Honeyland - Phim tài liệu kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar

00:00 12/10/2020

Kể lại mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên hoang dã, Honeyland là bộ phim tài liệu tuyệt vời làm nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar.

Honeyland -  Phim tài liệu kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar - Ảnh 1.

Honeyland là một bộ phim tài liệu vừa tự nhiên vừa siêu thực, đẹp như một bức tranh kể về mối quan hệ cộng sinh và cuộc đấu tranh sinh tồn giữa con người với thiên nhiên hoang dã - Ảnh: IMDb

Không chỉ tranh giải Oscar cho phim tài liệu dài, Honeyland còn lọt vào top 5 phim quốc tế hay nhất tại mùa giải Oscar 2020.

Ở một vùng đất bán sa mạc xa xôi hẻo lánh nằm ở nước Cộng hòa Bắc Macedonia, có một người phụ nữ nuôi ong truyền thống cuối cùng ở châu Âu. Nhưng cuộc sống trên vùng đất ngọt ngào và cô độc đó có nguy cơ bị phá vỡ...

 

"Một nửa của tao, một nửa của chúng mày"

Hatidze Muratova tầm ngoài 40 tuổi, không chồng con, sống với bà mẹ già bị liệt và mù một mắt, một con chó săn và ba chú mèo nhỏ trong một căn nhà nhỏ được xây bằng đá, không điện, không nước máy giữa bốn bề hoang vu. Kế sinh nhai duy nhất của cô là đàn ong làm tổ trên một vách núi.

Đến mùa thu hoạch, cô băng qua con đường mòn ở vùng đất bán sa mạc rồi bám theo vách núi, thu hoạch những tầng sáp ong đầy mật ngọt. Để "trả ơn" cho đàn ong, mỗi khi thu hoạch, cô hát cho chúng nghe và chỉ lấy một nửa. "Một nửa cho tao, một nửa cho chúng mày" - cô thì thầm với đàn ong, đổ mật ra đá cho chúng rồi mới mang mật ong về nhà.

Honeyland -  Phim tài liệu kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar - Ảnh 3.

Cảnh phim Honeyland

Từ số lượng mật ong nguyên chất đó, cô đóng thành thành phẩm rồi đi bộ, đi tàu, rồi tiếp tục đi bộ tổng cộng 4 tiếng đến chợ, bán cho những người dân ở thành thị rồi mua nhu yếu phẩm cho hai mẹ con.

Trong ngôi nhà nhỏ, ta thấy hình ảnh hai người phụ nữ nương tựa vào nhau. Cách họ trò chuyện hơi chỏng lỏn, đôi khi cáu gắt từ phía Hatidze, nhưng người xem luôn cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu của cô dành cho người mẹ của mình.

Sử dụng phong cách làm phim tài liệu trực tiếp kiểu Varan - không dàn dựng, không phỏng vấn - máy quay của hai nhà làm phim tài liệu Tamara Kotevska và Ljubomir Stefanov luôn ở đằng sau hoặc bám theo từng bước chân của Hatidze để ghi lại những hình ảnh sinh hoạt của cô một cách tự nhiên và sống động nhất.

Honeyland -  Phim tài liệu kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar - Ảnh 4.

Cảnh phim Honeyland

Những hình ảnh về cuộc sống của hai mẹ con người săn ong mang đến một thông điệp giản dị về mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên mà chúng ta từng sống từ thời nguyên thủy. Đó nhất định phải là một mối quan hệ cộng sinh, như cách Hatidze đối xử với đàn ong, "một nửa của tao, một nửa của chúng mày".

 

Chân dung người hàng xóm

Thế nhưng cuộc sống bình yên của hai mẹ con Hatidze bị phá vỡ hoàn toàn khi một gia đình du mục ồn ào đến ngôi làng với dự định dựng trại và sinh sống ở đây.

Sự xuất hiện của gia đình vợ chồng người hàng xóm cùng đàn con 7 đứa của họ đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống, đe dọa kế sinh nhai của Hatidze nhưng đồng thời cũng là phần làm nên sự hài hước cho bộ phim.

Honeyland -  Phim tài liệu kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar - Ảnh 5.

Cảnh phim Honeyland

Từ một gia đình chăn nuôi gia súc với đàn bò lên đến cả trăm con, vợ chồng người hàng xóm bắt đầu nảy sinh lòng tham khi thấy Hatidze thu hoạch ong khá dễ dàng và cô cũng không ngần ngại chia sẻ bí quyết nuôi ong của mình.

Khi được một thương gia thành phố "đặt hàng" đến 200 lít mật ong nguyên chất với một lít lên đến 16 euro, vợ chồng gia đình hàng xóm quyết định bắt ong hoang dã về nuôi tại nhà. Và để thu hoạch đạt "chỉ tiêu", bọn họ không ngần ngại thu hoạch sớm, khiến các tầng sáp ong bị sụp đổ và cho ít mật.

Họ cũng tham lam không để lại "một nửa" cho đàn ong, khiến chúng không thể cho lượng mật tiếp theo. Trái ngược với Hatidze, cách khai thác không tôn trọng tự nhiên của gia đình hàng xóm khiến đàn ong nổi giận, đốt những đứa trẻ và cuối cùng bỏ đi hết. Đàn gia súc của họ cũng bị dịch bệnh lăn ra chết khiến bọn họ phải tiếp tục cuộc sống du mục ở vùng đất khác.

Honeyland -  Phim tài liệu kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar - Ảnh 6.

Cảnh phim Honeyland

Ở phần cuối của bộ phim tài liệu dung dị này, hai đạo diễn đã mang đến cho người xem những khoảnh khắc nhói lòng, khi Hatidze đối mặt với biến cố lớn nhất trong cuộc đời của cô...

Những bộ phim tài liệu hiếm hoi như Honeyland cho người xem thứ điện ảnh đa sắc màu, vừa chân thực vừa kỳ diệu và quan trọng là mang đến cho chúng ta những trải nghiệm về cuộc sống nguyên bản và nguyên thủy, không bị tác động của đời sống hiện đại và công nghệ.

Kỳ tích Oscar và 32 giải thưởng

Hai đạo diễn của phim Honeyland: Ljubomir Stefanov (phải) và Tamara Kotevska tại lễ trao giải Oscar 2020 - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Bộ phim tài liệu Honeyland của Cộng hòa Bắc Macedonia là thành quả của hai nhà làm phim tài liệu Tamara Kotevska và Ljubomir Stefanov.

Ban đầu họ chỉ có ý định làm một phim tài liệu ngắn về sự bảo tồn của những người nuôi ong hoang dã cuối cùng ở ngôi làng hẻo lánh của đất nước nhỏ bé này.

Nhưng rồi sau ba năm ăn dầm ở dề với hai mẹ con Hatidze Muratova - nữ nhân vật chính của bộ phim, họ đã ghi lại được hơn 400 giờ phim tư liệu và sau đó dựng lại thành một bộ phim dài 93 phút.

Ngoài hai đề cử mang tính lịch sử tại Oscar, Honeyland còn đoạt 32 giải thưởng và 47 đề cử khác tại các LHP khắp thế giới.

Lâm Lê