Hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19: Đừng để “đầu voi đuôi chuột”

00:00 12/10/2020

Khôi phục kinh tế, tạo điều kiện để DN thoát khỏi khó khăn khăn bằng các giải pháp hỗ trợ tài chính đã được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Vậy nhưng đến nay, doanh nghiệp hầu như chưa nhận được tiền từ các ngân hàng thương mại.

Hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19: Đừng để “đầu voi đuôi chuột”

Những gói hỗ trợ kịp thời

Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM quý I/2020 chỉ đạt 0,42%, trên 262.000 doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (97,19% trong số đó là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ), 300.000 hộ kinh doanh và tiểu thương bị tổn thất nặng nề.  

Bước sang tháng 5/2020, kinh tế TP.HCM vẫn trên đà suy giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tăng trưởng quý I/2020 chỉ đạt 0,42%, thấp nhất trong vòng 34 năm qua, kể từ năm 1986, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4 ước đạt 68.457 tỷ đồng, giảm 34,2% so cùng ký năm trước, xuất nhập khẩu đạt 3,464 tỷ USD, giảm 5,1% so tháng 3, đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến ngày 20/4/2020 là 1,310 tỷ USD, bằng 55,2% cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngành du lịch gần như tê liệt, không có doanh thu.  

Để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ thị: Cùng với  nỗ lực kiểm soát lây lan Covid-19, phải mở cửa dần cho các hoạt động kinh tế, du lịch, dịch vụ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng, triển khai mạnh mẽ đầu tư công, đến tháng 10 phải giải ngân trên 80% số tiền các dự án.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Việc quan trọng nhất hiện nay là giữ vững thành quả phòng chống dịch bệnh, tập trung mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển kinh tế.  

Khôi phục kinh tế, tạo điều kiện để DN thoát khỏi khó khăn bằng các giải pháp hỗ trợ tài chính đã được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Trong 4 gói hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ nhằm tăng cường khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 thì có tới 3 gói dành cho DN. Cụ thể, gói 185.000 tỷ đồng (giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất), gói 40.000 tỷ  đồng (miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho DN, cá nhân, hộ kinh doanh), gói 300.000 tỷ đồng (chính sách tiền tệ, tín dụng tạo điều kiện cho DN duy trì và phát triển sản xuất).

Ngân hàng thoái thác?

Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 11/CT-TT giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ tài chính cho DN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết DN nằm trong diện được miễn, giảm, giãn nợ hầu như không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Lý do thì nhiều nhưng nguyên nhân chỉ có một: Các ngân hàng thương mại (NHTM) dè dặt, thoái thác trách nhiệm chi tiền cho DN vì sợ nợ xấu.

Rất nhiều DN phản ánh khi tiếp cận các gói tín dụng theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ phải đứng trước sự lựa chọn vay hay không. Nếu đủ điều kiện vay và được vay thì DN nằm trong “danh sách đen” (thuộc nhóm nợ xấu của ngân hàng).

TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu thực trạng: DN đang nợ nần nhiều, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến phá sản. Thành phố cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, NHTM xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể. Nếu chỉ nói lý thuyết thì NHTM không dám cho DN đang dính nợ xấu vay tiếp.

Doanh-nghiep-1-2835-1589275443.jpg

Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM phân tích: DN trông chờ rất nhiều vào các gói hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố. Điều quan trọng là sự hỗ trợ phải đến được tay người thật sự cần, tránh tình trạng lợi ích nhóm như từng xảy ra trước đây. Ông Kỳ kiến nghị: Không nên giảm thuế thu nhập DN bởi vẫn có 80% DN niêm yết trên sàn giao dịch chứng khóa có lãi. Trong khi dễ tổn thương nhất là hơn 80% DN nhỏ và siêu nhỏ đang trong tình trạng hầu như thua lỗ, phá sản thì làm sao có lãi để giảm thuế. Như vậy, giảm thuế cũng như không, người hưởng lợi vẫn là các “ông lớn” nằm trên sàn chứng khoán.

Phản ánh sự bất hợp lý trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết: DN không chỉ khó khăn trong tiếp cận gói ưu đãi mà điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn bình thường. Thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại rất phức tạp, trong khi quy định về đối tượng áp dụng lại không rõ ràng. Ngay cả việc triển khai chính sách hỗ trợ giữa các ngân hàng cũng áp dụng rất khác nhau.

Đó là lý do chính khiến DN nhỏ và siêu nhỏ gần như không có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng bởi DN đã khó khăn đến mức không đủ điều kiện vay vốn. Mà không có vốn, DN phải đóng cửa, cho nên các gói hỗ trợ tiếp theo như giãn nợ, giảm nợ, hỗ trợ lãi suất không còn tác dụng.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM Đỗ Phước Tống khẳng định: Nhiều DN ngành cơ khí - điện không dám xin giảm lãi suất bởi vì mới chỉ hỏi thăm thủ tục thôi đã bị ngân hàng “dọa đến toát mồ hôi”. Cái lý của của ngân hàng đưa ra là nếu thuộc diện được giảm lãi suất đồng nghĩa tài chính DN không an toàn, mà đã không an toàn thì phải bị đưa vào diện kiểm tra, kiểm soát đặc biệt.

Theo các chuyên gia kinh tế, để nhanh chóng phục hồi kinh tế, TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn ngay cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ bằng cách cho họ tiếp cận được nguồn vốn. Chỉ cần có vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh thì DN đủ khả năng trả nợ ngân hàng mà không cần đến các gói hỗ trợ khác. Mặt khác, Thành phố phải nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ đến 300.000 hộ kinh doanh, tiểu thương, bởi đó là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh đang rất cần tiếp sức.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần thiết lập một cơ chế giám sát để việc thực hiện chính sách hỗ trợ và triển khai các chủ trương của Nhà nước đến được đúng nơi, đúng người, đúng đối tượng cần hỗ trợ. Tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh, “đầu voi đuôi chuột”  như  phản ảnh của người dân và DN.

Nguyễn Loan