Lên top đầu thế giới, kỷ lục làm nóng khối tiền 250 tỷ USD

00:00 12/10/2020

TTCK Việt Nam chứng kiến một năm 2019 có vài điểm không được như mong đợi nhưng ghi nhận nhiều sự kiện chưa từng có và vẫn nằm top đầu thế giới cho dù toàn cầu thận trọng với những chính sách của ông Donald Trump.

Những kỷ lục

Hàng loạt sản phẩm mới được đưa vào thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2019. Tuy nhiên, một điểm đáng buồn là giao dịch trên thị trường không được cải thiện so với năm trước đó.

Những biến động khó lường và sự thận trọng của giới đầu tư toàn cầu trên thị trường tài chính khăp nơi trên thế giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm lắng nói chung trên TTCK Việt Nam trong năm vừa qua.

Đây là một điểm kém tươi sáng được chính đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng như Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán nhìn nhận trong buổi công bố 10 sự kiến chứng khoán nổi bật năm 2019 vào chiều 26/12.

Còn lại phần lớn là những điểm sáng và 2019 được coi là một năm mà thị trường ghi nhận nhiều sự kiện kỷ lục chưa từng có, nhiều điểm tích cực về cả chính sách lẫn diễn biến trên thị trường nhìn một cách toàn cục.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng. (Ảnh: Quang Phúc)

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, thừa nhận, hai sự kiện nổi bật được xếp đầu của ngành chứng khoán liên quan tới vấn đề chính sách phát triển thị trường. Theo đó, Luật Chứng khoán mới được thông qua hôm 26/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021) là một thành tựu lớn và là cơ sở để TTCK phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại toàn diện TTCK, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” cũng là tiền đề để hoàn thiện thị trường, đưa thêm hàng hóa, gồm các ngân hàng lên sàn giao dịch.

Cũng theo ông Trần Văn Dũng, TTCK trong năm 2019 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu, đó là sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp và diễn biến tích cực chưa từng có của thị trường trái phiếu chính phủ.

Theo đó, trái phiếu chính phủ có lãi suất giảm mạnh trong năm 2019 và trái phiếu chính phủ xuất hiện những kỳ hạn dài chưa từng có, 10 năm, 15 năm thậm chí 30 năm. Giao dịch trung bình ngày trên thị trường trái phiếu đã lớn hơn thị trường cổ phiếu.

Trong khi khối ngoại mua ròng trên TTCK không được như kỳ vọng, dấu ấn chưa từng có lại nằm ở những thương vụ phát hành riêng lẻ, mua cổ phần lớn. Trong đó, nổi bật là thương vụ SK Group chi 1 tỷ USD sở hữu 6,15% cổ phần tại Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hay Singapore GIC mua gần 14 triệu cổ phần MSN của Tập đoàn Masan, KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần BID trị giá khoảng 882 triệu USD, Vietcombank cũng hoàn tất việc bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho Tập đoàn FWD Sumitomo Life mua 41 triệu cổ phần BVH trị giá 173 triệu USD...

Còn theo TS.Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2019, theo xếp hạng của nhiều hãng thông tấn lớn, Việt Nam nằm trong top 8 đích đến của giới đầu tư thế giới nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, trong bối cảnh các thị trường mới nổi emerging market xáo trộn rất lớn.

Triển vọng 2020

Trong năm 2019, cho dù không tăng trưởng vượt bậc nhưngVN-Index cũng đã ghi nhận mức tăng khoảng 7% nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP trên mức 7% và lạm phát thấp, ở sâu dưới ngưỡng mục tiêu 4%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng bùng nổ, góp phần giảm những khó khăn về vốn trong bối cảnh NHNN thắt chặt tín dụng.

Các thương vụ tỷ USD trên TTCK năm 2019.

Ông Nhữ Đình Hòa - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lượng mua ròng của NĐT nước ngoài trên thị trường thứ cấp khoảng 6 ngàn tỷ đồng. Nhưng các thương vụ phát hành riêng lẻ thì có ý nghĩa hơn, với chỉ những thương vụ lớn đã lên tới 2,6-2,7 tỷ USD trong năm 2019. Đây là con số rất lớn và chứng tỏ niềm tin của NĐT nước ngoài ngày càng tốt hơn. Hầu hết các thương vụ thành công đều xuất phát từ nền tảng DN có cốt lõi kinh doanh tốt, quản trị công ty minh bạch. Và đây là cơ sở cho năm 2020.

Trong năm 2020, TTCK được hầu hết đại diện UBCK, Trung tâm lưu ký, các quỹ, CTCK,... dự báo sẽ sáng sủa hơn.

Ông Đinh Việt Tùng, phó TGĐ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có  dự cảm tươi sáng về bức tranh thoái vốn 2020 sau một năm không đạt kế hoạch đặt ra.

Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), đã dự đoán 2019 là năm của trái phiếu. Còn năm 2020, theo ông Minh, thị trường trái phiếu DN chắc chắn sẽ tiếp tục sôi động bởi NHNN vẫn tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ tín dụng. Nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng cao.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI cũng chia sẻ với dự báo thị trường trái phiếu DN sẽ tiếp tục sôi động. Còn về thị trường cổ phiếu, tâm lý đầu tư trên thế giới đã tốt hơn nhiều. Các NĐT trở nên bullish hơn (tích cực hơn) đối với thị trường cổ phiếu và ngày càng tăng tỷ trong cổ phiếu trong danh mục đầu tư, giảm tỷ trọng trái phiếu và các loại tài sản an toàn như vàng, yên Nhật…

Các quỹ đầu tư trên thế giới cũng chọn đầu tư cổ phiếu bởi một loạt các NHTW trên thế giới giảm lãi suất và kích thích kinh tế và kèm theo đó là một loạt tín hiệu và dự báo kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong năm 2019.

Các quỹ đầu tư tại Việt Nam đang đẩy mạnh phát hành thêm chứng chỉ quỹ. Áp lực bán trong thời gian gần đây, theo ông Hùng Linh là ở vấn đề nội tại, bán cục bộ chủ yếu ở một số cổ phiếu như Masan, Vinhomes, Vingroup.

Theo ông Linh, trong năm 2020, rủi ro đã ít đi khá nhiều so với 2019 và vì vậy TTCK sẽ tích cực. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng sẽ chờ xem quan hệ Mỹ-Trung có thực sự tích cực hay không hay chỉ là một sự đình chiến. 

10 SỰ KIỆN CHỨNG KHOÁN NỔI BẬT NĂM 2019

1. Thị trường chứng khoán Việt Nam có Luật Chứng khoán mới

Ngày 26/11/2019, Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.

2. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhằm mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại toàn diện thị trường chứng khoán, ngày 28/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 242 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Riêng với khối ngân hàng thương mại, Đề án của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Tính đến ngày 19/12, ngoài 18 ngân hàng đã có mặt trên các sàn chứng khoán chính thức.

3. Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, trái phiếu chính phủ tiến triển tích cực

Năm 2019 thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ với tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng 2019 ước tính đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm 2018, tương đương 10,26% GDP.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ, năm 2019, qua hoạt động đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã huy động được khoảng 215.000 tỷ đồng, tập trung tại các kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Tính đến cuối năm 2019, kỳ hạn bình quân trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành đã được nâng lên mức 13,6 năm. Điều đặc biệt là lãi suất trúng thầu giảm trên tất cả các kỳ hạn, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm vào cuối năm 2019 giảm từ 78 - 183 điểm cơ bản.

4. Quỹ ETF nội cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại.

Năm 2019 đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của quỹ ETF nội trên thị trường chứng khoán Việt Nam với cái tên E1VFMVN30. Quỹ này đã huy động được gần 2.200 tỷ đồng trong năm 2019.

5. Vốn ngoại gây ấn tượng với các thương vụ mua lớn

Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự dịch chuyển tập trung thông qua các thương vụ mua cổ phần lớn. Các thương vụ tiêu biểu là SK Group chi 1 tỷ USD sở hữu 6,15% cổ phần VIC, Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore GIC mua gần 14 triệu cổ phần MSN, KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần BID trị giá khoảng 882 triệu USD, Vietcombank cũng hoàn tất việc bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho Tập đoàn FWD Sumitomo Life mua 41 triệu cổ phần BVH trị giá 173 triệu USD...

6. Cú sốc FTM và rủi ro trong hoạt động cầm cố cổ phiếu

Từ giá ổn định quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu trong giữa năm 2019, cổ phiếu FTM đột ngột rơi sâu, mất hơn 90% giá trị, đến thời điểm này 19/12/2019 chỉ còn 2.340 đồng/cổ phiếu. Việc cổ phiếu FTM rơi quá nhanh và quá sâu lộ ra nghi án cổ phiếu bị một nhóm cổ đông thao túng làm giá. Trước sự quan tâm của dư luận, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc thanh tra vụ việc tại FTM.

7. Xử phạt FLCHomes thành hiện tượng nổi sóng dư luận

Ngày 19/11/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 925 đối với Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES với số tiền 400 triệu đồng, vì đã có hành vi vi phạm chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Cùng với đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định số 924 xử phạt vi phạm hành chính về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với FLCHOMES, yêu cầu thu hồi số chứng khoán đã chào bán sai phạm, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

8. Ra mắt Chứng quyền có đảm bảo (CW) sau 7 năm “thai nghén”

Dấu ấn sản phẩm mới năm 2019 có tên gọi chứng quyền, khi sản phẩm này chính thức được Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh khai mở hoạt động vào ngày 28/6/2019. Đây là sản phẩm phái sinh thứ hai được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

9. Thanh khoản thị trường năm 2019 thấp hơn kỳ vọng

Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%.

10. Lần đầu tiên bỏ phí sàn môi giới chứng khoán, làm thay đổi cục diện cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán

Thông tư số 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ quy định mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn 0,15% như quy định cũ.

(Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán)

V.Hà