"Góc khuất" Tập đoàn Alphanam: "Đất vàng" 108 Nguyễn Trãi và sự "ưu ái" từ ông Nguyễn Đức Chung

21:09 16/11/2020

Alphanam - cái tên một thời lừng lẫy trên thị trường chứng khoán đang từng bước trỗi dậy qua việc lấy bất động sản làm "đốt phá khẩu". Để nhanh chóng thâu tóm các khu "đất vàng", Alphanam đã tận dụng tối ta sự quan tâm, tạo điều kiện, ủng hộ từ các địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội dưới thời ông Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch UBND thành phố.

Nhiều năm chìm trong lỗ

Theo giới thiệu, trong 10 năm đầu (1995- 2005)  Alphanam tập trung chủ yếu vào sản xuất, xây lắp với các khu công nghiệp từ Bắc vào Nam; tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau như hạ tầng, xử lý nước, sản xuất và xây lắp thiết bị điện, thang máy, sơn, sản xuất bao bì… Từ 2006 - 2010, Alphanam đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, mua bán sáp nhập doanh nghiệp tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ sau đó. Đồng thời, tiếp tục lấy sản xuất công nghiệp là cốt lõi. Giai đoạn 2010- 2015, Alphanam tiến tới hợp tác cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới để triển khai hàng loạt dự án bất động sản cao cấp trên khắp cả nước: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, An Giang… , đánh dấu bước khởi đầu mạnh mẽ của Alphanam trên thị trường bất động sản. 

"Alphanam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào quỹ đất tiềm năng chưa được khai thác tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cộng đồng, xã hội, và giáo dục hướng đến phát triển bền vững, khẳng định vị thế của một doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh, dẫn đầu thị trường", Alphanam khẳng định trên website Tập đoàn khi nói về giai đoạn từ 2016 đến nay.

Như vậy, có thể thấy hành trình của Alphanam Group đi lên từ sản xuất, xây lắp sang đầu tư tài chính rồi tới lĩnh vực bất động sản vốn được đánh giá là khá béo bở những năm gần đây. 

Tuy nhiên, trên hành trình ấy không phải lúc nào cũng "trải hoa hồng". Năm 2014, giữa lúc sở hữu quỹ đất hàng nghìn ha, Alphanam đã phải hủy niêm yết cổ phiếu ALP, kết cục của việc thua lỗ lớn trong nhiều năm liên tiếp.  

Cuối năm 2014, thời điểm cổ phiếu  192 triệu ALP bị hủy niêm yết, Alphanam có vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng. Cuối năm 2016, khoản lỗ này là 657 tỷ đồng. Năm 2017, Alphanam mới từ từ vực dậy, kết thúc 5 năm báo lỗ...

"Tổng tấn công" vào bất động sản

Bắt đầu từ 2017, Alphanam đẩy mạnh đầu tư trở lại vào bất động sản qua việc triển khai hàng loạt dự án lớn trải dài ở nhiều tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang... "Ông lớn"  này  đang có hơn 20 dự án  vói hàng nghìn ha, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nổi bật là  các dự án như Luxury Apartment, Diamond Tower, Golden Square tại Đà Nẵng;  Alphanam Red Star Apartment, Xuân Phương - Alphanam Village, Alphanam New Park City Trung Hưng - Sơn Tây, Bình Minh-Cao Viên Alphanam Newlife City, Khu đô thị Hanel - Alphanam ở Hà Nội.

Alphanam cũng đẩy mạnh đầu tư vào các công ty con và công ty liên doanh, được ghi nhận tổng giá trị khoảng 2.094 tỉ đồng như Công ty CP địa ốc Foodinco; Công ty địa ốc Foodinco Quy Nhơn; Công ty cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Công ty Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa; Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á…

Cuối năm 2016, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Đông Á (doanh nghiệp đầu tư gián tiếp của Alphanam) đã công bố ra mắt Dự án Khu đô thị Golden City An Giang 48,92ha tại Thành phố Long Xuyên. Năm 2018, Alphanam liên tiếp ra mắt 2 thương hiệu khách sạn tiêu chuẩn quốc tế tại Đà Nẵng là Four Points by Sheraton và Altara Suites.

Đầu năm 2019, dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà do Công ty cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà (công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam) được tỉnh Yên Bái ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.980 tỉ đồng, quy mô hơn 2.594 ha. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư đăng ký "khủng" ở Yên Bái. Nếu tăng thêm 20 tỷ đồng, thẩm quyền phê duyệt dự án đã thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 4/2019, tại với tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đã xin ý kiến tỉnh này để được khảo sát, đầu tư khách sạn 4 sao mang thương hiệu quốc tế từ 150 - 180 phòng nghỉ dưỡng tại Nhà khách Hương Phong và cũng nhận được cam kết từ tỉnh này.

Năm 2019, dự án Altara Residences Quy Nhơn do Công ty CP Foodinco Quy Nhơn - một công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam, làm chủ đầu tư cũng chính thức chào sàn và thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường.

Tại tỉnh Lào Cai, Dự án Khu đô thị sinh thái Mường Hoa, Sa Pa được UBND tỉnh phê duyệt năm 2019. Liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á (nằm trong thuộc “hệ sinh thái” Alphanam) được chỉ định làm nhà đầu tư dự án, tổng kinh phí thực hiện gần 625,6 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước là 500 triệu đồng.

Liên tiếp đầu tư lớn như đã nêu nhưng  tình hình tài chính của Alphanam chưa thực sự khả quan. Năm 2019, doanh thu thuần của Alphanam đạt 1.434 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 103 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận giảm xuống còn 7%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Alphanam đạt 1.427 tỉ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế ở mức 12,6 tỉ đồng. Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ALP đạt 5.249 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 1.400 tỉ đồng, chi phí xây dựng dở dang là 1.803 tỉ đồng. Ngoài ra, Alphanam cũng dành 905 tỉ đồng để đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh và một số đơn vị khác. Kết thúc quý 3/2020, nợ phải trả của Alphanam ở mức 2.846 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.403 tỉ đồng.

"Đất vàng" 108 Nguyễn Trãi và những ưu ái từ ông Nguyễn Đức Chung

Nhiều sai phạm tại dự án "đất vàng" 108 Nguyễn Trãi

 Dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, căn hộ nhà ở để bán – King Palace có chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào ( trong "hệ sinh thái"  Alphanam). Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào nhận chuyển nhượng một phần từ dự án Khu hỗn hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội do liên danh Công ty CP Dụng cụ số 1 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.

"Đất vàng" 108 Nguyễn Trãi được Nhà nước cho Công ty CP Dụng cụ số 1 thuê làm trụ sở và xưởng sản xuất. Năm 2006, UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP Dụng cụ số 1 liên danh với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án đầu tư.

Ngày 25/10/2010, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5256/QĐ-UBND thu hồi 18.531m2 đất tại 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản. Ngày 23/10/2015, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 7525/UBND-TNMT chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào.

Ngày 10/6/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn căn hộ nhà ở để bán – King Palace. Ngày 4/8/2017, ông Chung tiếp tục ký Quyết định số 5217/QĐ-UBND về việc thu hồi 6.973m2 đất tại 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội giao cho Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, căn hộ nhà ở để bán.

Như vậy, với sự quan tâm của ông Nguyễn Đức Chung, "đất vàng" 108 Nguyễn Trãi đã liên tục được ký điều chỉnh. Cũng nhờ đó, Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào đã có được mảnh đất vô cùng đắc địa vốn là đấ công này!

Ngày 04/9/2018, Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 1468/KL-TTCP về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội. Theo đó, dự án Khu hỗn hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội bị chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể:  Liên quan đến việc chuyển nhượng vốn của Công ty CP Dụng cụ số 1 và việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào, Công ty CP dụng cụ số 1 chuyển nhượng phần vốn góp và nhận hỗ trợ với giá trị là 127,531 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí hỗ trợ di dời, hỗ trợ ngừng việc, thanh toán chế độ cho cán bộ nhân viên, doanh thu chịu thuế là 92,560 tỷ đồng nhưng không kê khai. Đoàn thanh tra tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 20,363 tỷ đồng. Theo Kết luận của đoàn thanh tra, ngày 10/6/2017, UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó công ty được gia hạn tiến độ thực hiện dự án, nhưng cơ quan chức năng chưa xác định và thu tiền chậm tiến độ theo quy định của Chính phủ...

Ngày 25/04/2017, dự án này được Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào thế chấp tại ngân hàng, tài sản đảm bảo là 20.000.000 cổ phần của Công ty cùng toàn bộ Quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng mua bán sản phẩm của Dự án, tổng hạn mức tín dụng là 350 tỷ đồng. Tổng số cổ phần của Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào là 21.000.000 cổ phần, trị giá 210 tỷ đồng. Về tỷ lệ sở hữu, Công ty CP đầu tư Alphanam chiếm 10.980.000 cổ phần; Công ty TNHH Hoàng Tử chiếm 9.000.000 cổ phần; Ông Nguyễn Tuấn Hải chiếm 20.000 cổ phần. Đáng lưu ý, thời điểm 25/04/2017, dự án chưa được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa thu hồi một phần dự án của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Việc này cho thấy, cần xem xét lại quá trình thẩm định và quyết định cho vay từ phía ngân hàng.

Tháng 1/2018, Alphanam đã thoái vốn hoàn toàn tại Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào, ông Nguyễn Tuấn Hải chỉ sở hữu 0,1% cổ phần. Công ty TNHH Hoàng Tử  sở hữu tới 45% cổ phần  tại Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào. Công ty TNHH Hoàng Tử có trụ sở chính tại khu “đất vàng” số 20 phố Cát Linh, TP Hà Nội, vốn do nhóm cá nhân ông Nguyễn Văn Hùng, ông Cao Văn Túy và 02 người thân là bà Đặng Thị Lợi và Nguyễn Kim Hoa góp vốn thành lập. Nhóm cá nhân này là những cổ đông sáng lập Công ty CP Tập đoàn PICENZA Việt Nam (PICENZA).

Tháng 6/2020, Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào tất toán toàn bộ khoản vay ngân hàng. Để rồi, Công ty TNHH Hoàng Tử đã mang 9.000.000 cổ phần của mình tiếp tục thế chấp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải theo Hợp đồng số 506/2020/BĐ/HT ngày 05/06/2020. Và như vậy, “đất vàng” 108 Nguyễn Trãi lại tiếp tục nằm trong ngân hàng...

Tống Trục Duyện