Phép màu điện ảnh mang đến cho du lịch: Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia

00:00 12/10/2020

Trở thành một địa điểm du lịch “hốt bạc” chỉ nhờ xuất hiện chớp nhoáng trong những bộ phim đình đám, đó là "phép màu" mà điện ảnh có thể mang đến cho du lịch. Chính vì thế, nhiều quốc gia đã có chính sách rất cởi mở để thu hút các đoàn làm phim quốc tế đến với mình.

Angkor Wat được nhiều du khách tìm đến sau bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ.

Đổi đời nhờ “lên phim”

Đã từ rất lâu, điện ảnh thế giới, đặc biệt là Hollywood được biết đến với sức mạnh “phù thủy”, có khả năng cải biến những địa điểm hết sức bình thường thành “điểm check-in vạn người mê”. Danh sách những địa điểm như vậy ngày càng được nối dài hơn cùng những bộ phim được đầu tư công phu, luôn tìm kiếm những bối cảnh mới lạ thay vì chỉ thực hiện trong trường quay.

Trong danh sách các điểm du lịch nổi tiếng nhờ phim “bom tấn”, quần thể đền Angkor Wat của Campuchia thường được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu, bởi dù là một di sản nổi tiếng của Campuchia nhưng đền Angkor Wat thực sự chỉ được đông đảo công chúng thế giới biết đến khi bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ ra mắt vào năm 2001.

Trước đó, với nhiều người, Angkor Wat dường như chỉ là điểm đến của các nhà nghiên cứu. Chính những thước phim vừa lộng lẫy, vừa huyền bí trong Bí mật ngôi mộ cổ với sự tham gia của nữ minh tinh Angela Jolie đã thúc đẩy rất nhiều du khách tìm đến đây. Hiện nay, Angkor Wat được coi là “địa điểm buộc phải tới” đối với du khách khi khám phá Campuchia.

Không chỉ mang đến cho người xem cơ hội khám phá các di sản, điện ảnh còn có khả năng “phù phép” những địa điểm bình thường trở thành nổi tiếng. Lâu đài Alnwick ở nước Anh sau khi “khoác áo” Hogwarts - trường học phù thủy trứ danh trong loạt phim Harry Potter đình đám - đã trở thành địa điểm du lịch hết sức nổi tiếng, thu hút khoảng 700.000 lượt khách du lịch mỗi năm. Lâu đài được xây dựng vào năm 1096 này hiện gắn với các tour lấy cảm hứng từ bộ phim. Hay ngôi làng Waikato (New Zealand), từ một vùng đất bình yên với dân cư thưa thớt nay đã là điểm đến trong mơ sau khi xuất hiện kèm hiệu ứng kỹ xảo trong hai bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn và Người Hobbit.

Theo thống kê, hiệu ứng từ hai bộ phim này đã giúp ngành Du lịch New Zealand tăng trưởng hơn 50% so với giai đoạn trước đó. Tương tự, Forks, một thị trấn yên bình ở Washington (Mỹ) cũng bất ngờ trở thành địa điểm du lịch khi số du khách muốn đến đây tham quan sau hiệu ứng của loạt phim Chạng vạng (Twilight) tăng vọt...

Cái bắt tay lợi cả đôi bên

Điện ảnh Hàn Quốc hội tụ nhiều bài học cho các nền điện ảnh đang phát triển, trong đó có việc khai thác hiệu quả bối cảnh. Đảo Nami - điểm du lịch không thể bỏ qua ở Hàn Quốc hiện nay - hoàn toàn là một sản phẩm du lịch được phát triển từ thành công của bộ phim Bản tình ca mùa đông. Ngôi đền Woljeong cũng chỉ được biết đến nhờ tiếng vang của bộ phim truyền hình Yêu tinh đình đám nhất Hàn Quốc và châu Á năm 2016.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có hàng loạt phim trường, công viên, quán cà phê... được khai thác như điểm du lịch nổi tiếng vì xuất hiện trong các bộ phim gây tiếng vang của nước này. Từ nguồn lợi khổng lồ này, Hàn Quốc có chính sách rất cởi mở cho phát triển điện ảnh, tạo điều kiện cho các đoàn làm phim được khai thác tối đa bối cảnh, kể cả trong khu vực di sản của đất nước này.

Tuy không có nền điện ảnh quá phát triển song Thái Lan cũng là một trong những quốc gia có chính sách về điện ảnh hết sức cởi mở, đặc biệt là trong việc thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Từ năm 2007, nhà chức trách Thái Lan đã bỏ bớt thủ tục nhằm thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến đây làm việc, coi đó như một cách để tăng nguồn thu ngoại tệ, quảng bá hình ảnh đất nước. Mỗi năm có hàng trăm đoàn làm phim nước ngoài đến ghi hình tại Thái Lan, mang đến nguồn thu khoảng 100 triệu USD và cũng nhờ thế, hình ảnh đất nước, con người Thái Lan có thể lan tỏa rộng rãi. Thái Lan cũng là nước xuất hiện trong rất nhiều bộ phim Hollywood, điều đó góp phần thúc đẩy du lịch đất nước này phát triển.

Với sự phát triển như vũ bão của điện ảnh hiện nay, vai trò của những “trinh sát địa điểm” được đặc biệt coi trọng. Họ có nhiệm vụ tìm kiếm một địa điểm phù hợp cho bộ phim theo yêu cầu của đạo diễn, biên kịch. Những người làm công việc này thường tìm kiếm dữ liệu về địa điểm quay phim trên toàn cầu, xu hướng hiện nay là những địa điểm càng mới lạ càng có sức hấp dẫn. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã có chính sách cởi mở, thậm chí trả tiền để được “lên phim”. Chẳng hạn, Mexico đã hoàn trả 10 triệu USD cho các nhà sản xuất bộ phim Điệp viên 007 - James Bond với điều kiện đoàn làm phim sử dụng một số diễn viên Mexico và mô tả đất nước này theo chiều hướng tích cực...

Ý thức được sức mạnh truyền cảm hứng của điện ảnh, mỗi quốc gia đang có những chính sách khác nhau nhằm nắm bắt cơ hội, chủ động tạo cái bắt tay cho đôi bên, để hình ảnh đất nước mình trở thành một phần của những bộ phim “bom tấn”. Đây chắc chắn vẫn là xu hướng của cả điện ảnh và du lịch trong thời gian tới, là điều mà các nền điện ảnh đang phát triển cần tận dụng để đạt được hiệu quả quảng bá cao nhất.

QUANG HUY