Không có best seller - Đừng mơ xuất khẩu sách

00:00 12/10/2020

Xuất khẩu văn hóa là câu chuyện được nhiều quốc gia quan tâm, bởi nó là con đường ngắn nhất để công chúng nước ngoài biết về các giá trị văn hóa của một quốc gia. Đây cũng là tiền đề dẫn đến trao đổi, hợp tác kinh tế, du lịch. Trong văn hóa có nhiều lĩnh vực. Nếu như phim ảnh hay kịch nghệ, với đặc thù thể loại của nó, việc xuất khẩu ra nước ngoài có nhiều lợi thế hơn, thì xuất khẩu sách lại là câu chuyện đang còn nhiều bế tắc. Những năm qua, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng “nhập siêu sách”. Sách nước ngoài vào thị trường của ta quá nhiều trong khi xuất khẩu sách Việt ra thế giới đang được ví như một miếng bánh, bé mọn đến mức không thể bé hơn.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Trống vắng thị trường xuất khẩu

Hơn 41 triệu bản sách được nhập khẩu vào Việt Nam trong năm ngoái là con số được các nhà quản lý ngành xuất bản đưa ra. Tuy nhiên, số lượng sách Việt được xuất bản ra thế giới chỉ vỏn vẹn có 400 nghìn bản. Con số này cho thấy, thị trường xuất khẩu sách của ta còn đang rất thưa vắng. Trong khi các Nhà xuất bản vô cùng bận rộn trong việc đưa sách của các nước vào thị trường nội địa, thì thị trường nội địa tỏ ra chẳng có mấy năng lực cho việc chuyển sách Việt ra quốc tế. Sách Việt đến với bạn đọc năm châu ít ỏi, đồng nghĩa với việc các cánh cửa của hiểu biết, giao lưu quốc tế về Việt Nam không được mở ra. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho văn hóa.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, các xuất bản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu hiện nay chủ yếu là sang các nước Anh, Mỹ, Pháp, Úc. Ở châu Á, sách Việt cũng chỉ đến được vài nước lân cận với số lượng cực kỳ khiêm tốn. Nói chung, khu vực châu Phi, châu Mỹ, châu Á hầu như đang vắng bóng các xuất bản phẩm đến từ Việt Nam. Cựu Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản Asean từng phát biểu trong một hội nghị của ngành xuất bản, rằng dù sống ở Indonesia rất gần Việt Nam nhưng trước khi đến Việt Nam, bà không kiếm được bất cứ một cuốn sách nào nói về Việt Nam ở đất nước của bà. Bà đã đến các thư viện lớn ở Indonesia mà không thể tìm được 1 cuốn sách nào do tác giả là người Việt viết. Vấn đề thưa vắng xuất bản phẩm Việt trên thị trường thế giới, cho thấy, khi bất kỳ ai có nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam, họ không có cơ hội. Đành rằng trong thế giới công nghệ hôm nay, người ta có thể tìm kiếm thông tin về bất cứ quốc gia nào trên mạng internet. Nhưng mạng internet được ví như một cái chợ, hổ lốn những kiến thức thật giả. Sẽ là khó khi người ta bắt đầu tìm hiểu thông tin về một vùng đất mới, họ sẽ không biết phải chọn lọc thông tin thế nào cho chính xác. Những cuốn sách được dịch ra đúng ngôn ngữ của người cần tiếp cận, với xuất xứ từ tác giả uy tín, nhà xuất bản có uy tín của Việt Nam sẽ là căn cứ tin cậy, xác đáng cho độc giả quốc tế. Thêm một người tiếp cận với sách Việt, cũng có nghĩa là văn hóa Việt thêm một lần được giới thiệu, được quảng bá.

Xuất khẩu sách Việt còn thiếu, còn yếu do đâu?

Văn hóa vốn khó khăn hơn các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, bởi kiến thức, giá trị của nó không “lượng hóa” ra một con số cụ thể để thống kê dễ dàng. Văn hóa là những giá trị, và nó cần sự đảm bảo bởi những người uyên thâm, giỏi giang nhất. Con đường ra thế giới của văn hóa cũng không giống với con đường của một sản phẩm mang tính chất tiêu dùng thông thường khác như may mặc, da giày, thực phẩm...

Cụ thể, đưa một cuốn sách ra thế giới không có nghĩa là ta bán luôn cuốn sách vừa nói ra thế giới. Ta phải tìm đến thị trường mà ta định bán, tìm hiểu xem nhu cầu của họ đối với sản phẩm. Nếu thị trường cần, thì cũng còn một tá công việc để cuốn sách thực sự đến đích. Trong đó, quan trọng bậc nhất là khâu dịch thuật. Chúng ta hiện quá yếu khâu dịch thuật. Số lượng các tác giả, dịch giả đủ tiêu chuẩn dịch thuật quốc tế ở ta còn hiếm hoi. Trong nhiều năm liền, chúng ta không chú ý đầu tư vào khâu này, vì không có một chiến lược lâu dài cho công tác xuất bản sách. Sách không được đánh giá đúng vai trò của nó trong ngoại giao văn hóa, quảng bá văn hóa. Thành ra, người giỏi ngoại ngữ thì có nhiều, nhưng những người giỏi ngoại ngữ để đi theo con đường dịch thuật chuyên nghiệp phục vụ cho ngành công nghiệp xuất khẩu sách lại quá ít. Thảng hoặc có người đến với lĩnh vực này bằng đam mê, thì ngành xuất bản cũng không giữ họ ở lại lâu dài được. Bởi các chế độ đãi ngộ dành cho người dịch không tương xứng.

Một dịch giả mất rất nhiều thời gian, chất xám để dịch một cuốn sách, nhưng nhuận bút không đủ để nuôi sống họ. Và họ chọn để đi con đường khác vừa nhàn hơn, vừa nhanh tiền bạc hơn, lại thoải mái hơn với vốn liếng ngoại ngữ của mình.

Không có sách best seller

Khi các xuất bản phẩm (ở đây được hiểu là sách) được xem như những sản phẩm hàng hóa có mong muốn được đến với thị trường quốc tế, thì điều đầu tiên phải nhắc đến đó là chất lượng. Tuy nhiên, làm thế nào để đo chất lượng một cuốn sách. Có nhiều cuốn sách được bạn đọc trong nước khen hay, người làm xuất bản thấy thích, nhưng khi mang ra giới thiệu với các đơn vị phát hành sách quốc tế, người ta không đầu tư để đưa vào thị trường nước họ. Bởi lẽ, khi kinh doanh một ấn phẩm xuất bản, người ta không thể nào chỉ tin vào một chữ hay mà phía bán hàng giới thiệu. Người ta phải dựa trên nhiều căn cứ, dù nó thuần túy là thị trường, và cũng chưa hẳn đã đúng nếu đem so với nhận định của các nhà phê bình hay bạn đọc trong nước.

Giới kinh doanh sách thường ám ảnh cụm từ best seller. Nghĩa là những cuốn sách có số lượng phát hành lớn. Khi một cuốn sách có số lượng hát hành lớn, chúng lập tức thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, là các đơn vị làm công tác xuất bản, kinh doanh sách.

Nhìn từ câu chuyện nhập khẩu sách, nhiều năm qua chúng ta đã thấy, hầu như các cuốn sách best seller ở mọi lĩnh vực tại thị trường các nước, gây tiếng vang vượt ra khỏi biên giới quốc gia, đều được các đơn vị làm sách trong nước mua bản quyền chuyển ngữ, phát hành đến tay độc giả Việt. Best seller là bảo bối cho một cuốn sách, để nó dễ dàng được cấp visa đi vào mọi lãnh thổ.

Khi người ta chưa tiếp cận được nội dung cuốn sách một cách cụ thể, rõ ràng, thì số lượng bản in bán được trên thị trường ở nơi cuốn sách bắt đầu là một gợi mở rất lớn, một cú hích dẫn đến việc các đơn vị xuất bản, phát hành nước ngoài muốn mua bản quyền cuốn sách đó hay không. Không phải là tuyệt đối, nhưng công thức cho việc nhập khẩu một cuốn sách không thể thiếu yếu tố bán chạy. Ở nhiều nước trên thế giới, nhãn dán “best seller” là một chuẩn mực về số lượng tiêu thụ được đo lường bởi một hệ thống tổ chức, đánh giá và kết nối chặt chẽ trực thuộc một cơ quan uy tín về văn hóa đọc. Giống như trong điện ảnh hay âm nhạc, số lượng người xem người nghe đối với sản phẩm nghệ thuật đó ở thị trường nội địa rất quan trọng. Người nước ngoài không dễ dàng bỏ tiền đầu tư, “rinh” sản phẩm nghệ thuật đó về nước họ để phát hành, nếu họ không có cơ sở để tin rằng nó sẽ thu hút công chúng, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Nhìn vào thị trường sách Việt Nam thời gian qua, đốt đuốc tìm đỏ mắt mới được một vài cuốn tạm gọi là best seller. Những cuốn sách có khả năng tạo nên cơn sốt trong độc giả, với số lượng bản bán ra lớn còn quá hiếm hoi. Trong lĩnh vực văn học, chưa có ai kế cận, có khả năng soán ngôi Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm của nhà văn này luôn đứng đầu cả nước về số lượng bản in. Sách của ông cũng đã có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài, được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng. Một tác giả khác là Mai Văn Phấn có sách lọt vào top bán chạy trên trang bán sách trực tuyến nổi tiếng thế giới Amazon là tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra còn có vài ba tác giả trẻ, với cách nói khác, lối viết khác, có thu hút độc giả trên mạng internet, nhưng sách in ra, gọi là bán chạy nhất cũng chừng 5 đến 10 ngàn bản. Còn lại, sách văn học in ra chỉ trung thành con số 1000 bản cho mỗi đầu sách. Đây là một con số tối thiểu, ít ỏi thảm hại, nhất là khi ta so sánh với con số gần 90 triệu người dân.

90 triệu dân mà mỗi cuốn sách in ra tiêu thụ chỉ dưới 1000 bản. Rõ ràng đây là một sự hài hước, vô lý cần phải được tìm hiểu, đánh giá kỹ càng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận sách cho độc giả trong chính thị trường nội địa. Giả sử muốn tiếp thị một cuốn sách được đánh giá là hay thực sự bởi giới chuyên môn trong nước, với một đơn vị phát hành quốc tế, người ta sẽ hỏi câu hỏi đầu tiên, sách có bán chạy ở trong nước không, và phát hành bao nhiêu, thì con số 1000 kia dễ làm nản lòng nhà đầu tư. Và giấc mơ “xuất siêu” sách có thể sẽ còn xa tầm với của người Việt nhiều năm sau nữa.

Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Câu trả lời vội vàng sẽ là phải có sách best seller. Vâng, không hẳn đúng hoàn toàn, nhưng cũng không có chút gì sai khi ta nói, cần phải có nhiều cuốn sách best seller trên thị trường trong nước hơn. Có thể ai đó sẽ nói, sách bán được nhiều hay ít là nhu cầu tự nhiên của người đọc, làm sao anh nói muốn best seller là được. Xin thưa, có nhiều phương pháp để cải thiện doanh số bán sách, chỉ là chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn mà thôi. Việc PR một cuốn sách có nội dung hay chưa thực sự được chú ý trong các khâu, từ bản thảo đến in ấn, phát hành. Ở các nước phát triển, người ta có cả công thức để tạo ra một cuốn sách ăn khách. Người làm xuất bản là những người cực kỳ thính nhạy trong việc nắm bắt tâm lý độc giả. Chỉ cần tiếp cận một bản thảo có khả năng ăn khách, người ta sẽ dùng mọi biện pháp hỗ trợ, từ truyền thông, PR để thông tin về cuốn sách đến được với rộng rãi công chúng nhất có thể. Cách truyền thông cho một cuốn sách thông minh là làm sao kích được vào tâm lý người đọc, để họ sẵn sàng rút ví sở hữu một cuốn đó. Nhiều đơn vị làm sách của ta đã nhận thức vai trò quan trọng của PR sách, và cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để kích thích nhu cầu mua sách của độc giả. Nhưng chi phí và tính chuyên nghiệp cho công tác này còn hạn chế, nên hiệu quả chưa rõ rệt. Tất nhiên, cũng phải nói lại rằng, đôi khi có những cuốn sách best seller không phải cuốn sách hay nhất. Cuốn sách đó có thể đơn thuần đánh trúng tâm lý bạn đọc trong một thời điểm nào đó. Nhưng xét trên bình diện thương mại, số lượng bản in tiêu thụ vẫn luôn là một yếu tố đảm bảo cho việc xuất khẩu cuốn sách đó. Chúng ta chỉ có thể tăng cơ hội cho sách ra thế giới bằng cách tăng số lượng bản tiêu thụ trong nước. Nghĩa là cần đến sự ủng hộ mạnh mẽ của độc giả nội địa. Nghĩa là người viết sách cũng như người kinh doanh sách đã đến lúc cần gạt bỏ tư duy viết xong là xong, xuất bản xong là hết việc. Họ còn phải tham gia nhiệt tình vào quá trình giới thiệu, quảng bá sách đến với đông đảo người đọc, để tăng lượng bản sách bán được cho độc giả, vừa để có thêm lợi nhuận, vừa là tăng khả năng mang sách ra quốc tế.

Vũ Quỳnh Trang