Dự đoán kinh tế dựa trên những câu chuyện truyền miệng

00:00 12/10/2020

Nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel Robert Shiller lập luận rằng tin đồn và những câu chuyện truyền miệng có thể định hướng được nền kinh tế chứ không chỉ là những điều vô nghĩa. Đồng nghiệp của ông không bất ngờ về điều này.

Nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel Robert Shiller

Hai thập kỷ trước khi diễn ra sự sụp đổ dotcom, Robert Shiller đã nói với các đồng nghiệp rằng thị trường chứng khoán đang được định giá quá cao. Vài năm sau, trước cuộc khủng hoảng tài chính, ông cũng đưa ra
cảnh báo nhà ở sẽ là một nguyên nhân gây ra sự điều chỉnh lớn. Shiller nổi tiếng vì đã dự báo chính xác cả hai bong bóng lớn nhất trong lịch sử thế giới này: bong bóng dot – com và bong bóng nhà đất. Giờ đây, như một lời nhắc nhở mới, vị giáo sư đoạt giải Nobel tiếp tục đưa ra một thông điệp: “Hãy bỏ qua những máy tính khô khan và dành thời gian để lắng nghe.”

Kinh tế học tường thuật 

Shiller giảng dạy tại Đại học Yale danh tiếng, ông luôn say mê với những câu chuyện về những năm đại học của mình tại Đại học Michigan. Ở đó, năm 19 tuổi, ông đọc Only Today, một lịch sử về Đại suy thoái của nhà báo Frederick Lewis Allen. Cuốn sách liên quan đến những câu chuyện hàng ngày của những người sống trong thời kỳ trước khi diễn ra Đại suy thoái, theo quan điểm của Shiller, cuốn sách đã cung cấp nhiều cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao suy thoái xảy ra. “Tuy nhiên, các nhà kinh tế không bao giờ xem xét nghiêm túc cuốn sách của Allen và ý tưởng về sự lây lan tin tức không bao giờ đi vào mô hình toán học của họ về nền kinh tế. Trước cuộc khủng hoảng, không một nhà kinh tế nào dự báo được điều gì sắp xảy ra”, ông nói. “Các nhà kinh tế không có cách nào để kết hợp những câu chuyện và sự lan truyền của chúng vào mô hình nghiên cứu. Điều đó khiến chúng ta không đủ khả năng để hiểu một loạt những điều quan trọng” Brad DeLong, một giáo sư tại Cal Berkeley cho biét.

 Tin đồn và những câu chuyện truyền miệng có thể định hướng được nền kinh tế 

 Trong cuốn sách mới xuất bản 'Narrative Economics' (tạm dịch: Kinh tế học tường thuật), Shiller trích dẫn một nghiên cứu năm 2018 trên Science cho thấy những câu chuyện sai lệch được tweet thường xuyên hơn sáu lần so với những câu chuyện có thật. “Điều này không phải vì mọi người thích sự giả dối, mà thay vào đó, họ muốn gây cười và tạo sự bất ngờ cho người khác”, ông viết. Shiller cũng dẫn ra một câu chuyện điển hình về Joseph Kennedy Sr. Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ: “Năm 1929, Joseph Kennedy nảy ra ý tưởng khi đang ngồi chờ đánh giày. Sau khi nghe cậu bé đánh giày đưa ra lời khuyên về lựa chọn cổ phiếu, ông nhận ra rằng thị trường chứng khoán sắp vỡ tung. Ngay lập tức Kennedy bán ra tất cả số cổ phiếu đang nắm giữ và vào vị thế bán khống, đặt cược rằng thị trường sẽ sụp đổ. Khi dự đoán của ông trở thành hiện thực, ông đã thu về số tiền khổng lồ.” Dù nguồn gốc của câu chuyện là gì, thì theo Shiller, điểm mấu chốt là câu chuyện đó như thế nào và tại sao nó lại được lan truyền. Những câu chuyện này ảnh hưởng khá lớn đến cách hành xử, mua hay bán, chi tiêu hay tiết kiệm. Chính những quyết định mang tính cá nhân này khi tích tụ lại sẽ khiến thị trường chuyển động cũng như điều chỉnh chu kỳ kinh doanh. Những câu chuyện phổ biến rộng rãi nhất sẽ điều chỉnh các chu kỳ lên xuống của nền kinh tế. Không ai biết câu trả lời một cách chắc chắn, nhưng Shiller có ý tưởng của riêng mình. “Chúng ta tạo ra những câu chuyện lan truyền đơn giản chỉ vì cảm thấy điều đó tốt đẹp: Nghe hoặc kể một câu chuyện kịch tính làm tăng mức độ oxytocin, đôi khi được gọi là hoóc môn tình yêu."

Năm 1927, hai nhà khoa học người Scotland - William Kermack và Anderson McKendrick - đã đề xuất một mô hình về sự lây lan của bệnh tật. Họ khẳng định rằng, để một dịch bệnh bắt đầu, tỷ lệ người mắc bệnh phải vượt quá tỷ lệ người dân khỏi. Nếu không, thì một dịch bệnh không thể xảy ra. Điều đó đủ đơn giản, và với nó, Kermack và McKendrick đã cách mạng hóa việc nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm. Tương tự, khi mô tả sự bùng nổ của những câu chuyện lan truyền trên internet, Shiller thấy rằng chúng theo cùng một mô hình Kermack- McKendrick. Ông nói, “nó giống như một nghiên cứu dịch tễ học. Đó là một sự khởi đầu, lĩnh vực này cần phải được đẩy về phía trước, ngay cả khi phải mất nhiều thập kỷ. Nếu những câu chuyện kể đang thúc đẩy mọi thứ, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể quên đi yếu tố con người trong các câu chuyện.” Trong gần ba năm, Shiller đã trình bày suy nghĩ của mình trong các bài phát biểu và bài báo trước khoảng 900 nhà kinh tế hàng đầu thế giới tại những cuộc họp của Hiệp hội Kinh tế Mỹ.

Một cuộc cách mạng mới về kinh tế học 

Thư viện đại học Chicago

Một nhà kinh tế học trường phái Chicago có mối quan hệ tốt với Shiller chia sẻ: “Tôi nghĩ sẽ rất khó để bạn có được sự đồng thuận của bất cứ ai, những người vốn có suy nghĩ chống lại giả thuyết này”. Cuốn sách của Shiller, Kinh tế học tường thuật, là một khía cạnh chống lại trường phái Chicago, trường phái chính thống dựa trên toán học đã thống trị chủ nghĩa tư bản từ những năm 1980. Được tiên phong bởi Milton Friedman, trường phái Chicago khuyên chúng ta không nên phê phán thị trường - loài người, các môn đệ của trường phái này được tạo thành từ những cá nhân có lý trí, hành động có hệ thống giúp giải thích đầy đủ nền kinh tế. Thời khắc đăng quang của trường phái Chicago bắt đầu với cuộc bầu cử của Ronald Reagan và Margaret Thatcher, chuyển từ thị trường tự do không được kiểm soát, sang thị trường bị điều chỉnh bởi những chính sách kinh tế. Nhưng ngay khi kiến thức của trường phái Chicago đang tấn công Washington và London, một vài tiếng nói nghi ngờ đã vang lên. Các nhà tâm lý học như Daniel Kahneman và Amos Tversky, và các nhà kinh tế như Shiller, đã chỉ ra rằng cảm xúc dường như ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế theo cách mà rất ít người cho là có căn cứ toán học. Một vài năm trước, Ủy ban Nobel đã trao giải thưởng lớn nhất về lĩnh vực này cho một chuỗi các nhà hành vi học, trong đó có Shiller, vào năm 2013. Bước đầu tạo nên một thỏa thuận “ngừng chiến” giữa trường phái kinh tế học Chicago và trường phái kinh tế học hành vi. Giờ đây, Shiller đang làm đảo lộn lệnh “ngừng bắn” với luận điểm mới của mình. “Chúng ta đang phát triển một luận điểm mới của kinh tế học”, Dennis Snower, chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Kiel ở Đức, người đã hợp tác với Shiller “Các phân tích thống kê tiêu chuẩn không còn hiệu lực. Họ cho rằng chúng ta biết xác suất mà mọi thứ sẽ xảy ra. Trên thực tế, chúng ta gần như không bao giờ đạt được điều đó.”

Bloomberg ghi nhận: Trong số 469 cuộc suy thoái trên toàn thế giới trong ba thập kỷ qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ báo trước được 4. Các nhà kinh tế học độc lập cũng không làm tốt hơn: Từ năm 1992 đến năm 2014, họ chỉ dự kiến được 5 trong số 153 cuộc suy thoái. Trong một bài trả lời tờ New York Times vào tháng 9, Shiller lập luận rằng vấn đề này là bình thường. Các chỉ số kinh tế hàng đầu mà các nhà kinh tế dựa vào, như lãi suất và chỉ tiêu tăng trưởng GDP, chỉ tốt hơn khi giải thích cho chúng ta biết về những kết quả đã xảy ra thay vì những điều sẽ xảy ra. Binyamin Appelbaum, tác giả của cuốn sách The economists’s Hour, cho rằng, “thập kỷ hiện tại có thể so sánh với những năm 1930 và 1970, nghĩa là cách tiếp cận chủ đạo đối với chính sách kinh tế đã đi đến hồi kết. Vào những năm 1930, đó là sự kết thúc của laissez faire (học thuyết về nền kinh tế tự vận hành), năm 1970 là sự kết thúc của chủ nghĩa Keynes; và những năm 2010, là sự kết thúc của niềm tin mù quáng vào thị trường.” Sự tiến bộ của con người là về công nghệ, thực phẩm, phương tiện, hệ mặt trời… phản ánh cuộc cách mạng khoa học. Chúng ta muốn định lượng mọi thứ, càng nhanh càng tốt. Nhưng chúng ta có đang đặt kỳ vọng quá mức vào dữ liệu số? Số lượng chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng những nhà đầu tư và những nhà kinh tế đều nói rằng: Sự hưng trí toán học đang làm xói mòn cảm giác trực giác của chúng ta, theo Shiller: “Chúng ta đang thiếu những manh mối về những gì thực sự đang diễn ra, “bản đồ tinh thần” của chúng ta đã bị teo đi.” Tại làng Chamonix của Pháp, gần đây diễn ra một hội nghị được tổ chức bởi các cựu giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, cuộc họp mặt hàng năm của giới tinh hoa ở phía bên kia dãy Alps ở Davos. Lần lượt, các chủ ngân hàng, cố vấn đầu tư và các nhà kinh tế trả lời nhất trí về một thế giới nhanh chóng trở nên không thể nhận ra đối với những người dựa vào công nghệ thông thường nhằm tìm cách hiểu tất cả. Họ đã nói về một sự thay đổi luận thuyết, một sự chuyển đổi, một cuộc cách mạng phải xảy ra để đối phó với sự mất phương hướng này. Nói tóm lại, sau nhiều thập kỷ ổn định giống như tôn giáo và toán học, các nhà kinh tế chính thống nhận ra rằng những câu chuyện tầm phào, triết lý nửa vời và những lời khuyên từ tin tức đã vượt qua khả năng của con người từ rất lâu.

Đúng, giả không quan trọng - cuộc nói chuyện như vậy đã lan rộng và tạo ảnh hưởng đáng ngạc nhiên đối với nền kinh tế. Shiller coi đây là vấn đề không nhỏ. Ông cho rằng, nghiên cứu nghiêm túc về các câu chuyện lan truyền là một cách để cải thiện dự báo kinh tế. Shiller biết rằng giải Nobel chỉ là một lớp vỏ, mang đến cho ông một chút đặc quyền. Xa hơn nữa, ông tin rằng mình đang thực sự tìm ra một điều gì đó rất có ý nghĩa. Và cuối cùng, đồng nghiệp của ông cũng sẽ nhận ra được điều này. 

Bắc Quang