Khởi động 'đường đua' EVFTA

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã sẵn sàng lăn bánh những lô hàng đầu tiên sang thị trường EU với thuế suất 0%. Đặc biệt với tâm thế tham gia EVFTA là bắt đầu một "cuộc đua" chứ không phải "bữa tiệc".

Là một trong những doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu (XK) gạo chất lượng cao sang thị trường EU, kinh nghiệm và cách làm đã có, vì vậy công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An không lạ lẫm với câu hỏi làm thế nào để XK sang EU.

Thương hiệu Việt tăng giá trị nhờ EVFTA

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, DN này đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu (XK) lô gạo đầu tiên sang EU với thuế suất ưu đãi bằng 0%. Trước kia, phải chịu thuế suất cao mà gạo Việt vẫn bán được ở thị trường này, giờ chẳng có lý do nào cản đường DN Việt Nam. Dự báo, XK gạo Việt Nam sang EU sẽ tăng trong thời gian tới.

XK-det-may-9357-1596440605.png

Nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, DN dệt may không được hưởng ưu đãi thuế quan (Ảnh: TL)

Ông Bình hồ hởi cho biết, gạo của DN này đã được XK sang EU dưới tên của công ty Trung An thay vì phải gắn tên của DN nước ngoài như lâu nay. "Trung An đàm phán với các đối tác nước ngoài để nguyên bao bì của chúng tôi, cuối cùng người ta chấp nhận vì gạo của mình tốt. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vị thế gạo Việt Nam ở thị trường EU được tăng lên nhờ EVFTA", ông nói.

Ông nhấn mạnh, EVFTA đã có hiệu lực, cơ hội cho gạo Việt Nam là rất lớn, ngoài vấn đề được hưởng thuế suất bằng 0%, chúng ta còn phải tập trung xây dựng đẳng cấp gạo Việt. Nhiều thị trường cao cấp sẽ nhìn gạo Việt với con mắt khác. Ý nghĩa hưởng lợi thuế là một phần nhưng phần quan trọng hơn đó là xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Tuy nhiên, đại diện Trung An cho rằng, để tiếp cận được thị trường EU. Các DN XK gạo Việt Nam cần phải xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải sạch, chất lượng cao. Điều đó, đòi hỏi DN phải có một số vốn lớn để mua lúa của nông dân. Nếu không xây dựng vùng nguyên liệu, không có hàng XK vào EU, gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì người ta không mua.

Trong khi đó, ông Trần Việt Cường, Tổng giám đốc công ty sản xuất và phân phối Ca cao Đồng Nai nhìn nhận, thuận lợi lớn nhất mà EVFTA đem tới là tốc độ của việc giảm thuế quan rất nhanh. Những cơ hội kinh doanh đang mở ra với điều kiện là mỗi DN phải biết nắm bắt, triển khai nhanh tận dụng đẩy mạnh XK.

Hiện, công ty Ca cao Đồng Nai đang xây dựng một kế hoạch nhanh chóng đẩy mạnh XK sang thị trường EU. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất hiện nay là vấn đề truy xuất nguồn gốc.

"Lâu nay, Việt Nam có lợi thế trồng, phát triển cây ca cao. Ca cao Việt Nam ngon nhất thế giới nhưng tại sao không phát triển được vì thiếu sự chuyên canh vùng trồng, hỗ trợ của Nhà nước về quy hoạch vùng trồng. Nếu chúng ta đi từ gốc, giải quyết được những vấn đề trên, nông sản Việt chắc chắn không thua bất kỳ nước nào", ông Cường nói.

Dệt may cũng là một trong những ngành được đánh giá hưởng lợi lớn nhất khi EVFTA chính thức có hiệu lực, tuy nhiên dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng ở thị trường EU sụt giảm. Dẫn tới, nhiều DN dệt may chưa thể tận dụng ngay được cơ hội giảm thuế quan.

Vẫn là rào cản quy tắc xuất xứ

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, bày tỏ lo ngại về quy tắc xuất xứ - vấn đề luôn là "điểm yếu" của các DN. Các DN dệt may phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ vải trở đi nhưng thực tế cho thấy từ trước đến nay chúng ta bị thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nguyên phụ liệu, phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa, sản phẩm không đáp ứng quy tắc xuất xứ, không được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Hơn ai hết, DN dệt may hiểu rõ được bất lợi trên. Tuy nhiên, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc rất rẻ nên nhiều khi lợi thế trên lại lớn hơn ưu đãi thuế quan. Dẫn tới, các DN chấp nhận mất lợi thế cạnh tranh về thuế thay vì chuyển đổi nguồn gốc nhập khẩu nguyên phụ liệu.

DN dệt may tiếp tục kiến nghị Nhà nước cần có định hướng cho các công ty nước ngoài đầu tư vào sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất cũng như đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, trọng điểm để phát triển vùng nguyên liệu trong nước. Đây là điều kiện tiên quyết giúp các DN hưởng ưu đãi thuế quan.

Ngành sản xuất, XK giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh COVID-19. Kim ngạch XK giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch XK, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm. Với việc EVFTA có hiệu lực, ngành da giày kỳ vọng XK giày dép trong quý III và quý IV/2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, giống như ngành dệt may, quy tắc xuất xứ vẫn đang là rào cản làm khó DN giày dép.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EVFTA được đưa vào thực thi đồng nghĩa với việc cánh cổng bước vào thị trường 18 nghìn tỷ USD với 508 triệu dân đang mở rộng hơn bao giờ hết với hàng hóa của Việt Nam. Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% trong 5 năm đầu thực thi hiệp định. Tăng trưởng XK đặc biệt lớn ở các ngành mà ta có thế mạnh như nhóm hàng nông sản (gạo), nhóm ngành chế biến chế tạo (dệt may, giày dép) và nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không…). Cánh cửa vào thị trường khắt khe nhất thế giới cho ngành nông sản Việt Nam cũng ngày càng rộng mở với việc EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Bộ Công Thương khẳng định cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại các nước Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các DN Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh. Đồng thời cũng sẽ lựa chọn những DN có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với DN EU.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Trong bối cảnh COVID-19, EVFTA được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho DN, giúp DN lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh. Các cam kết chính của Hiệp định được dự kiến sẽ có tác động tích cực đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa bao gồm các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản, hải quan và thuận lợi thương mại. 

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT công ty CP Phúc Sinh

Các đối tác của Phúc Sinh đã tăng lượng đặt hàng vào tháng 8 năm nay từ 10-30%. Hiệp định EVFTA có hiệu lực là một tin rất tốt lành với chúng tôi vì thuế chỉ còn 0% thay vì 5-7% như trước. Điều này sẽ giúp cà phê, hạt tiêu Việt Nam tăng trưởng mạnh ở thị trường EU.

Bà Bùi Kim Thùy - Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean

Việc cần làm ngay là đẩy mạnh XK nhưng với điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ đặc biệt cho từng ngành hàng, cho từng mã HS của hiệp định EVFTA. DN đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ của nhiều dòng hàng song vẫn còn có một số dòng hàng có quy tắc xuất xứ phức tạp, đòi hỏi DN phải nghiên cứu kỹ.

Lê Thúy