Ghi nhận công tác bảo vệ rừng phòng hộ của huyện Tuyên Hóa và Thành phố Đồng Hởi

00:00 12/10/2020

Theo chân những cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã có chuyến công tác đến với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Ban được tỉnh giao quản lý trên 29 ngàn héc ta rừng tự nhiên, trong đó có trên 27 ngàn héc ta rừng phòng hộ và trên 1000 héc ta rừng sản xuất, với 31 tiểu khu, trong đó có 8 tiểu khu giáp huyện Minh Hóa, 18 tiểu khu giáp tỉnh Hà Tĩnh và 1 tiểu khu giáp nước bạn Lào. Diện tích rừng mà Ban quản lý nằm trên địa bàn 5 xã, gồm: Thuận Hóa, Kim Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa và Lâm Hóa.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp huyện Tuyên Hóa, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành chức năng trên địa bàn như: Hạt kiểm lâm, Công an huyện đã tạo được sức mạnh tổng hợp, là điều kiện để đơn vị thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng mà cấp trên giao.

Là một huyện miền núi, diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, đời sống người dân còn nghèo. Các ngành nghề phụ chưa phát triển, thu nhập kinh tế từ nông nghiệp không đáp ứng được cuộc sống. Vì vậy, người dân sống ven rừng vẫn là thói quen dựa vào rừng, khai thác gỗ lén lút vẫn thường xuyên diễn ra. Các vụ vận chuyển và buôn bán gỗ là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, diện tích rừng do Ban quản lý hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với nước bạn Lào và tỉnh Hà Tĩnh. Địa hình hiểm trở, chia cắt nhiều siếu sâu rất khó cho công tác tuần tra kiểm soát.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp huyện Tuyên Hóa

Để làm tốt công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, ngăn chặn không cho người dân vào rừng hoạt động trái phép. Đơn vị đã sơn sửa lại các bảng tuyên truyền nội quy bảo vệ rừng và cắm hàng chục bảng cấm lửa trong rừng. Kiểm tra, kiểm soát các tiểu khu đã giao cho các trạm bảo vệ. Các trạm chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban, cuối tháng có báo cáo thông qua hội nghị trực báo, từ đó nắm bắt được mọi diễn biến, các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tăng cường số lượng và chất lượng tuần tra, kiểm tra xác định thời điểm “cao điểm” và “điểm nóng”, vùng có trữ lượng gỗ lớn để tổ chức lực lượng tuần tra, nắm bắt tình hình, phát hiện các vụ việc để tham mưu cho UBND huyện ra quyết định thành lập các Đoàn liên ngành truy quét lâm tặc. Từ đầu năm đến nay, các Trạm bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa đã có 153 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; trong đó có 40 đợt kiểm tra, truy quét liên ngành, liên trạm. Lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị đã thu giữ trên 5m3 gỗ các loại, trong đó đơn vị tự thu giữ 3,94m3 gỗ và 3 máy cưa xăng, 1 xe máy. Phối hợp thu giữ 1,63m3 gỗ và 2 máy cưa, 2 xe máy, phá hủy hàng chục lán trại trái phép trong rừng. Đứng chân làm nhiệm vụ ở một địa bàn miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chi ủy Ban giám đốc, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa thường xuyên chỉ đạo, nên tình hình an ninh chính trị trong đơn vị luôn được giữ vững và ổn định. Cán bộ, đảng viên, nhân viên luôn an tâm công tác, thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quy chế dân chủ, quy chế hoạt động của đơn vị luôn được phát huy tích cực. Phương án “Bảo vệ rừng tại gốc” nhằm bảo vệ cây đứng, bảo vệ môi trường, đảm bảo độ che phủ của rừng hiện có, không để xảy ra mọi hành vi xâm hại rừng vẫn được lực lượng bảo vệ rừng huyện Tuyên Hóa làm khá tốt.

Cùng một nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng như Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa, chúng tôi đến Ban quản lý rừng phòng hộ TP Đồng Hới, ông Đinh Thanh Quang, quyền Giám đốc cho biết: “Năm 2019, Ban có nhiệm vụ bảo vệ 2400 rừng phòng hộ gồm các tiểu khu 307 và NTK 2 xã Thuận Đức, tiểu khu 308A phường Đồng Sơn; Tiểu khu 353A xã Quang Phú; Tiểu khu 353 phường Hải Thành; NTK xã Lộc Ninh và phường Đồng Phú; Tiểu khu 359 và 360 xã Bảo Ninh. Chúng tôi xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo thành phố thường xuyên chỉ đạo các phường, xã coi việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR là những tiêu chí để đánh giá của Cấp ủy, chính quyền. Người đứng đầu Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để xẩy ra nạn chặt phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi quản lý của đơn vị mình.

Đội bảo vệ rừng thường xuyên tăng cường kiểm tra rừng

Năm 2019, thành phố Đồng Hới xảy ra 5 điểm phát lửa và 1 vụ cháy rừng, nhiều vụ lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, tuy nhiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ TP Đồng Hới đã chủ động cùng với Hạt kiểm lâm và chính quyền các địa phương kịp thời xử lý không để xảy ra cháy lớn, lập biên bản các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp. Cũng trong năm 2019, Ban đã tổ chức 1 lớp tập huấn với 40 người tham gia. Nội dung của lớp tập huấn là nhằm nâng cao năng lực bảo vệ rừng và PCCCR cho cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng. Tổ chức 1 lớp với 20 người tham gia, nội dung tuyên truyền về Luận lâm nghiệp năm 2017, Luật PCCC, Nghị định 156/2018/NĐCP, nghiệp vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Về công tác tuần tra, kiểm tra rừng, ông Quang cho biết: các Trạm, Tổ, chốt thực hiện tuần tra, bình quân mỗi tháng thực hiện 20 đợt. Quá trình tuần tra, kiểm tra chúng tôi sử dụng phần mềm Geosuvery. Sau các đợt kiểm tra gửi dữ liệu về bộ phận kỹ thuật để kiểm tra, giám sát. Tại các Trạm bảo vệ rừng, hàng ngày Tổ cơ động có sổ ghi nhật ký, phân công kiểm tra rừng và trực PCCCR. Vì vậy, trong năm 2019 công tác bảo vệ rừng và PCCCR được đảm bảo, việc chặt phá rừng  và lấn chiếm đất lâm nghiệp được hạn chế đáng kể.


 Ông Trần Khánh Linh- Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa

Nhằm làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng phòng hộ TP Đồng Hới còn chú trọng đến công tác xây dựng cơ bản, như: Xây dựng đường ranh cán lửa, chòi canh lửa, bảng tuyên truyền bảo vệ rừng…Làm tốt công tác chăm sóc rừng, trồng rừng phòng hộ, hướng đến năm 2020 hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng ngày một tốt hơn.

Trọng Lãnh