Hỗ trợ doanh nghiệp không thể theo cơ chế “xin-cho”

00:00 12/10/2020

Liên tục các câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp, đó là bao giờ các chính sách cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua tác động của COVID-19 thực sự đến được với đông đảo doanh nghiệp đang vật vã trong khủng hoảng? Với các gói chính sách, nhiều DN vẫn than khó khi tiếp cận với gói hỗ trợ tín dụng, thậm chí cả gói an sinh xã hội…

Doanh nghiệp đang bị làm khó?

Theo kết quả cuộc khảo sát thực hiện với gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ KH-ĐT thực hiện vào tháng 04, có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 càng cao. Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch Đầu tư ghi nhận lại, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Tại thời điểm tiến hành cuộc khảo sát, chỉ 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách; 21,2% doanh nghiệp đã biết tới Chỉ thị và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% doanh nghiệp đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận; 11,4% doanh nghiệp thậm chí không hề biết tới các chính sách kể trên. Theo quy mô, nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ doanh nghiệp không biết đến Chỉ thị 11/CT-TTg (được xem là chỉ thị đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn) là 12,6%; tiếp đến là nhóm doanh nghiệp nhỏ với 10,2%; doanh nghiệp quy mô vừa với 9,5% và doanh nghiệp quy mô lớn với 8,8%.

Nhóm DN siêu nhỏ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ thấp nhất (số lượng doanh nghiệp đã được tiếp nhận chính sách hỗ trợ theo Chỉ thị 11/CT-TTg chỉ đạt 2,1%). Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn rất hạn chế vì một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu nhất là thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, các cán bộ thực thi mang tính “xin - cho”, làm khó doanh nghiệp.

Nhiều Hiệp hội ngành hàng cho biết, sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước lúc này chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời thông qua doanh nghiệp hỗ trợ người lao động để có thể duy trì đội ngũ công nhân, đẩy mạnh sản xuất sau dịch. Thực tế, một số gói hỗ trợ thời gian qua đã được triển khai, tuy nhiên còn chưa phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Đơn cử, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính hiện vẫn chưa đến tay các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải “gồng mình” để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn.  

Trong khi đó theo chia sẻ của ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành chịu thiệt hại nặng nề khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cắt giảm nhân công và không ít doanh nghiệp chỉ còn lại “bộ khung”, nhưng việc tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng gặp phải hàng loạt rào cản. Chẳng hạn, thay vì giảm lãi suất, có ngân hàng lại tăng lãi suất cho vay với lý giải là rủi ro cao trong thời buổi dịch bệnh. “Lẽ ra, ngân hàng phải như máy trợ thở, giúp doanh nghiệp vượt khó chứ không nên tăng lãi vay”, ông Thanh bức xúc

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM

Cũng chung khó khăn về vấn đề tiếp cận vốn, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết: “Hiện các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong Hội vẫn chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về vốn trong khi đây lại là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp để khôi phục và tái cơ cấu sản xuất. 

Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn song thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi theo quy định. Một số doanh nghiệp phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng chưa rõ ràng; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi... Các chính sách hỗ trợ hiện cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng.

Việc doanh nghiệp có thể chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp, vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể. Do đó, đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được hưởng chính sách này không kèm theo điều kiện giảm trên 50% lao động hoặc thiệt hại 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh.

Căn cứ Thông tư 01/2020 ngày 13/3 của Ngân hàng Nhà nước và một số văn bản khác về các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay một số doanh nghiệp đã được tiếp cận. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thuộc FFA phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn trước; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa rõ ràng; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi”, bà Chi phản ánh.

Chính sách hỗ trợ cần mạnh, thoáng hơn 

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, để khắc phục những khó khăn chung do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho …

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng kiến nghị, doanh nghiệp đang rất khó khăn, cần được tiếp sức sớm hơn. Quan trọng là thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn phải linh hoạt để doanh nghiệp không nản. Hiệp hội mong các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Cụ thể, áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ...

Còn theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), vì dịch COVID-19 ảnh hưởng lên toàn xã hội và tác động tới tất cả các doanh nghiệp, khó có thể chứng minh được mức độ thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp. Đề nghị cho tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng các chính sách hỗ trợ mà không phải chứng minh bị tác động của dịch COVID-19, không phân biệt quy mô doanh nghiệp.

Các chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp cần phân chia ra làm 2 loại như gói chính sách giải cứu, cứu trợ cần tức thì, không nên phân biệt về điều kiện vì đây là gói cấp cứu. Gói cấp cứu gồm gói tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động.

Hai, gói chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho doanh nghiệp được vay hay không với các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ,…

Còn với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất cần có sự bảo trợ, bảo lãnh vay vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng của Nhà nước. Đại diện HUBA cũng cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa, chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu.

Cùng với đó, phải chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch COVID-19. Phía ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường.

Gia Gia