Làn sóng Covid-19 tái bùng phát: Dệt may đau đầu, thực phẩm tăng tốc

00:00 12/10/2020

Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt may chưa biết điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp thì các nhà sản xuất thực phẩm đang phải tăng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu thị trường khi dịch Covid-19 tái bùng phát.

Dệt may đau đầu vì dịch Covid-19 tái bùng phát

Với nhiều doanh nghiệp ngành dệt may ở TP. Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm nay việc kinh doanh xuất khẩu luôn trong tình trạng khó chồng khó. Theo Hội Dệt may - Thêu đan thành phố, các doanh nghiệp đã phải “gồng mình” chống chọi qua những đợt ảnh hưởng liên tục từ đại dịch Covid-19. Từ việc đứt gãy chuỗi cung nguyên liệu cho tới đứt gãy đơn hàng tại nhiều thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU…

lan song covid 19 tai bung phat det may dau dau thuc pham tang toc

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang tiếp tục sản xuất khẩu trang để duy trì hoạt động trong dịch bệnh

Từ cuối tháng 6 vừa qua, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp đã bước đầu có tín hiệu khởi sắc, và một số doanh nghiệp đã mạnh dạn thay máy móc từ chỗ đang sản xuất khẩu trang sang sản xuất các đơn hàng cho đối tác. Tuy nhiên, gần đây sự chuyển biến bất ngờ từ của đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị đảo lộn.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất dệt may lớn tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, cuối tháng 7 vừa qua doanh nghiệp này đang chuẩn bị cho việc sản xuất đơn hàng mới thì bất ngờ dịch bệnh bùng phát. Điều đáng nói là trong thời gian gần đây một số công nhân của công ty có đi Đà Nẵng du lịch, nằm trong diện phải cách ly khiến hoạt động của nhà máy phải tạm dừng để chờ kết quả xét nghiệm từ những công nhân này.

Cũng gặp cảnh tương tự, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vita Jean - cho hay, nhận thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường, doanh nghiệp này đã bắt đầu sản xuất lại các đơn hàng thời trang để xuất khẩu cũng như cung cấp cho thị trường nội địa. Song việc lắp đặt máy chưa được bao lâu thì dịch bệnh lại bùng phát khiến doanh nghiệp không biết nên làm thế nào cho hợp lý.

Theo các doanh nghiệp, sở dĩ họ trong tình thế tiến thoái lưỡng nan là do nếu tiếp tục sản xuất mà dịch bệnh dẫn đến giãn cách xã hội sẽ khó hoàn thành được đơn hàng cho đối tác.

Dầu an toàn thực phẩm - Tân Phú Hiếu

Sản xuất thực phẩm chế biến tăng tốc trở lại

Lương thực, thực phẩm tăng tốc trở lại

Trái với doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng không thiết yếu, những ngày qua các doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm thiết yếu đã tăng tốc trở lại để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường.

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, ngay khi có ca nhiễm Covid-19 tái bùng phát trở lại, UBND TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng kích hoạt lại các hoạt động chống dịch, trong đó có hoạt động cung ứng hàng hóa cho thị trường. Theo chỉ đạo từ UBND thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhanh chóng chuẩn bị đủ nguồn hàng và đảm bảo không tăng giá.

Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Ba Huân. Bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Ba Huân chia sẻ, ngay khi Đà Nẵng có ca nhiễm bệnh trở lại thì những hoạt động sản xuất của Ba Huân đã được huy động hết công suất. “Nguồn hàng sản xuất của chúng tôi rất dồi dào, từ thực phẩm chế biến như xúc xích, lạp xưởng cho tới gia cầm và trứng. Các sản phẩm được bán rộng rãi tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm không lo thiếu”, bà Huân khẳng định.

Cũng như Ba Huân, các doanh nghiệp thực phẩm khác như Vissan, Meizan, Miliket… đang hoạt động tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, ngay từ cuối tháng 6 vừa qua, dự báo thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng trưởng với mức khoảng 20% nên các hoạt động sản xuất được doanh nghiệp duy trì ổn định. Nhờ đó, ngay khi tái bùng dịch, doanh nghiệp đã nhanh chóng kích hoạt lại chế độ sản xuất như thời điểm có dịch hồi đầu năm nay.

Mai Ca