Kinh nghiệm quản lý cho vay ngang hàng tại một số nước

00:00 12/10/2020

Cho vay ngang hàng (P2P lending) hiện nay đang được Ngân hàng nhà nước xây dựng phương án thí điểm và dự kiến được đưa vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thế giới hiện cũng đang có những bước đi quản lý thí điểm mô hình này và cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau đây là một số kinh nghiệm quản lý tín dụng P2P trên thế giới.

Những vấn đề trọng yếu của mô hình cho vay ngang hàng

P2P Mô hình tín dụng P2P (Peer-toPeer lending) về bản chất là hoạt động cho vay tiền giữa các cá nhân thông qua một công ty thứ ba cung cấp nền tảng công nghệ để thực hiện giao dịch. Công ty này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận nhu cầu từ người đầu tư và người đi vay, đánh giá khách hàng và đưa ra mức lãi cho khoản vay tương ứng với độ rủi ro của người đi vay, thu hồi nợ, trả lãi cho nhà đầu tư và nhận hoa hồng. Ngoài ra, công ty P2P còn có trách nhiệm pháp lý cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của nhà đầu tư lẫn người đi vay trước pháp luật. Đây là mô hình xuất hiện lần đầu tại Anh Quốc từ năm 2005 và hiện ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới, với mức dư nợ được dự đoán có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Mô hình cho vay ngang hàng có nhiều lợi điểm so với mô hình cho vay truyền thống (thông qua ngân hàng, các quỹ tín dụng v.v…). Trong đó, đối với người đi vay, lợi điểm đáng kể nhất là mức lãi suất cao cùng thời gian gửi tiền thường ngắn hơn nhiều so với gửi tiết kiệm. Còn đối với người đi vay, mặc dù lãi suất phải trả thường cao hơn ngân hàng, song khoản vay thường dễ được đồng ý cấp vốn, thời gian vay tương đối linh hoạt, phí và hoa hồng phải trả cho công ty ít hơn so với ngân hàng nên rất phù hợp để vay ngắn hạn với số tiền vay thấp. Sự phát triển của mô hình cho vay ngang hàng đến nay trên thế giới và Việt Nam hiện nay, đã phản ánh phần nào nhu cầu của người dân đối với loại hình tín dụng này.

Bên cạnh những lợi thế về sự tiện lợi, lãi suất hấp dẫn và thời gian cũng như điều khoản cho vay linh hoạt, mô hình P2P lending cũng còn tồn tại nhiều rủi ro giống và khác với những mô hình cho vay truyền thống. Nổi bật trong số đó là hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý chính thức nên khi có tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và cho vay đều không được sự bảo vệ của pháp luật. Người đi vay gặp rủi ro về lãi suất, cách thức tính lãi, cùng các điều khoản cho vay mà nhiều khi phức tạp và họ không thực sự hiểu. Đối với người cho vay, khâu kiểm tra hồ sơ khách hàng hầu như không có quy trình cụ thể, tạo ra rủi ro mất tiền rất lớn nếu người đi vay không thể chi trả hoặc cố tình không trả. Đã có nhiều trường hợp, người đi vay bị công ty P2P dùng các biện pháp như dọa nạt, thuê xã hội đen để đòi nợ và ngược lại, người đầu tư khi bị mất tiền lại kéo đến công ty P2P để đòi tiền, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp cho kinh tế, xã hội. Ngoài ra, hoạt động cho vay ngang hàng cũng dễ bị lợi dụng để đánh cắp thông tin, trốn thuế, rửa tiền, biến tướng huy động đa cấp hay thậm chí là hoạt động tín dụng đen, cho vay vượt trần lãi suất.

Kinh nghiệm quản lý mô hình tín dụng p2p của một số nước

Anh

Là quốc gia khởi đầu của mô hình cho vay ngang hàng, Bộ luật quản lý hình thức cho vay ngang hàng tại Anh được Cơ quan Kiểm soát Tài chính (Financial Conduct Authority – FCA) ban hành lần đầu năm 2014 và từ đó đến nay, FCA đã luôn liên tục theo sát thị trường để có những thay đổi phù hợp. Mới đây, ngày 4/6/2019, FCA thông báo những thay đổi mới nhất về bộ quy tắc đối với nền tảng cho vay ngang hàng đã được thiết lập và sẽ có hiệu lực từ ngày 9/12/2019. Sự thay đổi lớn nhất xoay quanh các yếu tố nhằm bảo vệ nhà đầu tư, khi các nhà đầu tư chưa được tư vấn đầy đủ sẽ không thể sử dụng hơn 10% tài sản đầu tư của mình để đầu tư cho vay ngang hàng. Điều này phần nào đã gây tranh cãi với nhóm nhà đầu tư ưa mạo hiểm khi họ cho rằng con số trên quá thấp và thực tế đang có nhiều nhà đầu tư sử dụng tỷ lệ tài sản cao hơn nhiều cho hoạt động cho vay ngang hàng. Một phần gây tranh cãi khác là cũng từ ngày 9/12/2019, nhà đầu tư sẽ phải được đánh giá là phù hợp về kiến thức lẫn kinh nghiệm trước khi được phép tham gia đầu tư vào nền tảng cho vay P2P. Chưa kể đến việc các nhà đầu tư được đánh giá là thuộc nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp (sophisticated investors) cũng sẽ bị hạn chế tham gia mô hình này, càng khiến cho mô hình P2P lending khó tiếp cận được với những nhà đầu tư mới.

Ngoài ra, bộ quy tắc cũng đòi hỏi các công ty P2P phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định và trình bày rõ ràng cách thức quản trị, hệ thống và nền tàng quản lý mà mình có khi quảng cáo đến khách hàng. Bộ quy tắc mới cũng tập trung đặc biệt vào việc đánh giá rủi ro tín dụng, quản lý rủi ro và phương pháp định giá của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nền tảng có mô hình kinh doanh phức tạp. Hoạt động quảng bá cho mô hình cho vay ngang hàng cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm bảo vệ các nhà đầu tư mới và có ít kinh nghiệm. Các doanh nghiệp tham gia cho vay ngang hàng cũng được yêu cầu bắt buộc phải cung cấp cho khách hàng một lượng thông tin nhất định cho nhà đầu tư khi cung cấp sản phẩm. Cuối cùng, các doanh nghiệp tham gia P2P cũng phải có kế hoạch dự phòng khi rủi ro phá sản có thể xảy ra.

Bộ quy tắc trên được cập nhật trong bối cảnh Lendy, công ty tài chính theo mô hình P2P trong lĩnh vực bất động sản, lâm vào cảnh phá sản hồi cuối tháng 5 vừa qua. Lendy hoạt động theo hình thức cho phép các đơn vị bất động sản huy động tiền từ các nhà đầu tư cá nhân. Chỉ đưa đầy 12 tháng sau khi được FCA cấp phép, Lendy đã quản lý tổng số hơn 160 triệu Bảng dư nợ, trong đó có đến hơn 90 triệu Bảng là nợ xấu, kéo theo 20.000 nhà đầu tư cá nhân có nguy cơ mất trắng.

Có thể thấy, mặc dù các quy định mới của FCA có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của mô hình cho vay ngang hàng tại Anh, song đây là những quy định cần thiết góp phần bảo vệ nhà đầu tư và hỗ trợ thị trường P2P phát triển lành mạnh trong tương lai.

Mỹ

Tại Mỹ, mô hình cho vay không thông qua ngân hàng đã xuất hiện lần đầu hồi tháng 2/2006 với công ty đầu tiên ra đời là Prosper, theo sau là LendingClub. Đến nay, LendingClub đã trở thành nền tảng cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới. Trước năm 2008, các khoản vay P2P chịu khá ít quản lý và không bị liệt vào nhóm chứng khoán. Song vào năm 2008, Ủy ban Chứng khoán và sàn Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã tham gia quản lý mô hình này, theo đó liệt mô hình P2P vào nhóm phải tuân thủ Đạo luật Chứng khoán năm 1933. Các công ty P2P từ đây phải đạt tiêu chuẩn và được cấp phép bởi SEC để được hoạt động và tiếp nhận nhà đầu tư. Quy định về mô hình P2P của Mỹ hiện nay hầu như xuất phát từ việc điều chỉnh các quy định hiện hành để phù hợp với mô hình mới này. Ngoài ra các công ty mới cũng gặp nhiều rảo cản khi tham gia thị trường khi phải xin giấy phép từ chính phủ tiểu bang - vốn là một quy trình tốn kém và mất nhiều công sức. Sau khi đăng ký thành công, các công ty cũng sẽ phải liên tục báo cáo tình hình hoạt động. SEC cũng kiểm soát mô hình P2P theo hướng yêu cầu các khoản vay phải có sự tham gia của ngân hàng, người cho vay sẽ được cấp chứng chỉ đảm bảo nợ từ công ty P2P. Điều này cho phép quyền lợi của người đi vay được đảm bảo tốt hơn so với việc lệ thuộc vào người đi vay để đảm bảo khoản vay.

Mô hình cho vay ngang hàng đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng Mỹ, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi các tiêu chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng tăng lên, người đi vay đã tìm đến mô hình P2P với điều kiện cho vay đơn giản cũng như cạnh tranh hơn cả vay ngân hàng. Từ năm 2009 đến nay, mô hình P2P đã tiết kiệm trung bình từ 5 – 9% lãi suất cho người đi vay, chỉ tính riêng thông qua LendingClub và Prosper. Goldmand Sachs cũng dự đoán mô hình cho vay P2P sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Mỹ, làm giảm 7% lợi nhuận của ngành ngân hàng (tương đương khoảng 11 tỷ USD). Vì vậy vào năm 2016, Goldman Sachs đã trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên bước chân vào thị trường P2P. Điều đáng chú ý là hiện nay ở Mỹ mới chỉ các cá nhân tham gia vào mô hình P2P là chủ yếu, còn lại các doanh nghiệp còn ít tham gia mô hình này. Đây là không gian phát triển tiếp theo của mô hình cho vay ngang hàng tại Mỹ, là mục tiêu hỗ trợ cũng như giám sát của các nhà làm luật trong thời gian tới.

Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia chứng kiến sự phát triển của mô hình cho vay ngang hàng nhanh nhất thế giới. Tổng số nợ trong khu vực cho vay ngang hàng của Trung Quốc hiện đã đạt trên 200 tỷ USD. Đây là khu vực thiếu vắng sự kiểm soát và vì vậy tồn tại rất nhiều mô hình kinh doanh P2P nhằm phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các ngân hàng quốc doanh thường từ chối cho vay. Ngay từ năm 2016, đã có báo cáo cho rằng hơn 1/3 nền tảng cho vay P2P tại Trung Quốc có vấn đề mà phần lớn trong số chúng có dấu hiệu gian lận. Kể từ năm 2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm thúc đẩy phát triển nền tài chính trực tuyến lành mạnh. Trách nhiệm giám sát thị trường P2P đã được trao cho Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cùng với Cơ quản Quản lý Bảo hiểm PRC mà nay đã sát nhập để trở thành Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc. Theo đó vào tháng 8/2016, CBRC đã phát hành bộ quy tắc toàn diện mang tên “Các biện pháp tạm thời về Quản trị Hoạt động Kinh doanh của các đơn vị Cho vay Trực tuyến”. Bộ quy tắc nghiêm cấm việc thiết đặt lợi tức đảm bảo dành cho người cho vay, đặt giới hạn cho vay cá nhân tối đa 1 triệu Nhân Dân tệ và cho vay doanh nghiệp tối đa 5 triệu Nhân Dân tệ, cấm công ty P2P phát hành chứng khoán cho người cho vay và bắt buộc tiền của người đầu tư phải để trong tài khoản ngân hàng được giám sát. Cơ quan chính quyền địa phương được yêu cầu hoàn thành việc đánh giá và đăng ký các nền tảng P2P đủ điều kiện vào tháng 6/2018 và xây dựng chính sách quản lý mô hình cho vay ngang hàng riêng phù hợp với khu vực.

Lợi tức đảm bảo dành cho người cho vay trước đây đã giúp các công ty P2P tại Trung Quốc thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nhờ lợi nhuận cố định. Song điều này lại gây ra những rủi ro gây mất ổn định nghiêm trọng khi phần lớn lợi tức đảm bảo được chính từ chính tiền đầu tư của các nhà đầu tư mới. Mô hình Ponzi này thúc đẩy việc cho vay bất chấp rủi ro và gây nguy sơ sụp đổ ngay khi không thu hút được nhà đầu tư mới. Quy định chặt chẽ hơn đã giúp đóng cửa các nền tảng rủi ro và có ý đồ lừa đảo nhà đầu tư. Song do số lượng các nhà đầu tư lớn nên rủi ro hệ thống tại Trung Quốc hiện ở mức cao và tiềm tàng nguy cơ lớn cho xã hội. Việc bắt buộc để tiền của người đầu tư trong ngân hàng cũng góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho nhà đầu tư và tránh các trường hợp chiếm dụng vốn trong tương lai. Tuy nhiên, ngay sau tháng 6/2018, những vấn đề như quảng cáo thiếu minh bạch, người đi vay không được kiểm soát, kinh tế suy giảm dẫn đến khó đòi nợ hay thậm chí là lừa đảo bỏ trốn đã khiến bức tranh cho vay ngang hàng ở Trung Quốc để lại nhiều trái đắng cho nhà đầu tư. Bài học về cách tiếp cận và quản lý chặt chẽ từ phía chính phủ, cũng như tăng cường hiểu biết nơi người đầu tư và đi vay được rút ra rất rõ tại Trung Quốc.

Malaysia

Chứng khoán Malaysia (SC) ban hành vào năm 2016, đưa Malaysia trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên luật hóa mô hình tín dụng ngang hàng. Tuy nhiên, bên cạnh việc các công ty P2P phải được SC chấp thuận mới được hoạt động, thì mô hình này hiện mới chỉ được phép phục vụ đối tượng doanh nghiệp và không dành cho các cá nhân có mục đích tài chính cá nhân. Nguyên nhân phần nào có thể nằm ở thực tế hiện tỷ lệ nợ của các hộ gia đình tại Malaysia đang ở mức cao, lên đến 84,6% trên tổng thu nhập.

Về phía công ty cung cấp nền tảng P2P, họ có nghĩa vụ phải tuân thủ Đạo luật Companies Act 1965 với số vốn thanh toán tối thiểu là 5 triệu ringgit. Giám đốc của công ty phải chứng minh mình có năng lực và kiến thức phù hợp để vận hành doanh nghiệp. Ngoài ra công ty cũng phải xây dựng được một hệ thống chấm điểm rủi ro tín dụng minh bạch và hiệu quả. Công ty cũng phải chịu tránh nhiệm thẩm định người đi vay và có kế hoạch theo dõi, bảo đảm họ tuân thủ đúng các quy định của hợp đồng. Công việc này bao gồm kiểm tra lý lịch, xếp hạng tín dụng, tiết lộ thông tin liên quan cho nhà đầu tư, v.v… Cuối cùng, số tiền gửi của nhà đầu tư và người đi vay phải được gửi tại tài khoản ủy thác của bên thứ 3 trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.

SC không đặt giới hạn số tiền mà doanh nghiệp có thể huy động qua hình thứ cho vay ngang hàng. Song doanh nghiệp chỉ có thể được giải ngân khi huy động được trên 80% số vốn họ mong muốn. Mặc dù vậy, doanh nghiệp được phép huy động vốn trên nhiều nền tảng P2P cùng lúc. Về phía nhà đầu tư, SC khuyến khích số tiền đầu tư nên ở mức tối đa 50.000 ringgit để hạn chế rủi ro. Công ty P2P có trách nhiệm thông báo đầy đủ tất cả các loại phí, lệ phí và chi phí liên quan đến khoản vay cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng có quyền được biết mục đích huy động vốn, kế hoạch kinh doanh hay lịch sử tín dụng, v.v… của bên huy động vốn.

Singapore

Ngân hàng Trung ương Singapore (Monetary Authority of Singapore – MAS) là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo lợi thế cạnh tranh và năng động của ngành tài chính Singapore, đã đưa ra một loạt các yêu cầu đối với các bên tham gia mô hình tài chính ngang hàng P2P. Cụ thể, đối với các công ty cung cấp nền tảng P2P, họ phải được kiểm định và cấp giấy phép Dịch vụ Thị trường Vốn (Capital Markets Services – CMS) từ MAS trước khi có quyền hoạt động. Công ty cũng không được tự quản lý tiền của nhà đầu tư mà phải gửi một đơn vị ký quỹ độc lập để đề phòng trường hợp chính công ty cung cấp P2P gặp phải vấn đề tài chính.

 Đối với người đi vay, số tiền vay phải đạt tối thiểu 100.000 USD và người vay phải viết giấy xác nhận nợ (Promissory Note Exclusion) cho nhà đầu tư, làm căn cứ pháp lý việc người vay hứa sẽ trả nợ cho nhà đầu tư vào một ngày cụ thể trong tương lai. Công ty cung cấp dịch vụ P2P cũng phải đảm bảo rằng người đi vay nắm rõ quy định này.

Thông qua kinh nghiệm quản lý mô hình cho vay ngang hàng của một số quốc gia trên thế giới, ta có thể thấy sự quản lý của nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường này. Bên cạnh đó, sự tham gia của hệ thống tài chính truyền thống cùng phương pháp tiếp cận thận trọng, thắt chặt ban đầu có thể khiến tốc độ phát triển của thị trường cho vay ngang hàng chậm lại song là cần thiết để người dân lẫn các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ làm quen và định hướng phát triển mô hình này phù hợp với Việt Nam.

Ths. Nguyễn Trần Minh Trí