Kinh nghiệm tạo lập quốc gia khởi nghiệp ở một số nước

00:00 12/10/2020

Khởi nghiệp hiện được coi là chủ đề quan tâm hàng đầu của giới trẻ, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Làm thế nào để hỗ trợ nhiều nhất giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công là chủ đề được nhiều quốc gia quan tâm.

Khởi nghiệp từ lâu luôn được coi là hoạt động đầu tư mạo hiểm, yêu cầu người khởi nghiệp không chỉ có kiến thức, kinh nghiệm mà còn cần cả những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất vốn để hiện thực hóa những ý tưởng tiềm năng. Quốc gia khởi nghiệp chính là quốc gia chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, luôn hướng tới khuyến khích và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp có được sự tự tin để bắt tay biến ý tưởng thành hiện thực. Mặc dù đa phần các ý tưởng khởi nghiệp thường không thành công, song trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, sự đầu tư thúc đẩy tối đa tinh thần doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám hành động có vai trò tối quan trọng giúp tăng cường sức cạnh tranh của mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Dưới đây là kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp của một số nước.

Israel

Israel được coi là điển hình đầu tiên của mô hình quốc gia khởi nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Israel được coi là điển hình đầu tiên của mô hình quốc gia khởi nghiệp. Quốc gia khởi nghiệp (startup nation) là cụm từ được tác giả Dan Senor và Saul Singer đưa ra lần đầu tiên khi viết nên cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp: Phép lạ kinh tế của Israel vào năm 2009. Cuốn sách mô tả sự phát triển thần kỳ của đất nước Israel chỉ với 8,4 triệu dân song đã luôn dẫn đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ cao, đạt tỷ lệ 1 startup trên mỗi 1.400 dân, thu hút cả những nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Để làm được điều này, bên cạnh việc tinh thần khởi nghiệp luôn được người dân và cộng đồng Israel đề cao và duy trì hỗ trợ tích cực, thì Chính phủ Israel luôn hướng đến phát triển môi trường khởi nghiệp trong nước lẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các ý tưởng khởi nghiệp đều hướng tới giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm thu hút đầu tư quốc tế. Đặc biệt, các nhà khởi nghiệp luôn sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao, kể cả khi chúng chưa được lên kế hoạch hoàn thiện và mang trong mình nhiều rủi ro khi triển khai. Bất kỳ thành công hay thất bại nào cũng được nhìn nhận là nền tảng cần thiết cho sự phát triển và nhiều nhà đầu tư có ấn tượng với những ứng viên từng trải qua nhiều thất bại hơn những người khác. Nhiều công ty khởi nghiệp thành công đã bán mình cho các đối tác quốc tế, sau đó lại tiếp tục bắt tay thực hiện những ý tưởng mới. Nhờ vậy, Israel đã trở thành một vườn ươm tuyệt vời cho những ý tưởng công nghệ.

 Tại vườn ươm khởi nghiệp Israel, nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm được đặt gần nhau ngay từ đầu. “Thung lũng Silicon” của Israel là một tổ hợp các ngành công nghiệp công nghệ cao gồm nhiều công ty khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và cả quân sự được đặt xung quanh thủ đô Tel Aviv. Chính nhờ dân số ít và môi trường gần gũi giữa các quần thể quân sự lẫn dân sự đã giúp các nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư có sự hiểu biết và thân thiết lẫn nhau từ trước khi ý tưởng khởi nghiệp nảy ra, cho phép quyết định đầu tư mạo hiểm được đưa ra dễ dàng hơn. Cụ thể, về phía nhà đầu tư, họ có cơ hội được kiểm chứng năng lực của ứng viên thông qua quá trình làm việc và cách ứng viên đó đối mặt với khó khăn. Ngược lại về phía nhà khởi nghiệp, họ có thêm mục đích để luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập và lao động, cũng như phát triển được kinh nghiệm và quan hệ của bản thân nhằm phục vụ các ý tưởng khởi nghiệp nảy sinh sau này.

Một yếu tố khác là nghĩa vụ quân sự là điều bắt buộc với mọi công dân Israel. Việc chịu áp lực khi xử lý các tình huống hiểm nghèo cũng như liên tục khám phá giới hạn của bản thân giúp những người trẻ có được nhiều kinh nghiệm thay đổi cuộc sống của họ. Môi trường quân sự cũng là cơ hội tốt giúp những người trẻ trao đổi và tiếp thu những kiến thức và cách tiếp cận mới, đồng thời xây dựng những mối quan hệ phục vụ tốt cho công tác sau này.

 Thị trường khởi nghiệp của Israel hiện đang ngày càng phát triển mạnh và thu hút ngày càng nhiều các thành viên trong nước lẫn nước ngoài tham gia. Không chỉ các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ và châu Âu mà nay cả các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang rất quan tâm đến thị trường này. Các lĩnh vực công nghệ nổi bật của Israel hiện nay là an ninh mạng, giao thông và điều hướng thông minh, công nghệ hàng không và máy bay không người lái, công nghệ nông nghiệp và xử lý nước, trí tuệ nhân tạo vào phát triển robot. Nhiều công ty và các tập đoàn công nghệ hàng đầu như IBM, Google, Facebook, HP và Oracle cũng đều có chi nhánh tại đây nhằm tận dụng tối đa các cơ hội giúp nghiên cứu, phát triển, đổi mới và sáng tạo công nghệ. Nổi bật nhất phải kể đến thượng vụ Intel mua lại Mobileye, công ty hàng đầu về công nghệ định hướng cho xe không người lái, với giá 15,4 tỷ USD hồi đầu năm 2017.

Đức

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đức có sức hấp dẫn rất lớn, cả về sự đa dạng lẫn toàn diện ở châu Âu, đặc biệt là tại Berlin. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đức có sức hấp dẫn rất lớn, cả về sự đa dạng lẫn toàn diện ở châu Âu, đặc biệt là tại Berlin. Tất cả các nhà khởi nghiệp lẫn đầu tư trên thế giới đều có thể tìm thấy cơ hội cho mình tại đây. Môi trường năng động của Berlin cung cấp đầy đủ các điều kiện cần thiết giúp cung cấp cơ hội đào tạo, khả năng tiếp cận vốn và mở rộng quy mô cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Đức cũng là nơi có nhiều hơn một thung lũng Silicon. Các công ty khởi nghiệp có xu hướng tập trung xung quanh các trường đại học, nơi sản sinh ra các chuyên gia có trình độ cao và các nghiên cứu tập trung vào thực tiễn, đã tạo ra một môi trường tuyệt vời cho đổi mới sáng tạo. Thống kê cho thấy, Đức là quốc gia đứng đầu châu Âu về sáng tạo với 67.899 đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 2016. Kết hợp với cơ sở hạ tầng tiên tiến, trải rộng trên toàn lãnh thổ, nước Đức đã cho phép mọi ý tưởng kinh doanh tìm được nơi phù hợp để triển khai thuận tiện và dễ dàng.

 Doanh nghiệp tại Đức được bảo trợ bởi một môi trường kinh tế, chính trị rất ổn định. Hệ thống luật bản quyền, luật sáng chế và luật thương hiệu được thiết kế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất tốt. Chính sách kinh tế của Đức cũng tập trung vào việc bảo vệ các ý tưởng xuất sắc. Đơn cử là Luật Cạnh tranh, cho phép đảm bảo các đối thủ không được phép tung các thông tin sai sự thật về nhau để thu hút khách hàng. Đức không chỉ bảo vệ quyền tự do cạnh tranh, mà còn bảo vệ sự tự do của công dân. Người dân được bầu cử tự do và quyền lực được phân chia để tránh sự lạm dụng. Nhờ vậy, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, số lượng việc làm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MittelIstand) đã tăng khoảng 2,5 triệu người trong giai đoạn 2007 – 2011. Ngoài ra mạng lưới hỗ trợ doanh nhân cũng làm việc hết sức hiệu quả. Các công ty khi thành lập cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về thông tin, cách tiếp cận và xử lý hiệu quả nguồn vốn, cùng mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp lẫn các chương trình hỗ trợ từ chính phủ.

Đức cũng là một quốc gia cởi mở với vấn đề nhập cư. Tính riêng trong năm 2016, đã có hơn 1,5 triệu người nước ngoài chuyển đến Đức để làm việc. Sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ đã giúp các doanh nghiệp Đức dễ dàng tiếp cận và làm việc với các đối tác quốc tế, thu hút thêm nguồn lực để đầu tư phát triển đất nước. Các yếu tố trên thực sự đã góp phần tạo nên cả một quốc gia khởi nghiệp, nơi mọi ý tưởng sáng tạo đều được bảo vệ và được tạo những điều kiện tốt nhất để thành công. Đức có thể được coi là một trong những hình mẫu lý tưởng nhất khi cho phép tận dụng tối đa nguồn lực cả trong và ngoài nước nhằm phục vụ sự phát triển chung của đất nước.

Tựu chung lại, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp là quá trình xây dựng cơ chế chính sách lẫn cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Mục tiêu là đồng thời tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp năng nổ và tự duy trì được hoạt động đầu tư khởi nghiệp, qua đó tạo nền tảng nhằm thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chính các trường đại học là cái nôi nuôi dưỡng và đào tạo nguồn lực phục vụ cho các ý tưởng khởi nghiệp sơ khai, là điểm đến đầu tiên của các nhà đầu tư muốn tìm kiếm nhân lực và ý tưởng. Việc quan tâm định hướng và hỗ trợ nguồn nhân lực trẻ được thường xuyên tiếp cận và làm việc với các nhà đầu tư, chính là tiền đề đầu tiên để có được các ý tưởng đầu tư tốt, qua đó thu hút các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế.

Trung Quốc

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đối với Trung Quốc, mắt xích còn thiếu và yếu mà nước này hiện nay đang tìm cách khắc phục chính là công nghệ. Trước tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại và thiếu đi động lực phát triển, chính phủ Trung Quốc rất mong muốn thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp phục vụ tiêu dùng. Kể từ năm 2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có nhiều động thái thúc giục các chính quyền địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như nới lỏng quy định đăng ký kinh doanh và mở cửa tín dụng nhằm thu hút vốn. Nhiều vườn ươm khởi nghiệp đã được mở ra trên cả nước dựa trên cả nguồn vốn dồi dào của tư nhân lẫn chính phủ, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc bùng nổ. Các số liệu chỉ ra rằng nếu như trong năm 2014, chỉ có khoảng 14% các "startup kỳ lân" (startup đạt giá trị trên 1 tỷ USD) trên thế giới đặt trụ sở tại Trung Quốc, thì đến cuối năm 2017, con số này đã tăng lên 35%. Trong khi tại Mỹ, con số này đã giảm từ 61% xuống còn 41% trong năm 2017. Tính đến quý 2/2018, 47% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của thế giới đã đổ vào Trung Quốc, cao hơn con số 35% của Mỹ và Canada.

Tuy nhiên đến nay, bầu không khí sục sôi khởi nghiệp tại Trung Quốc đang có phần trầm lắng, trong bối cảnh Trung Quốc đang rơi vào cuộc chiến thương mại không hồi kết với Mỹ. Căng thẳng thương mại đã khiến các doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, phải giảm quy mô lẫn thu nhập lao động và làm eo hẹp cả dòng vốn đầu tư mạo hiểm tại quốc gia này. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi đa số các startups có tốc độ sử dụng vốn rất lớn nhằm trợ giá và gia tăng thị phần khách hàng, trong khi nguồn vốn không ổn định và nguồn thu không đáng kể.

 Hiện nay nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đang lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy, các công ty công nghệ phải thắt lưng buộc bụng do vốn đầu tư chậm giải ngân. Chưa kể đến việc nhiều công ty khởi nghiệp được định giá rất cao, hơn gấp 2 - 3 các công ty cùng lĩnh vực tại Mỹ, dẫn đến việc khó thu hồi vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm. Điều này xuất phát từ nguyên nhân các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc có rất nhiều tiền khi thành lập và họ cho rằng thị trường tỷ dân của Trung Quốc sẽ cho phép các công ty khởi nghiệp có doanh thu gấp nhiều lần các nơi khác. Bản thân thị trường chứng khoán ảm đạm cũng góp phần ảnh hưởng đến khả năng thoái lui của các doanh nghiệp khởi nghiệp, khi họ khó có thể bán cổ phần và theo đuổi các dự án khác.

Bên cạnh vấn đề từ thị trường và bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì căng thẳng thương mại còn làm quy trình xét duyệt nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp Trung Quốc khó tìm đường sang Mỹ, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ cao như AI, robot, xe tự lái. Điều này đã góp phần làm giảm khả năng có được công nghệ mới thông qua đầu tư của Trung Quốc.

Mỹ

Thung lũng Silicon là điển hình phát triển công nghệ không chỉ của Mỹ mà còn của cả thế giới. NAhr minh họa. Nguồn: Internet

Thung lũng Silicon là điển hình phát triển công nghệ không chỉ của Mỹ mà còn của cả thế giới. Bên cạnh hai trường đại học hàng đầu là Stanford và Berkeley nằm chính giữa thung lũng, Silicon cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu, của nhiều quỹ đầu tư lớn và là điểm đến trong mơ với rất nhiều doanh nhân và lao động có trình độ cao trên khắp nước Mỹ. Bang California đồng thời sở hữu một hệ thống luật pháp rất hiệu quả, với nhiều quy định bảo vệ lợi ích kinh doanh, bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nhỏ, rất dễ dàng để hiểu tại sao thung lũng Silicon là điểm đến lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp khi họ có rất nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vốn lẫn nhân lực chất lượng cao.

Tại Silicon, có hàng ngàn các nhà đầu tư thiên thần giàu có và các quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng dùng tiền đầu tư hơn là dùng để đóng thuế cho chính phủ. Mặc dù có rất nhiều dự án khởi nghiệp thất bại, song các nhà đầu tư luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao chỉ để đổi lấy một dự án thành công. Ngay cả khi một dự án bị hàng chục nhà đầu tư từ chối, vẫn còn có rất nhiều nhà đầu tư khác sẵn sàng tiếp xúc với doanh nghiệp trẻ. Điều này giúp tạo sự thoải mái cho các doanh nghiệp không bị quá nhiều áp lực mỗi khi đối diện với các nhà đầu tư mới. Đặc biệt hơn cả là đa phần các nhà đầu tư tại đây nắm rõ sự hiểu biết về công nghệ cũng như kinh nghiệm cùng đội ngũ nhân sự, cố vấn có chất lượng cao, khiến việc chọn đúng nhà đầu tư phù hợp có ảnh hưởng rất lớn đến thành công của các startups.

Lý do tiếp theo đằng sau sự thành công của thung lũng Silicon là khả năng hỗ trợ tuyệt vời cho doanh nghiệp trẻ hoạt động. Hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ và đồng bộ tại Silicon và San Francisco giúp triển khai mọi hoạt động kinh doanh, họp mặt tiện lợi với chi phí hấp dẫn đáng ngạc nghiên. Hệ sinh thái hiện đại và phức tạp cũng cho phép khu vực trở thành thị trường thử nghiệm hoàn hảo cho nhiều loại sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới. Bản thân người dân sinh sống trong khu vực đa phần có thu nhập cao và dễ thích nghi với các xu hướng công nghệ mới như xe tự lái, trí tuệ nhân tạo hay thậm chí là du hành vũ trụ. Họ chính là những khách hàng đầu tiên và quan trọng giúp các ý tưởng khởi nghiệp có môi trường phát triển.

Sự thành công của thung lũng Silicon hiện nay có đóng góp không nhỏ từ những công ty lớn khởi nghiệp thành công từ nhiều thập kỉ trước. Nhiều kỳ tích công nghệ như Microsoft, Apple, Facebook, v.v... sản sinh tại đây đã tạo nên nguồn cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp trẻ muốn noi theo hình mẫu thành công của các điển hình đi trước. Bản thân các doanh nhân thành công từ thung lũng Silicon cũng rất mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, quan hệ của mình tới các doanh nghiệp trẻ khi sẵn sàng tư vấn miễn phí và cấp vốn cho các ý tưởng mới. Họ cũng thấu hiểu rằng bản thân các ý tưởng không thực sự hấp dẫn mà thành công trong kinh doanh đòi hỏi phải có chiến lược và sự sàng lọc kĩ càng. Những yếu tố này đã góp phần tạo nên một cộng đồng khởi nghiệp tích cực và luôn thúc đẩy nhau nỗ lực vượt qua những thất bại liên tục trên bước đường thành công của các startups.

Một điểm thú vị khác của thung lũng Silicon là nơi đây tập trung vào nền tảng hơn là sản phẩm. Nếu như các lĩnh vực kinh doanh khác đều chú trọng vào hoàn thiện sản phẩm và cố gắng bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, thì đối với các nhà đầu tư mạo hiểm tại Silicon, yếu tố quan trọng hơn cả là lợi nhuận dài hạn.

Điều này dẫn đến việc ngày càng nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp tại đây thậm chí không hướng đến xây dựng các sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng. Một sản phẩm hàng hóa hữu hình thường có rất ít công năng và chỉ phục vụ được một nhóm khách hàng, trong khi một nền tảng tùy biến có thể mang lại tác dụng khác nhau cho người sử dụng khác nhau. Các công ty như Facebook hay Uber là những ví dụ điển hình cho việc tập trung xây dựng nền tảng của mình để phù hợp hơn với càng nhiều khách hàng trên thế giới.

Nhờ những yếu tố trên, thung lũng Silicon sẽ tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu khai sinh các doanh nhân vĩ đại và sáng giá của thế giới. Sự thành công của thung lũng Silicon chính là nhờ việc tạo lập thành công một môi trường khởi nghiệp có thể tự duy trì và phát triển bền vững.

Thụy Điển

Thụy Điển tuy nhỏ bé nhưng là nơi sản sinh ra rất nhiều điển hình khởi nghiệp thành công. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thụy Điển tuy nhỏ bé nhưng là nơi sản sinh ra rất nhiều điển hình khởi nghiệp thành công. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến là Spotify, Minecraft hay Candy Crush Saga. Thành công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp kỹ thuật số của Thụy Điển phải kể đến một nguyên nhân có phần hơi khó hiểu. Đó là thuế suất cao.

 Thuế suất cao giúp các doanh nghiệp công nghệ của Thụy Điển được hưởng lợi từ hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội mà ít phải chi trả thêm. Thụy Điển là nước có tốc độ truy cập Internet thuộc vào top 3 thế giới, chỉ sau Hàn Quốc và Na Uy. Có đến 95% dân số Thụy Điển sử dụng internet, so với mức chỉ 84% tại Mỹ. Quốc gia này cũng có hệ thống phúc lợi chăm sóc sức khỏe và giáo dục gần như miễn phí, cùng hệ thống an sinh xã hội tốt, giúp các doanh nhân yên tâm chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, nhiều quy định quản lý của nhà nước đã dần được gỡ bỏ nhờ một loạt cải cách thị trường từ những năm 1990. Các công ty tư nhân được phép tham gia vào nhiều lĩnh vực trước đây nhà nước độc quyền cung cấp như taxi, điện, viễn thông, đường sắt và hàng không. Nhà nước cũng rút lui khỏi các dịch vụ như chăm sóc người già, giáo dục mầm non, tiểu học và trung học. Nhờ đó, thuế suất bắt đầu giảm, đặc biệt thuế doanh nghiệp đã giảm từ 52% vào năm 1990 xuống còn 22%, thấp hơn đáng kể so với mức 38,9% hiện nay của Mỹ. Đặc biệt, đối với các công ty công nghệ lo lắng mức thuế thu nhập cao có thể khiến họ khó khăn trong việc tuyển mộ lao động chất lượng cao, chính phủ sẽ hỗ trợ bằng cách áp dụng mức thuế ưu đãi khi mua cổ phiếu doanh nghiệp, giúp công ty duy trì sức hấp dẫn trước các doanh nghiệp lâu đời.

Yếu tố cuối cùng giúp Thụy Điển thành thiên đường khởi nghiệp, đó chính là niềm tin. Văn hóa công sở của Thụy Điển cho phép tạo lập một niềm tin lớn giữa nhà tuyển dụng và nhân viên. Nhân viên được trao quyền tự chủ, sáng tạo nhiều hơn trong công việc và tự do hợp tác với các đồng nghiệp họ muốn. Niềm tin này cũng được thể hiện qua việc người dân có niềm tin rất lớn vào việc chính phủ thực sự sử dụng tiền thuế để chi tiêu phục vụ người dân. Chế độ thai sản và hậu thai sản của Thụy Điển rất hào phóng, giúp nhân viên cảm thấy yên tâm hơn trong công việc. Niềm tin cũng là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp lớn sẵn sàng cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp trẻ, càng tạo động lực cho các doanh nghiệp trẻ sinh ra.

Có thể thấy, sự thành công của Thụy Điển trong việc hỗ trợ khởi nghiệp là hệ quả của quá trình quản trị ngân sách nhà nước tốt, đã giúp xây dựng mạng lưới an sinh xã hội vững chắc giúp người dân yên tâm chấp nhận rủi ro và tự mở doanh nghiệp mới. Đây cũng là một hướng đi rất hiệu quả đối với các quốc gia có dân số thấp và có bộ máy chính phủ đơn giản, minh bạch.

TS. Nguyễn Trần Minh Trí