Khẩu vị đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản: Dịch vụ, bán lẻ sẽ dẫn dắt

00:00 12/10/2020

Dịch vụ và bán lẻ được dự báo là 2 lĩnh vực sẽ hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian tới.

Dư địa từ thị trường lớn

Vắng bóng dự án tỷ đô, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2019 tuy sụt giảm về vốn đăng ký, nhưng vốn bổ sung và số dự án mới do phía Nhật Bản đầu tư vẫn tăng trưởng ấn tượng so với những năm trước.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội phân tích, năm 2019 không ghi nhận nhiều dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực nhiệt điện hay đô thị thông minh như các năm trước. Vốn FDI đăng ký của Nhật Bản trong năm 2019 giảm so với 2018, nhưng số dự án được cấp phép là 435, cao nhất từ trước đến nay.

Theo khảo sát mới nhất của JETRO, 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, họ có ý định mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với kết quả khảo sát năm 2018, nhưng vẫn cao nhất trong khu vực ASEAN.

Nguyên nhân của sự sụt giảm trên là do kinh tế thế giới năm 2019 chững lại. Khi thị trường bị suy yếu, hoạt động của các doanh nghiệp chế xuất của Nhật Bản tại Việt Nam cũng sụt giảm theo.

Ông Takeo Nakajima cho rằng, về dài hạn, hầu hết các tập đoàn sản xuất lớn của Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam và dòng vốn FDI chảy thêm vào lĩnh vực sản xuất chế tạo ở Việt Nam sẽ đến từ các dự án đầu tư mở rộng.

Trưởng đại diện JETRO dự báo, vốn FDI Nhật Bản sẽ tăng lên trong thời gian tới, chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư vào lĩnh vực phi chế tạo và từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, số dự án được cấp phép cho nhà đầu tư Nhật Bản có thể tăng lên, nhưng vốn đầu tư trên từng dự án không hẳn lớn.

Năm 2020, ông Takeo Nakajima cho rằng, vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ được cải thiện, chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ số.

Đối với lĩnh vực phi chế tạo, thời gian qua cũng ghi nhận dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào hoạt động sản xuất phục vụ thị trường Việt Nam tăng lên, nhất là dấu chân của 2 “ông lớn” ngành bán lẻ là Aeon và Uniqlo. “Xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực này sẽ gia tăng trong thời gian tới”, ông Takeo Nakajima nhận định.

Tương tự, ông Tetsuo Konaka, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, 3 năm trước, Thái Lan là thị trường rất hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đến đầu tư tại Thái Lan hơn là đến Việt Nam. Nhưng đến nay, xu hướng này đã thay đổi khi nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chuyển hướng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục trong vài năm tới và không chỉ tập trung vào ngành sản xuất chế tạo, mà cả lĩnh vực dịch vụ.

Theo đại diện JICA, Việt Nam có lợi thế nhờ thị trường lớn với quy mô dân số hơn 96 triệu người, nên sức hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ là rất lớn. Đó cũng là lý do Uniqlo, Aeon và nhiều tập đoàn nổi tiếng khác của Nhật Bản “dòm ngó” thị trường Việt Nam. “Đây cũng xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, bởi số tầng lớp trung lưu ở Việt Nam phát triển nhanh chóng và họ đủ sức chi trả những hàng hóa có chất lượng tốt”, ông Konaka nói.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản thường có bước đi rất cẩn trọng và chắc chắn, điểm nhấn trong thu hút đầu tư Nhật Bản năm 2019 là vốn FDI bổ sung của doanh nghiệp Nhật Bản đứng thứ 2 sau Hàn Quốc (1,07 tỷ USD, so với 1,58 tỷ USD).

Việt Nam có thể đón làn sóng dịch chuyển đầu tư

Theo đánh giá của Trưởng đại diện JETRO, du lịch là lĩnh vực cũng rất triển vọng để thu hút nguồn vốn đầu tư Nhật Bản. Song, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thu hút FDI vào du lịch ở Việt Nam có độ trễ hơn so với các lĩnh vực khác.

Về tác động thương chiến Mỹ - Trung tới dòng vốn FDI vào Việt Nam, đại diện JETRO cho biết, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc được JETRO tư vấn, chưa có doanh nghiệp nào có ý định đóng cửa hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để dịch chuyển sang Việt Nam, mà phần lớn các doanh nghiệp này vẫn muốn duy trì sản xuất ở Trung Quốc và mở thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam để phân tán rủi ro từ việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Nếu hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đi các nước khác gặp khó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có thể dừng sản xuất một số mặt hàng ở Trung Quốc và chuyển sang sản xuất tại Việt Nam”, ông Takeo Nakajima nói.

Việc dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản còn đến từ nguyên nhân chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng khá cao, dù năng lực sản xuất ở Trung Quốc đã có bước cải thiện. “Ở góc độ doanh nghiệp, họ cần tính toán đến phương án phân tán rủi ro, do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên và Việt Nam là một trong những thị trường có thể đón làn sóng dịch chuyển đầu tư”, ông Nakajima dự báo.

Lê Quân