Doanh nghiệp tìm điểm tựa trước “cơn bão” phòng vệ thương mại trong EVFTA

00:00 12/10/2020

Được xác định sẽ có nhiều lợi thế trong EVFTA, song trong xu thế bảo hộ và xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam, phòng vệ thương mại (PVTM) sẽ là công cụ quan trọng để “bảo vệ” các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết quốc tế.

PVTM sẽ là công cụ quan trọng để “bảo vệ” các ngành sản xuất cũng như các DN trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế

Gia tăng áp lực phòng vệ thương mại

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực thì nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM, số lượng các vụ việc PVTM sẽ gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định mang lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Bởi lẽ, EVFTA có mức độ cắt giảm thuế quan sâu, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh đối với các DN trong nhóm của một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn và khi đó, nhu cầu sử dụng công cụ PVTM cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước. 

Cho đến nay, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ. Số lượng vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Sự gia tăng các vụ việc không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước mà còn cho thấy năng lực của DN trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng.

Chia sẻ với báo giới, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng cho biết: “Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tính đến hết tháng 03/2020, đã có gần 160 vụ việc PVTM do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU…”. Ông Dũng đánh giá, với các FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì chắc chắn áp lực cạnh tranh đối với các DN Việt Nam sẽ rất lớn, cũng như những thách thức trong vấn đề về PVTM.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương)

Có thể thấy, về cơ bản, nội dung PVTM trong EVFTA dựa trên các quy định của WTO, chương về nội dung này trong hiệp định bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ PVTM truyền thống trong WTO. Đánh chú ý: “Trong EVFTA có bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam. Điều đó sẽ giúp cho các ngành sản xuất và DN nước ta có công cụ phòng vệ hợp pháp và đảm bảo hiệu quả kinh tế, nắm bắt, tận dụng tốt cơ hội khi hội nhập vào EVFTA” - ông Dũng phân tích.

Theo đó, EVFTA bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ PVTM để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong hiệp định cũng quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại. EVFTA quy định rõ hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung. Điều đó có nghĩa là trong khối EVFTA, nước điều tra PVTM không chỉ cần đánh giá tình hình của ngành sản xuất trong nước mà phải xem xét tình hình của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các DN hạ nguồn.

Mặt khác, EVFTA còn có quy định về cơ chế tự vệ song phương, để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo hiệp định này không gây ra các "cú sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước. Cơ chế này sẽ được áp dụng trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.

Cánh cửa hội nhập càng rộng mở, không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt, mà còn đặt ra nhiều thách thức

Nhà nước tăng cường hỗ trợ, DN chủ động

Ông Lê Triệu Dũng đánh giá, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của Việt Nam như đã làm trước đó với một số nước khác.

“Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu, tăng giá trị gia tăng trong nước, Việt Nam cũng cần theo dõi kĩ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)...”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích từ hiệp định thì còn có thể có “vũ khí” bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp PVTM để có kế hoạch phù hợp

Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng, các cơ chế tiến hành PVTM theo EVFTA đã có, các cơ chế thông thường cũng đã có để doanh nghiệp tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu xảy ra nguy cơ cạnh tranh không cân sức với hàng hoá nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI

Bà Trang nhấn mạnh, trên thực tế từ khi gia nhập WTO chúng ta đã có quyền sử dụng các công cụ PVTM. Chúng ta có pháp lệnh từ năm 2003-2004 nhưng 6 năm sau mới có vụ kiện tự vệ đầu tiên, song kết quả không áp dụng biện pháp gì cả. Cũng kể từ khi có pháp lệnh, 10 năm sau mới có vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên. Tuy nhiên sau đó, chưa đầy 10 năm đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã khởi xướng và tiến hành 16 vụ kiện chống bán phá giá và áp dụng các biện pháp tự vệ. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng PVTM như một biện pháp tự bảo vệ mình một cách hiệu quả.

Bà Trang nhấn mạnh, không nên lo lắng quá mức vì chúng ta đã có công cụ trong tay. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng phải chủ động trước khi đòi hỏi được giúp đỡ, bằng việc tìm hiểu cơ hội, nội dung cam kết. Trên bình diện chung, doanh nghiệp cũng rất cần cơ quan nhà nước hỗ trợ. Thứ nhất là giải thích để các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng hiểu các cam kết. Hiện nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu toàn bộ nội dung cam kết của các FTA, đặc biệt EVFTA. Bởi lẽ, hiệp định này có phạm vi rất rộng, chỉ người đi đàm phán mới hiểu được.

Thứ hai, cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ những việc mà doanh nghiệp có thể làm nhưng không hiệu quả bao nhiêu, như thông tin cơ bản về nhu cầu, xu hướng thị trường mà các thương vụ nắm rất rõ để doanh nghiệp có thông tin chung. Việc thông tin cơ bản về thị trường và nhu cầu sản phẩm của các nước nhập khẩu cũng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được việc xuất khẩu ồ ạt với số lượng lớn, hoặc tránh được việc bị mượn quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu. Sau khi đã có thông tin nền, doanh nghiệp mới chủ động tìm kiếm đối tác hoặc tìm hiểu sâu về thị trường.

Ngoài việc nắm rõ quy định về PVTM trong FTA, doanh nghiệp cần ý thức toàn diện, sâu sắc về các công cụ PVTM có trong tay. Hiện tại, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về PVTM phù hợp với quy định của WTO, thông lệ quốc tế để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thực thi FTA. Có thể nói, hành lang pháp lý của Việt Nam không thiếu, cái thiếu chính là mức độ quan tâm và quyết tâm của doanh nghiệp trong việc sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó có hiệu quả với các biện pháp PVTM, Cục PVTM khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin.

Ngoài ra, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa liên quan, doanh nghiệp cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra, tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc. Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo về các biện pháp PVTM từ cơ quan chức năng để có các kế hoạch cụ thể.

Theo Bộ Công Thương, các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 06/2020, Bộ đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng trong sáu tháng đầu năm, Bộ đang xử lý 13 vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam. Và sáu vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới. Đáng chú ý, dù chiếm tỷ lệ nhỏ 04% trong tổng số vụ việc phòng vệ thương mại (bị điều tra 07 vụ) nhưng mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng. Tính trong cả giai đoạn 2007-2017 chỉ có ba vụ nhưng từ 2018 đến nay đã có bốn vụ.

Thu Giang