Hỗ trợ doanh nghiệp kích cầu trong giai đoạn “bình thường mới”

00:00 12/10/2020

Bước vào giai đoạn “bình thường mới” nhưng sức mua ở thị trường nội địa vẫn chưa tăng, thị trường xuất khẩu đang khó khăn do đơn hàng tạm ngưng.

Doanh nghiệp ở TPHCM đang nỗ lực vượt qua khó khăn, những bên cạnh đó chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp để hỗ trợ, nhất là để kích cầu thị trường nội địa.

Đầu tháng 6 tới, Liên minh hợp tác xã thương mại TPHCM (SaiGon-Co.op) sẽ đồng loạt triển khai chương trình kích cầu tại 44 siêu thị Coopmart, CoopXtra và hơn 200 cửa hàng Coop Food tại thành phố. Chương trình này sẽ giảm giá đến 50% cho hơn 2 ngàn sản phẩm là nhu yếu phẩm như: Gạo, sữa, dầu ăn, thịt cá, hàng đông lạnh, các loại dụng cụ nhà bếp và hàng thời trang…

Không chỉ hệ thống phân phối sản phẩm, mà nhiều doanh nghiệp ở TPHCM cũng đang đẩy mạnh chương trình này như, Công ty Việt Nam Cổ phần Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), giảm giá từ 10-15% từ nay đến cuối tháng 6 với sản phẩm chế biến như: Cá đóng hộp, thịt đóng hộp, lạp xưởng, xích xích và các loại thịt heo…

“Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Vissan tung ra một số sản phẩm mới. Chúng tôi có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn trong hệ thống cửa hàng Vissan và siêu thị để kích cầu tiêu dùng” - ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết.

Sức mua tại TPHCM đang chậm sau dịch bệnh Covid -19.

Dịch bệnh Covid-19 tác động đến túi tiền của người tiêu dùng, nên lúc này không ít gia đình đang ở trong trạng thái chi tiêu kiểu “thắt lưng buộc bụng”. Thế nên, cũng không lạ khi trong giai đoạn “bình thường mới” nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm may mặc các thương hiệu lớn như: An Phước, Việt Tiến, Việt Thắng… vắng khách.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean thông tin: Thị trường xuất khẩu của công ty ở Mỹ và châu Âu đang khó khăn; thị trường trong nước tiêu thụ “ì ạch”, cho nên doanh số của doanh nghiệp trong những tháng qua đã giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lượng hàng sản xuất từ tháng 3 đến tháng 5 đang tồn kho khá lớn, công ty sẽ triển khai nhiều chương mình khuyến mại để tiêu thụ các mặt hàng này.

Tuy nhiên, nỗ lực của mỗi doanh nghiệp là chưa đủ, nên ông Việt đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam có chất lượng tốt và tăng cường chống hàng gian, hàng giả.

“Cơ quan chức năng hỗ trợ cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường Việt Nam. Không để cho hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng mua về gắn thương hiệu giả… đang bán tràn lan trên thị trường. Sản phẩm này không rõ nguồn gốc sẽ đánh lừa người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu Việt Nam và tâm lý người tiêu dùng” - ông Phạm Văn Việt nói.

Nhiều cửa hàng đưa ra các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, TPHCM đang tính tới giải pháp hỗ trợ. Theo đó, đầu tháng 7 tới, Sở Công thương TPHCM sẽ tổ chức Chương trình kích cầu 2020. Tại đây, các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trưng bày tại 500 gian hàng, hàng hóa được khuyến mại mức giá trên 50%. Ngoài tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cũng được kết nối giao thương với nhiều doanh nghiệp khác ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp. Tổ hỗ trợ sẽ họp hàng tuần để bàn giải pháp cùng doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn “bình thường mới”.

“Thành phố đẩy mạnh kích cầu, ví dụ thành phố rà soát lại Quyết định 50 của UBND thành phố về cho vay kích cầu. Sau đó, chúng tôi báo cáo HĐND để tăng mức cho vay kích cầu từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Sở Công thương thành phố sẽ tổ chức một số chương trình kích cầu để tiêu thụ được hàng hóa cho doanh nghiệp” - ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.

Sau dịch bệnh, để doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất, kinh doanh điều quan trọng nhất là giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Vì nếu doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa mà không tiêu thụ được thì doanh nghiệp sẽ “chết”. Trong khi, thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn thì kích cầu ở thị trường nội địa là giải pháp thiết thực nhất hiện nay. Điều này, cần sự cố gắng của doanh nghiệp, chung tay của cơ quan chức năng và người dân ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng tốt./.

Lệ Hằng