Doanh nhân có tâm phải biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng

00:00 12/10/2020

Tham dự lễ dâng hương “ Danh nhân và cộng đồng vì trẻ em Việt Nam 2019” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức, nhiều doanh nhân đã chia sẻ về ý nghĩa, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tranh tiền phong thủy xưa và nay:

Tôi là người hay nghiên cứu về văn hóa lịch sử Việt Nam, về các triều đại của Việt Nam. Dòng sông lịch sử vẫn luôn cuồn cuộn chảy suốt bốn ngàn năm qua cùng dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm, biến động, trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyện nguồn gốc dân tộc. Lễ hội đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội tâm linh, tín ngưỡng quan trọng bậc nhất của người Việt… Tôi tham dự chương trình Lễ dâng hương đền Hùng – Doanh nhân và cộng đồng vì trẻ em Việt Nam với cái tâm và đã ủng hộ 3 vật phẩm gồm Bức tranh tiền Cổ Phong thuỷ,  Xông trầm và mâm đồng Cồ Rần 150 năm để Ban tổ chức đấu giá từ thiện gây quỹ vì trẻ em Việt Nam với ý nghĩa lan tỏa, kết nối những tấm lòng nhân ái. Chương trình đã góp phần tăng cường văn hoá tín ngưỡng truyền thống của người Việt đồng thời tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động ý nghĩa cần được phát huy, giúp cho mọi người dân Việt Nam hiểu được lịch sử dân tộc.

Một cây xanh không thể sống khỏe nếu không có môi trường tốt cho sự sống. Doanh nghiệp hay con người cũng vậy. Sống có trách nhiệm để góp sức xây dựng môi trường học tập, môi trường sống, môi trường kinh doanh tốt chính là xây dựng tương lai bền vững cho chính mình.

 Doanh nhân Nguyễn Minh Hùng – TGĐ Công ty Kiểm toán Đông Dương:

Tôi rất ấn tượng với chương trình khi vừa kết hợp để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tri ân, hướng về cội nguồn, vừa quyên góp ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tôi đã thay mặt Công ty ký kết tài trợ cho Quỹ BTTEVN trong 5 năm với số tiền 2,5 tỷ đồng. Hy vọng qua sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, Quỹ BTTE ngày càng có nhiều nguồn tài trợ để giúp các trẻ em nghèo vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập và trưởng thanh, trở thành những công dân có ích trong tương lai.

Ngoài các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với xã hội. Trách nhiệm xã hội là yếu tố cấu thành quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và là yếu tố cấu thành quan trọng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, của các lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này được dựa trên ba yếu tố, yếu tố đầu tiên là tôn trọng, trong đó gồm tôn trọng pháp luật, tôn trọng con người và tôn trọng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với xã hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chia sẻ, tức là trợ giúp cho người lao động thực hiện tốt nhất trách nhiệm của họ. Khi đó người tiêu dùng trong xã hội sẽ thấy doanh nghiệp nào có văn hoá tốt hơn, có trách nhiệm với xã hội tốt hơn, mà trách nhiệm đầu tiên là đối với người lao động. Mỗi doanh nghiệp làm tốt công việc kinh doanh nhưng vẫn phải trích ra một phần để tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Tôi biết, mặc dù hoạt động đó không thể mang lại ngay thay đổi nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ cần góp “một hạt cát” thôi thì xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Doanh nhân Nguyễn Xuân Hương- Chủ doanh nghiệp Sản xuất quần áo lưu niệm các lễ hội, đền chùa:

Tham dự Lễ dâng hương đền Hùng, các doanh nhân không chỉ được trở về “cội nguồn” mà còn là dịp để giao lưu, kết nối mở rộng hợp tác dầu tư, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Để làm tốt trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp, tôi nghĩ đơn giản nhất là tuân thủ quy định phát luật, chủ động tạo tác động tích cực tới xã hội thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp cần bắt đầu từ những việc cụ thể từ chính mình, chính những người lao động để từ đó lan tỏa những giá trị doanh nghiệp đạt được hoặc hướng đến ra xung quanh.Doanh nghiệp do tôi quản lý, điều hành tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân. Chúng tôi luôn xây dựng và cố gắng đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội.  Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn tuân theo những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động. Đặc biệt, hàng năm tôi thường tổ chức các đoàn từ thiện lên các vùng Tây Bắc thực hiện các hoạt động thiện nguyện, tặng quà cho các trẻ em nghèo.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ cộng đồng  tích cực, mạnh mẽ và có chiến lượcphát triển, không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng mà về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mình.

Doanh nhân Phạm Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Minh Phú Châu:

Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa có dịp đến với vùng đất Tổ. Khi biết có chương trình dâng hương đền Hùng và các hoạt động vị trẻ em của cộng đòng doanh nghiệp, tôi rất háo hức. Chương trình được tổ chức rất bài bản và ý nghĩa, đã khắc họa rõ nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, ý thức hướng về cội nguồn của dân tộc. Đáng nói, tham gia sự kiện ý nghĩa này, dù đóng góp kinh phí không nhiều nhưng chúng tôi được đón tiếp rất chu đáo, từ chỗ ăn, nghỉ cho đến xe đưa đón...

Với tôi, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là “cho đi trước rồi mới nhận lại”. Công ty TNHH Phú Minh Châu chuyên kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, mua bán tranh ghép lá thốt nốt. Chúng tôi thường tài trợ và quyên góp đấu giá từ thiện nên mỗi bức tranh mà chúng tôi xuất ra không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt nhân văn. Theo tôi, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không phải là liệt kê các hoạt động từ thiện, mà phải làm sao tạo dựng cuộc sống tốt cho mình, đồng thời thúc đẩy ý thức sống trách nhiệm hơn, sống đẹp hơn, chia sẻ và lan tỏa những giá trị đích thực đến cộng đồng và xã hội.

Doanh nhân Trần Thị Minh Nguyệt – TGĐ Công ty TNHH Bất động sản Hoàng Long

Tôi đã bay từ Sài Gòn ra để tham dự chương Lễ dâng hương đền Hùng - Doanh nhân và cộng đồng vì trẻ em Việt Nam. Đây là một chương trình rất ý nghĩa thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", “trở về cội nguồn” của con dân đất Việt, để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Tôi hết sức ấn tượng với chương trình cũng như việc bố trí ăn, nghỉ cho các doanh nhân của Ban tổ chức, dù khoản đóng góp kinh phí rất khiêm tốn. Đây là chương trình từ thiện nên chúng tôi rất ủng hộ. Tôi nghĩ, xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi thành viên luôn có ý thức phấn đấu phát triển cho chính mình, song hành với việc thực thi trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Có người đóng góp âm thầm lặng lẽ, có người thông qua những việc làm cụ thể, huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng để sức lan tỏa rộng hơn… Muốn trở thành người doanh nhân có tâm và có tầm trước hết phải chịu khó học hỏi về nghiệp vụ trong lĩnh vực của mình, bên cạnh đó, phải biết yêu thương chia sẻ khó khăn với mọi người.

Thu Giang (thực hiện)