Làm giàu từ núi đồi quê hương

00:00 12/10/2020

Giữa cái nắng chang chang của núi đồi Lào Cai, giữa những núi rừng hoang vu nơi sát sườn biên giới, chỉ có những bản làng của người dân tộc Hmông và những người Kinh đi khai hoang từ hàng chục năm về trước, thấy hiện ra bạt ngàn màu xanh của lá chuối...

Khắp vùng đồi núi hùng vĩ tại Bản Xen, đâu đâu cũng thấy những cây chuối xanh rợp tốt tươi – nét khởi sắc cho vùng quê nghèo, được tạo lên bởi bàn tay trẻ hăng say yêu quê hương của 2 thôn nữ H’Mông là Vàng Thị Hoa, Ma Thị Chú và anh Trần Văn Hùng.

Những doanh nhân trẻ đang quyết tâm làm giàu trên mảnh đất Bản Xen, Mường Khương - Lào Cai.

Gặp anh Hùng - Giám đốc Hợp tác xã tại lán trông nom dựng sâu trong núi rừng, giữa hàng vạn gốc chuối đang sắp tới ngày thu quả, mồ hôi anh vẫn còn thấm đẫm chiếc áo sờn vì nắng gió miền sơn cước. Anh Hùng chia sẻ về những ý tưởng, những khát khao và thành quả đã đạt được trong 2 năm qua, để biến những đồi núi hoang vu trở thành đồng xanh mơn mởn và gặt hái được kinh tế cho bà con trong cả vùng.

Bản Xen nằm tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Nơi này hoang vu không thuận tiện đường xá, cũng không giáp biên giới Trung Quốc nên không có cửa khẩu thông thương. Bà con đồng bào trước nay chỉ có trồng lúa ngô trên đồi núi, khi hết mùa không có việc gì làm thì để đồi hoang rồi sang Trung Quốc làm thuê những việc chân tay cực nhọc. Trước không ai đầu tư tại nơi này, chỉ ngoài có cây chè 5 năm trở lại đây được số ít bà con canh tác.

Xuất thân từ gia đình thuần nông chất phác nghèo khó với khát khao làm giàu, chứng kiến cảnh nhiều người dân Việt Nam nơi núi rừng sát biên giới nghèo khổ thường sang làm thuê nơi xứ người, anh Hùng cùng với chị Chú, chị Hoa đã ấp ủ một hướng đi mới tận dụng điều kiện tự nhiên vốn có, với ý tưởng canh tác một giống hoa quả chất lượng cao tại quê nhà để giúp người dân cùng làm giàu, không phải chịu cảnh khó nhọc nữa. Sau thời gian nghiên cứu, anh Hùng quyết định sẽ trồng giống chuối tiêu hồng ngay tại Bản Xen quê hương. Đây là giống chuối bản địa của Việt Nam, được thương lái Trung Quốc cũng như Việt Nam vô cùng yêu thích bởi mùi hương chín ngọt và thịt quả khá dai. Cây giống được chọn lọc kỹ lưỡng và ươm trồng tại trường Đại học Nông nghiệp 2.

Những đồi chuối ngút ngàn tạo công ăn việc làm đảm bảo đời sống cho hàng trăm người dân bản

Những ngày đầu vô cùng khó khăn. Đất đồi núi tại Bản Xen khô cằn sỏi đá, cuốc hố chuối còn phải dùng tới xà beng, đất không được tươi xốp mà chỉ độc những đá, lúc cuốc đất còn bụi mù mịt lên như thể công trường xây dựng khiến ai ai cũng lắc đầu. Thời tiết nơi này cũng khắc nghiệt, có lúc nắng chang chang tới hàng tháng mới được một cơn mưa. Nắng thì nắng chết mới thôi, mưa thì mưa tới mức chỗ nào cũng đùn ra nước. Ấy vậy, nhưng 3 người trẻ đã quyết tâm tạo dựng lên Hợp tác xã Châu Thịnh Phong, góp vốn cùng nhau, rồi thiếu phải vay mượn khắp nơi, cầm cố cả sổ đỏ. Năm đầu tiên trồng được 2 vạn gốc chuối. May thay mưa thuận gió hòa, tới lúc thu hoạch lá chuối vẫn còn tươi nguyên, không bị khô vàng như nơi khác. Ngay ngày đầu, anh Hùng đã xác định, nếu có thua lỗ cũng tiếp tục đầu tư. Tất cả xuất phát từ lòng ham làm giàu và tình yêu thương quê hương, nhờ vậy mà trời thương cho cây chuối sinh trưởng tốt được mùa, bán được giá.

Về cách canh tác chuối, anh Hùng chia sẻ, các anh thuê đất của dân với thời hạn 5 năm, sau đó thuê nhân công khoán cho họ chăm sóc. Mỗi gốc chuối từ khi ươm trồng cho tới lúc thu hoạch đầu tư hết 80.000đ, trong đó anh khoán cho người chăm sóc 20.000đ một gốc. Trồng chuối không hề dùng thuốc diệt cỏ, chỉ phun thuốc diệt sâu khi cây còn nhỏ, suốt quá trình đơm hoa ra buồng không hề dính tới thuốc. Giống cây này cũng dễ nuôi trồng, không đòi hỏi chất lượng đất quá cao. Có những đợt nắng kéo dài, nhưng chỉ một cơn mưa xuống chuối lại tiếp tục vươn lên.

Hiện tại Hợp tác xã của anh Hùng có 20 công nhân làm việc liên tục, ngày thu hoạch thì huy động thêm bà con làng xóm khoảng 40 người, với mỗi ngày công lên tới vài trăm nghìn. Nhờ vậy mà bà con cũng có công việc ổn định hơn, mỗi khi thiếu việc đều có thể tìm tới anh Hùng xin làm bởi chuối có thể thu hoạch quanh năm, lại trồng gối vụ. Đồi chuối của Hợp tác xã nuôi được 10 gia đình, với thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng /năm, không kể những người làm thuê theo ngày nữa.

Những đồi chuối ngút ngàn tạo công ăn việc làm đảm bảo đời sống cho hàng trăm người dân bản

Anh Hùng bộc bạch, bản thân đứng dậy bởi hai bàn tay trắng, làm lụng đủ nghề nên anh rất thương cảm với đồng bào. Nhìn thấy cảnh nghèo, cảnh khổ anh không cầm lòng được, nên tạo được điều kiện gì cho dân anh cũng đều làm hết. Anh biết cảnh bà con sang Trung Quốc làm thuê vất vả lại rủi ro nhiều, nên mong muốn hợp tác xã chuối giúp họ không phải sang biên nữa. Người làm thuê theo ngày cho anh cũng được vài trăm nghìn, còn người làm khoán được nhận 4.000 gốc chuối với 80 triệu 1 năm, thu hoạch chuối xong chặt xong cây là hoàn thành.

 Sau 2 năm, bà con nhân công trong Hợp tác xã Châu Thịnh Phong đã trồng được xấp xỉ 5 vạn gốc chuối, phủ kín tất cả vùng đồi trọc trong Bản Xen. Tuy khó khăn mọi mặt, nhưng lòng hăng say với nghề và mục đích vừa phát triển kinh tế vừa an sinh xã hội, phủ kín đồi trống nên Hợp tác xã bước đầu gặt hái nhiều thành công. Sắp tới, anh Hùng tiếp tục dự định thuê đất tại các bản lân cận để canh tác thêm 5 vạn gốc chuối nữa, tạo điều kiện hơn nữa cho bà con Mường Khương có công việc ổn định trong những ngày hết mùa vụ. Đồng thời phát triển vườn ươm cây giống tại quê nhà, cung cấp cây giống nông nghiệp cho bà con và trồng nhiều loại dược liệu quý. Để nâng cao giá trị kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm từ chuối, anh Hùng còn có dự định sản xuất rượu chuối, chuối sấy khô đóng gói...

Với chiếc xe Win cũ mèm, hàng ngày anh Hùng cứ thoăn thoắt khắp núi rừng, giới thiệu cho phóng viên về những thành quả và dự định tiếp theo. Anh luôn khao khát làm giàu không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả vùng quê nghèo anh gắn bó. Nhận xét về mô hình làm kinh tế của anh Hùng, ông Bùi Công Bốn - Chủ tịch UBND xã Bản Xen khẳng định, đây là cách làm kinh tế đem lại hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình sản xuất của anh Hùng đã làm sống động cả một vùng, đi tiên phong cho những vùng nghèo đói khác làm theo. Hy vọng, những dự án sắp tới của Hợp tác xã Châu Thịnh Phong sẽ tiếp tục thành công và được nhân rộng, tạo điều kiện cho người dân vùng biên giới làm giàu.

Nguyễn Lương – Việt Thanh