Mải lo "cơm áo gạo tiền", doanh nghiệp nhỏ và vừa nghĩ gì tới số hoá?

00:00 12/10/2020

Việc số hoá, cách mạng 4.0 luôn là chủ đề được nhắc tới gần đây. Song, không phải cái gì muốn cũng có thể làm được, nhất là khi tiềm lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu. Tuy nhiên, khi Việt Nam đứng trước áp lực mở cửa nền kinh tế, doanh nghiệp không thay đổi sẽ bị tụt hậu.

Câu chuyện thay đổi công nghệ, cách mạng số vài năm gần đây được phủ kín mặt báo, nhưng không phải người lãnh đạo nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của nó.

Lý do này cũng khá dễ hiểu, bởi các doanh nghiệp nhỏ hiện nay vẫn còn đang phải loay hoay với những gánh nặng "cơm áo gạo tiền". Tiềm lực tài chính của họ cũng chưa cho phép doanh nghiệp bỏ ra một khoản đầu tư lớn để thay đổi, trong khi đó, nếu vận hành theo cách cũ thì vẫn đem lại lợi nhuận.

Thế nhưng, khi có áp lực như cuộc chiến tranh thương mại thì các doanh nghiệp mới “thấm” được việc, có nên thay đổi hay không. Bởi ngay như câu chuyện tại vùng quê Hạ Hoà (Phú Thọ), các xưởng chế biến gỗ tại vùng quê cách Hà Nội cả trăm cây số này lại khiến nhiều doanh nghiệp phải ngẫm…

Ở đây, chỉ sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, nhu cầu thu mua ván bóc xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng lên. Các xưởng bóc cũng tăng gấp đôi từ 100 lên 200 xưởng. Nhưng đa phần, họ đều sử dụng máy móc cũ kĩ, lại còn lạc hậu. Có gia đình còn tự hào khoe sử dụng chiếc máy đã qua 4 đời.

Nhưng thực tế, chủ một xưởng là gỗ bóc, anh Hùng (Ấm Hạ, Hạ Hoà) tính toán thì nó tốn kém hơn đầu tư công nghệ mới rất nhiều.

Cụ thể, anh Hùng chia sẻ: “Bình thường, nếu nhà nào sử dụng máy cơ, không có xe nâng chỉ đẩy bằng xe bò, không có máy móc phục vụ sản xuất,…thì giá thuê nhân công ở đây sẽ là 300 nghìn đồng/khối. Thợ hoàn toàn phải lao động tay chân, nên nhiều khi họ còn không muốn làm vì vất vả. Trong khi đó, xưởng trong khu vực thì quá nhiều, vì thế các xưởng đều phải chạy đua về công nghệ.”

Sử dụng máy móc cũ, thiếu nguyên liệu nên nhiều xưởng làm bóc tại Phú Thọ cũng phải tạm đóng cửa

“Nếu đầu tư máy móc thì giá thuê sẽ giảm được khá nhiều, chỉ còn khoảng 250 nghìn đồng/khối, mà lại còn tiết kiệm được nguyên liệu, điện, thời gian. Ví dụ, máy cơ bóc rất tốn gỗ, cứ 10 khối gỗ mới ra 6 khối ván, nhưng máy điện tử có thể cho ra 6,5 khối. Chưa kể, máy móc hiện đại thì ván ra sẽ đều, đẹp hơn nhiều”, anh Hùng nói.

Nhiều chủ xưởng ở đây cũng chia sẻ, vài năm trước dễ bán, nên dùng máy cơ loại cũ cũng vẫn cho thu nhập. Nhưng hiện, ngay tại Hạ Hoà thôi, nhiều xưởng dùng máy móc cũ cũng đã phải “đắp chiếu” máy móc, dừng sản xuất do lái buôn không lấy hàng.

Bãi phơi trống trơn vì khủng hoảng của chiến tranh thương mại

Xưởng của anh Hùng sử dụng máy điện tử để sản xuất mà vẫn còn phải lay lắt chờ thời, các xưởng dùng máy móc cũ tại Hạ Hoà đều đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, anh Hùng cho biết, “tôi sẽ chỉ tạm dừng khoảng 2 tháng để xem tình hình. Nếu không khá hơn được thì phải đầu tư thêm vào công nghệ thì mới mong trụ được với nghề.”

Thách thức khiến doanh nghiệp “lười” thay đổi là gì?

Chia sẻ về những thách thức khi các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số” diễn ra sáng nay tại Hà Nội, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Phó tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam cho rằng, có 3 thách thức rất lớn.

Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để chuyển đổi số trong bối cảnh hội nhập

 Theo đó, thách thức đầu tiên theo bà Dương chính là hạ tầng: “Nếu có hạ tầng tốt, các doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh. Giống như đi trên 1 con đường, dù xe có tốt mà đường gồ ghề, tắc nghẽn thì cũng không đi nhanh được.”

“Khó khăn thứ hai là về nguồn lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn loay hoay với cơm áo gạo tiền. Nên việc đầu tư vào công nghệ để thay đổi bản thân so với việc vận hành công nghệ cũ mà vẫn kiếm ra tiền là điều đáng cân nhắc. Nhưng nếu các doanh nghiệp vượt qua được mối lo và có sự chuẩn bị tốt về tài chính thì doanh nghiệp đó sẽ thắng”, bà Dương nói.

Đặc biệt, bà Dương nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có một ưu thế là tốc độ chuyển đổi số sẽ nhanh và dễ dàng hơn các doanh nghiệp lớn. Vì theo Phó Tổng giám đốc này, các doanh nghiệp lớn mất ít nhất 5 năm để hoàn thành việc chuyển đổi số.

 

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Phó Tổng Giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam

Thách thức cuối cùng và cũng được vị này cho là quan trọng nhất, đó chính là quyết tâm của người làm chủ. Vì hầu hết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều là mồ hôi công sức của 1 người bỏ ra. Để họ có thể đưa ra quyết định đầu tư thì phải thật sự quyết tâm, rồi từ đó mới lan toả ra toàn bộ công ty.

Để giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và có hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số, bà Dương đã nhắc tới sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các công ty khởi nghiệp về công nghệ.

Theo bà Dương, thay vì cứ nghĩ ra những ý tưởng thiếu thực tiễn thì các công ty khởi nghiệp nên cho ra những sáng kiến đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Thế Hưng