Hỗ trợ DN: Có nên chọn 'cột cờ trong bó đũa'?

00:00 12/10/2020

Gói cứu trợ COVID-19 lần 2 tới đây nên tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng doanh nghiệp nào để đạt hiệu quả cao nhất khi mà nguồn lực của Nhà nước có hạn? Đây là câu hỏi đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm trước bối cảnh dịch COVID - 19 vẫn đang gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty Kym Việt - một doanh nghiệp (DN) xã hội chuyên về đồ thủ công, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động khuyết tật. Tuy vậy, kể từ khi dịch COVID-19 ập đến, ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT công ty Kym Việt cho biết, DN này đang gặp rất nhiều khó khăn, không có đơn hàng vì hoạt động du lịch "đóng băng".

Nhiều doanh nghiệp gặp khó

Ông Hoài chia sẻ: Các nhà phân phối bán lẻ cho DN như CocoBay, Bà Nà Hill, Taseco đóng cửa gian hàng ở sân bay nên đầu ra của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, lệnh không tụ tập đông người cũng khiến DN mất gần hết hợp đồng lớn.

goi-cuu-tro-lan-2-cho-DN-7735-1600072870

 Có ý kiến cho rằng nên hỗ trợ những DN chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng đông lao động trước. 

Trong khi đó, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM ước tính có khoảng 20% DN thành viên tạm ngừng một phần hoạt động kinh doanh. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam ước khoảng 2% DN thành viên tạm ngừng hoạt động. Hiệp hội Du lịch Việt Nam ước khoảng 20% DN thành viên (khoảng 1.600 DN) tạm ngừng hoạt động và giải thể.

Đại diện Hiệp hội Du lịch cho biết, phần lớn các DN siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán lẻ đã sa thải 100% lao động, đối với các DN lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động, đối với các DN du lịch lớn thì mức trung bình đã sa thải cũng khoảng 40-50% lao động.

Đồng thời, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết đã cắt giảm khoảng 10% lao động, Hiệp hội Nhựa Việt Nam phản ánh các DN lớn cắt giảm 30-60% lao động...

Theo số liệu 8 tháng đầu năm 2020 trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN thì số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong ngành Dịch vụ lưu trú, ăn uống là 1.918 DN (tăng 89,7% so với cùng kỳ năm 2019); ngành nghệ thuật, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác là 1.927 DN (tăng 85,5%).

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã tiến hành cuộc khảo sát lần 3 về tình hình DN trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần 2 tại Việt Nam. Trong tổng số 349 DN tham gia khảo sát, có 20% DN trả lời là đã tạm dừng hoạt động, 76% DN cho biết hiện không cân đối được thu chi, 2% DN đã giải thể, chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Điều này cho thấy, phần lớn DN trong nền kinh tế đang rất khó khăn. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước chỉ có hạn, để hỗ trợ hiệu quả cần tính tới bài toán hỗ trợ đối tượng nào, hỗ trợ ra sao. 

Giảm thuế thu nhập DN 30% cho tất cả DN?

Thay vì chính sách hỗ trợ khi DN đã kiệt quệ, đổ vỡ, Ban IV đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều chính sách giúp DN tiết giảm được dòng tiền chi ra để DN cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc DN. 

DN và hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giãn thuế, giảm các khoản tiền phải nộp trong năm 2020-2021, như các loại tiền bảo hiểm, tiền thuế, phí với Nhà nước, tiền thuê đất, tiền lãi vay ngân hàng...

Đi vào cụ thể, Ban IV đề xuất: Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập DN 30% cho tất cả DN trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. "Trong thực tế, mọi DN đều chịu tác động tiêu cực của COVID-19 không phân theo doanh thu. DN nhỏ và siêu nhỏ có thể đóng cửa tức thì bởi dịch bệnh nhưng DN lớn trong nỗ lực duy trì hệ thống đã chịu thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực hơn tới nền kinh tế nếu không kịp thời có các chính sách hỗ trợ hiệu quả", Ban IV lý giải.

Mặc dù vậy, đề xuất giảm thuế thu nhập 30% của Ban IV cũng gây ra nhiều tranh cãi. Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu quan điểm: Ưu tiên đầu tiên mà Nhà nước nên hướng đến là hỗ trợ người lao động bị mất việc, tiếp đó nếu Nhà nước có nguồn lực thì cần hỗ trợ DN còn hoạt động.

Tuy nhiên, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập DN là không hiệu quả và không thực chất. Bởi vì chính sách này chỉ giúp cho một số DN không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít (có doanh thu mới đóng được thuế thu nhập), chứ không cứu được đa số DN đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Về nguyên tắc hỗ trợ, ông Anh nhìn nhận, nên tập trung về mặt chi phí như giảm lãi suất ngân hàng, thuê nhà xưởng, điện, nước... cho DN vì họ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do phong tỏa thành phố, đơn hàng bị huỷ. Tất nhiên, một khi đã hỗ trợ là phải có tiêu chí rõ ràng. Với những DN có lãi, tức là không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít thì không nên hỗ trợ.

Nói thêm, vị Kinh tế trưởng VEPR nhấn mạnh nên có tiêu chí rõ ràng trong hỗ trợ, bất kể DN nhỏ hay lớn đều có thể nhận hỗ trợ với điều kiện là chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, mục tiêu quan trọng nhất là phải hỗ trợ DN sinh tồn, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Trong trường hợp phải lựa chọn hỗ trợ cho DN nhỏ hay DN lớn, quan điểm của tôi là nên hỗ trợ DN lớn - với điều kiện là chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vì DN lớn mà thất bại thì khó quay trở lại thị trường, nhiều người bị ảnh hưởng. Đồng thời, ưu tiên cho các ngành nghề có cơ hội chiến thắng dịch bệnh và những ngành nghề theo mô hình kinh doanh mới.

Được biết, Tổng cục Thống kê đang tiến hành điều tra lần 2 đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Mục đích của cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách của Chính phủ, các cấp, các ngành đối với DN trong thời gian qua. Thông qua đó, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giúp DN ứng phó tốt hơn trước dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch công ty CP chứng khoán SSI

Ngay lúc này cần cứu những DN mà có đông người lao động, cam kết rằng họ không sa thải lao động. Xác định rõ những DN đó đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu họ tồn tại sẽ lan tỏa đến nhiều vấn đề an sinh xã hội khác. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Ngân sách Nhà nước không phải là "bầu sữa" mà ai khó cũng có thể cho mỗi người một ít. Do vậy, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, Nhà nước cần xác định cứu những DN có tác động lan tỏa, có sức kéo với nền kinh tế, cứu những DN còn khỏe để sau đó những DN này quay sang cứu những DN yếu hơn trong hệ sinh thái vì Nhà nước không thể cứu tất cả DN. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vietravel

Phải cứu những ngành kinh tế sản xuất trọng điểm, tiếp đó định vị DN cần phải cứu. Nếu chỉ xác định cứu DN có khả năng sốt sót trước thì đôi khi lại lệch ngành trọng điểm, không đúng ngành mà xã hội đang cần. Như vậy, sẽ xảy ra chuyện DN chưa đáng cứu thì lại được cứu.

Lê Thúy