Doanh nghiệp nhà nước: Hiệu quả hoạt động chưa xứng tầm

00:00 12/10/2020

Bà Nguyễn Lê Vinh – Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, hiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Nhiều DNNN ở tình trạng thua lỗ kéo dài, chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình DN…

Thời gian qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách, chiến lược nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển, như: Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 (Ban hành năm 2012), Chương trình Nghị sự 2030 của quốc gia (Ban hành năm 2017) với 17 mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững; Và các chính sách phát triển DNNN, doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN)... Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Lê Vinh – Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Hoạt động của một doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: TTXVN). 

Đơn cử như, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năm 2017, doanh thu của khối DNNN chiếm tỷ lệ thấp nhất (khoảng 15,13%) trong tổng doanh thu DN cả nước. Nhiều DNNN ở tình trạng thua lỗ kéo dài, chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình DN.

Năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tạo được động lực đối với nền kinh tế, vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế của DNNN còn mờ nhạt. Tính công khai, minh bạch của DNNN còn thấp, dù đã được cải thiện. Chương trình thoái vốn chậm tiến độ, mới hoàn thành tại 95 DN, 150 DN chưa hoàn thành. Tổng số có 230 DN đang triển khai chuyển giao về SCIC để thoái vốn.

Trong khi đó doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) chiếm tỷ lệ áp đảo lên tới 96,7% tổng số DN, hoạt động đa ngành, lĩnh vực; Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hình thành được một số tập đoàn tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên hệ thống cơ chế, chính sách phát triển DNNNN còn thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, dẫn đến cơ chế “xin - cho”, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN còn khá phổ biến.

Trong bối cảnh đem đến nhiều thời cơ và thách thức; cơ hội về ngành nghề mới, phương thức kinh doanh kiểu mới, song cũng đòi hỏi DN phải đáp ứng các yêu cầu về nắm vững công nghệ thông tin, tính chuyên nghiệp, liên kết và chia sẻ… Bà Lê Vinh đưa ra kiến nghị để chính sách phát triển DN theo hướng bền vững.

Theo đó, DNNN cần cơ cấu lại, đổi mới DNNN theo cơ chế thị trường theo hướng cổ phần hoá, bán vốn của DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không giữ quyền chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả; Xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Cho phá sản các DNNN yếu kém. Tách bạch rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Đồng thời cần tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách phát triển DNNNN cho đồng bộ, giảm tối đa thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho DN. Phát huy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hoạt động của các DN nhỏ và vừa. Khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tàu, đa sở hữu. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Xây dựng chính sách khuyến khích DN ngoài NN góp vốn, mua cổ phần vào các tập đoàn kinh tế nhà nước khi cổ phần hoá hoặc thoái vốn, tạo điều kiện để DN ngoài NN tham gia cơ cấu lại DNNN; Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho DN ngoài NN tham gia cung cấp dịch vụ công.

Thanh Minh