực sẽ rất lớn.

Nếu giả định rằng nguồn thu ngân sách vào các tháng 5, 6, 7 sẽ giảm 50% và sau đó nền kinh tế bắt đầu tăng chậm và nguồn thu thuế sẽ được cải thiện thì rõ ràng có thể hiểu được rằng chỉ trong một vài quý, nước Nga có thể chi cạn Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF). Thắt chặt chi tiêu là phương án được Bộ Tài chính Nga lựa chọn lúc này.

Để bù đắp lỗ hổng này, Nga sẽ không chỉ cần có khoản dự trữ tích lũy, mà còn cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Và như vậy, nền kinh tế sẽ thay đổi đáng kể về cơ cấu và các ưu tiên. Một chính sách tiền tệ mềm dẻo sẽ có nghĩa là các ngân hàng sẽ mua trái phiếu cho vay liên bang (OFZ) từ Bộ Tài chính và ngay sau đó cầm cố chúng cho Ngân hàng Trung ương Nga để nhận các khoản vay dài hạn, có thể trong 6 tháng, 1 năm hoặc thậm chí 2 hoặc 3 năm, tức là Bộ Tài chính cho vay bằng tiền từ Ngân hàng Trung ương.

Chính phủ Nga còn cho phép doanh nghiệp chậm nộp các khoản thanh toán thuế và không thực hiện nhiều khoản thanh toán xã hội khác. Và dù có cho trì hoãn hay không thì các doanh nghiệp hiện cũng không có tiền để trả bởi bảng cân đối kế toán của họ sẽ chỉ thể hiện những khoản thua lỗ liên tục.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những người làm việc trong lĩnh vực này hiện là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các doanh nghiệp lớn ở Nga chủ yếu là các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô, nhà sản xuất vũ khí, một số ngân hàng, công ty vận tải và doanh nghiệp truyền thông. Tất nhiên thu nhập của họ có thể giảm nhưng họ sẽ tiếp tục hoạt động, điều đó có nghĩa là người lao động sẽ vẫn đi làm và được trả lương. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì buộc phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Tình cảnh khó khăn nhất đang chờ đợi họ ở phía trước. Họ không có cơ hội nhận được các hợp đồng từ chính phủ mà chỉ giới hạn trong lĩnh vực dịch vụ gắn với dân cư. Và nếu việc cấm dân chúng rời khỏi nhà thì toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân sẽ không có thu nhập.

Theo ông Aleksashenko, việc cần làm là phải giải được bài toán này. Nước Nga có thể tham khảo cách làm của các nước phương Tây. Ở Mỹ, doanh nghiệp có thể nhận được một khoản vay ngân sách với lãi suất bằng 0 và có thể được xóa nợ nếu khoản vay được chi trả cho tiền lương và thuê mặt bằng.

Ở Anh, Đức và một số nước châu Âu khác, chính phủ trả từ 60 đến 80% tiền lương của những người bị mất thu nhập. Riêng ở Anh áp dụng thêm một cơ chế hỗ trợ ngân sách, đó là bất kỳ doanh nghiệp nhỏ nào cũng có thể đăng ký và nhận khoản vay không lãi suất trị giá 25.000 - 50.000 bảng Anh từ ngân hàng trong 6 tháng...

Nói một cách dễ hiểu, bất kỳ sự hỗ trợ nào đối với người dân và doanh nghiệp sẽ được xem là có ý nghĩa khi các biện pháp rất đơn giản được thông qua và sớm thực hiện. Và đó chính là điều mà hệ thống Nga đang cần.