Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ của các nước trên thế giới

00:00 12/10/2020

Nông nghiệp hữu cơ (Organic agriculture) là lĩnh vực canh tác nông nghiệp yêu cầu sự đầu tư lâu dài và bài bản. Trên thế giới, tổng cộng 69,8 triệu ha được quản lý hữu cơ vào cuối năm 2017, trong đó Úc có diện tích nông nghiệp hữu cơ lớn nhất (35,6 triệu ha), tiếp theo là Argentina (3,4 triệu ha) và Trung Quốc (3 triệu ha). Châu Âu cũng đang cho thấy một xu hướng tích cực với 14,6 triệu ha đất hiện đang được dành riêng cho sản xuất hữu cơ. Sau đây là một số kinh nghiệm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ của một số nước trên thế giới.

Con đường không dễ dàng 

 

Nông sản hữu cơ đã nhanh chóng chiếm được sự quan tâm cùng nhu cầu ngày càng cao của người dân

Với ưu điểm là sản phẩm an toàn, có quy trình canh tác bền vững và thân thiện với môi trường, nông sản hữu cơ đã nhanh chóng chiếm được sự quan tâm cùng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Song khó khăn cản trở sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng hiện nay nằm ở cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Do có sự khác biệt cả về cách làm lẫn thiết bị sản xuất nên sản lượng nông sản hữu cơ hiện nay không cao, làm cho giá thành nông sản hữu cơ thường cao hơn 2- 3 lần so với sản phẩm cùng loại. Đầu tư nông nghiệp hữu cơ cũng đòi hỏi vốn và diện tích canh tác lớn, thời gian hoàn vốn lâu mà thị trường tiêu thụ lại không ổn định nên người sản xuất rất dễ nản chí.

Về phía người tiêu dùng, mặc dù rất muốn sử dụng sản phẩm sạch, song thông tin, tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm hữu cơ hiện nay chưa phổ biến. Người dân còn thiếu hiểu biết lẫn ngộ nhận về sản phẩm hữu cơ nên dễ lạc trong một rừng các các sản phẩm trà trộn hay tự phong là sản phẩm hữu cơ. Điều này càng khiến người sản xuất khó có được thị trường bền vững.

Như vậy, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, có bốn vấn đề chính cần quan tâm giải quyết. Thứ nhất là chứng nhận chất lượng, thứ hai là phát triển thị trường, thứ ba là  hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, đào tạo nhân lực, và thứ tư có cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả. Về phía chính sách, vào tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức cho ban hành nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Theo đó Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính phủ cũng hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ của một số nước:

Pháp

 

Thị trường nông sản hữu cơ tại Pháp đang có mức tăng mạnh

Chính phủ Pháp đã đưa vào triển khai chương trình Tham vọng hữu cơ 2022 (Organic Ambition 2022), theo đó đặt mục tiêu sản lượng sản phẩm hữu cơ chiếm 15% tổng sản xuất nông sản vào năm 2022 và chiếm 20% đầu vào phục vụ trong các tổ chức (như căng tin trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, viện dưỡng lão, v.v.). Ba công cụ tài chính hỗ trợ mục tiêu này bao gồm: Tăng ngân sách hỗ trợ người nông dân để chuyển đổi sang sản xuất nông sản hữu cơ, từ 0,7 tỷ Euro lên 1,1 tỷ Euro cho giai đoạn 2018 – 2022. Tăng gấp đôi quỹ “hữu cơ cho tương lai” từ 4 lên 8 triệu Euro mỗi năm, được điều phối bởi Cơ quan Hữu cơ (Organic Agency) có trách nhiệm thúc đẩy sản xuất nông sản hữu cơ. Cuối cùng là mở rộng ưu đãi tín thuế hữu cơ, từ 2.500 lên 3.500 Euro.

Đặc biệt, các mô hình như liên minh hợp tác nông nghiệp AXEREAL đã tham gia cùng người nông dân sản xuất các sản phẩm nông sản sạch. Trước mỗi mùa thu hoạch, liên minh hợp tác xã sẽ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nên người nông dân yên tâm sản xuất. Điều này đã giúp người nông dân ổn định cuộc sống và có thu nhập tốt hơn. Cũng chính nhờ sự ổn định giá mà  thị trường nông sản hữu cơ tại Pháp đang có mức tăng mạnh. Hơn ¼ người dân Pháp bày tỏ sự quan tâm và muốn duy trì sự có mặt của các sản phẩm nông sản hữu cơ. Tính đến tháng 6/2019, số lượng trang trại hữu cơ của Pháp đã tăng 13% lên 41.600, tương đương 9,5% số lượng trang trại trong nước. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng được mở rộng 17% lên 2 triệu ha, chiếm 7,5% tổng diện tích đất nước nông nghiệp. Doanh số bán thực phẩm hữu cơ đã tăng 15,7% trong năm ngoái lên 9,7 tỷ euro (10,9 tỷ USD), tương đương 5% chi tiêu thực phẩm chung của các hộ gia đình Pháp. Hiện nay, Pháp là thị trường thực phẩm hữu cơ lớn thứ hai của EU, sau Đức, đạt doanh số 10,9 tỷ Euro.

Australia

 Nhu cầu của người dân Australia đối với các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng mạnh

Tại Australia, hai tổ chức chịu trách nhiệm đại diện cho lợi ích của ngành sản xuất hữu cơ là Liên đoàn hữu cơ Australia (The Organic Federation  of Australia ) và Hiệp hội thương nhân hữu cơ Australia (Australian Organic Traders Association). Ngay trong tháng này, Australia cũng đang thúc đẩy chiến dịch Tháng nâng cao nhận thức về sản phẩm hữu cơ – Australian Organic Awareness Month (AOAM) – đến với công chúng. Đây là hoạt động được tổ chức vào mùa xuân hằng năm bởi cơ quan chuyên trách về sản xuất hữu cơ- Australian Organic – nhằm truyền tải tầm quan trọng của các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Các sản phẩm hữu cơ như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống, v.v... sẽ được liên tục cập nhật và phổ biến chất lượng đến người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ từ phía dân chúng.

Trong năm 2018, nhu cầu của người dân Australia đối với các sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh với doanh số đạt 1,98 tỷ USD tại thị trường nội địa. Có 65% người dân Australia cho biết đang sử dụng ít nhất một sản phẩm hữu cơ. Tổng giá trị ngành sản xuất hữu cơ của Australia đến nay ước đạt 2,6 tỷ USD và vẫn đang tăng trưởng hằng năm. Yếu tố quan trọng nhất mà người tiêu dùng Australia quan tâm khi chọn mua sản phẩm là nhìn thấy được logo nhận diện sản phẩm hữu cơ có uy tín - Australian Organics Bud logo. Các sản phẩm và quy trình hữu cơ được chứng nhận luôn được thanh kiểm tra hàng năm để đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt này được đảm bảo.

Đức

Ngay từ cuối những năm 1970, tại Đức đã có những cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm hữu cơ mặc dù khi đó chưa có những quy định cụ thể về khung pháp  lý cho ngành này. Năm 2002, kế hoạch canh tác hữu cơ liên bang đã được khởi động và cùng năm đó, Liên đoàn Công nghiệp Thực phẩm hữu cơ Đức (BOLW) cũng được ra đời. Năm 2010, nhãn hiệu hữu cơ xác nhận sản phẩm đạt chuẩn được giới thiệu đến công chúng. Để đạt được chứng chỉ nông sản hữu cơ, nhà sản xuất tại Đức phải đảm bảo không sử dụng bất kỳ loại phân bón nào trong 3 năm gần nhất.

Đặc biệt, sau sự cố trứng gà nhiễm độc năm 2014 và 2017, người dân Đức lại càng có sự quan tâm lớn đến các sản phẩm nông sản sạch. Năm 2017, thị trường nông sản hữu cơ của Đức đạt 10 tỷ Euro, chiếm gần một phần ba thị trường châu Âu khi đó (37,3 tỷ Euro) và lớn nhất khối EU với tổng giá trị thị trường đạt 34,3 tỷ Euro. Thị trường nông sản hữu cơ lớn nhất thế giới là Mỹ (40 tỷ Euro).

Trong khuôn khổ chính sách nông nghiệp của EU, “trụ cột đầu tiên” giúp nông dân Đức là khoản thanh toán trực tiếp giúp ổn định thu nhập và bù đắp rủi ro. Diện tích đất canh tác càng lớn, người nông dân có thể nhận được thanh toán trực tiếp càng cao và ngược lại. Trong giai đoạn 2014 đến 2020, Đức sẽ nhận khoảng 4,8 tỷ Euro từ EU thông qua trụ cột này. “Trụ cột thứ hai” là quỹ đặc biệt để tài trợ cho các chương trình thúc đẩy phương pháp canh tác bền vững, thân thiện với  môi trường và phát triển nông thôn. Theo đó nước Đức nhận khoảng 1,4 tỷ Euro mỗi năm từ EU qua trụ cột này. Đến năm 2030, Chính phủ Đức hướng đến nâng tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp phục vụ sản xuất hữu cơ từ mức 9% hiện nay lên 20%,

Đan Mạch

 

Đan Mạch là quốc gia có thị trường nông sản hữu cơ chiếm tỷ lệ cao nhất trên giới

Kể từ khi Kế hoạch hành động hữu cơ Đan Mạch được thông qua vào năm 2011, diện tích canh tác hữu cơ của nước này đã tăng hơn 57% và doanh số bán các sản phẩm hữu cơ đã tăng lên gấp đôi. Hiện nay, Đan Mạch là quốc gia có thị trường nông sản hữu cơ chiếm tỷ lệ cao nhất trên giới và là quốc gia đầu tiên có thị phần sản phẩm nông sản hữu cơ đạt 13,3%. Đặc biệt, riêng sản phẩm trứng hữu cơ đạt khoảng 30% giá trị của tất cả trứng được bán ở một số quốc gia.

Chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ của Đan Mạch đã góp công quan trọng trong thành công của nước này. Đan Mạch cũng là nước đầu tiên trên thế giới thiết lập các quy tắc cho canh tác hữu cơ, logo quốc gia và hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong năm 2018 và 2019, chính phủ Đan Mạch có kế hoạch chi 147 triệu Euro để hỗ trợ sản xuất hữu cơ và giúp nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Đến nay, có đến 98% người dân Đan Mạch nhận diện được logo hữu cơ quốc gia, gần 80% người dân sử dụng các sản phẩm nông sản hữu cơ và hơn một nửa dân số sử dụng thực phẩm hữu cơ mỗi ngày. Các nhà chính trị Đan Mạch cũng đang thúc đẩy hỗ trợ tài chính để đưa nông sản hữu cơ vào bếp ăn công cộng. Copenhagen là thủ đô có tỷ lệ các bếp ăn công cộng sử dụng thực phẩm hữu cơ cao nhất thế giới, đạt gần 90%.

Sự phát triển của sản xuất và thị trường nông sản hữu cơ của Đan Mạch đã lan sang cả các quốc gia khác. Chỉ trong 5 năm qua, xuất khẩu nông sản hữu cơ từ Đan Mạch sang Thụy Điển đã tăng lên gấp đôi. Sự gia tăng nhận thức về phát triển bền vững và thay đổi khí hậu cũng góp phần đưa thị trường nông sản hữu cơ Na Uy tăng 8% và Phần Lan tăng 9% trong năm 2018.

Áo

 Áo là quốc gia có tỷ lệ trang trại hữu cơ cao nhất ở EU

Áo là quốc gia có tỷ lệ trang trại hữu cơ cao nhất ở EU. Các trang trại tại Áo được  nhận một loạt các cơ chế hỗ trợ dành cho việc sản xuất hàng hóa công như đất, nước, khí  hậu, đa dạng sinh học và bảo vệ động vật. Đặc biệt, mô hình trang trại gia đình theo hướng hữu cơ rất được quan tâm và thúc đẩy. Chủ  thể chính hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ là Chương trình môi trường nông nghiệp của Áo (Austrian Agri-environmental Programme – ÖPUL). Một phần năm ngân sách của ÖPUL là dành cho việc hỗ trợ chuyển đổi và duy trì canh tác hữu cơ. Ngoài ra, các trang trại hữu cơ cũng được trợ cấp và thanh toán trực tiếp  từ các trụ cột thứ nhất và thứ hai như tại Đức nhằm có được lợi nhuận và duy trì sản xuất.

Chỉ tính riêng năm 2011, Chính phủ Áo chi 168 triệu Euro để hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản hữu cơ. Điều này cũng nằm trong Kế hoạch hành động phát triển canh tác hữu cơ của Chính phủ. Kế hoạch này nhằm cải thiện các chiến lược tiếp thị hữu cơ và phổ biến thông tin đến công chúng nhằm tăng thêm thị phần của các sản phẩm hữu cơ. Trong năm 2014, nhờ ÖPUL mà các trang trại hữu cơ (chiếm 17% tổng số trang trại và 20% diện tích đất nông nghiệp) đã nhận được nhiều hơn gần gấp đôi các khoản hỗ trợ mà các trang trại truyền thống nhận được, giúp tăng sự hấp dẫn của mô hình canh tác hữu cơ ở Áo.

ThS. Nguyễn Trần Minh Trí