Doanh nghiệp lo đối phó khi lãi suất ngân hàng tăng

00:00 12/10/2020

Mới đây, hàng loạt các ngân hàng có tăng lãi suất huy động VND. Vậy động thái này đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào?

Doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh khi lãi suất tăng

Lãi suất huy động VND tiếp tục tăng ở một số kỳ hạn đặc biệt là kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-8,4%/năm.

Tại VIB, khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 8,4%/năm. Tại PVcomBank cũng số tiền trên, gửi kỳ hạn 13 tháng là 8,5%/năm.

Với SeABank khách gửi số tiền lớn, kỳ hạn 14 tháng sẽ hưởng lãi 8,2%/năm. Tại TPBank, với số tiền 100 tỷ đồng trở lên, gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi 8%/năm và 24 tháng là 8,4%/năm. Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác không quy định về số tiền lớn mà là thời gian gửi.

Hiện Bac A Bank đang huy động kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi suất 8%/năm; NCB từ 12-24 tháng 8%/năm; Ngân hàng Bản Việt kỳ hạn 24 tháng 8,6%/năm; Viet A Bank kỳ hạn13 tháng trở lên là 8%/năm; CB Bank kỳ hạn từ 12-24 tháng là 8%/năm.

Bắt đầu từ giữa tháng 11/2018, VPBank áp dụng biểu giá lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Biểu giá mới tăng từ 0,05 đến 0,1% so với mức lãi suất huy động tháng 10/2018. Mức tăng đáng kể nhất là kì hạn 6 tháng đến 10 tháng đã tăng từ 6,4% lên 7%. Kì hạn 12 tháng tăng từ 7% lên 7,05%. Kì hạn 36 tháng tăng từ 7% lên 7,1%.

Trước đó ngày 19/10, Techcombank thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng tăng 0,1% đến 0,2% ở một số kì hạn. Cụ thể, ở kì hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, lãi suất huy động sau khi tăng hiện đang ở mức 4,7%, 4,69% và 4,88%.

Tại OCB, kể từ ngày 10/11, ngân hàng này cũng thay đổi biểu lãi suất theo hướng tăng 0,1 - 0,2% mỗi năm tại một số kỳ hạn. Lãi suất cho kì hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng đang ở mức 5,27%, 5,4% và 5,42%. Kì hạn 12 tháng OCB niêm yết ở mức 6,89%. Còn kì hạn 36 tháng là 6,18%. Tuy nhiên nếu khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất áp dụng cho kì hạn 36 tháng sẽ lên tới 7,7%.

Trong nhóm Big 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất của BIDV đang ở mức hấp dẫn hơn cả khi huy động kỳ hạn 1-6 tháng là 4,5-5%/năm; 6 tháng ở mức 5,5% và 12 tháng trở lên là 6,8-6,9%/năm. Một số điểm giao dịch của ngân hàng còn có chương trình khuyến mại riêng cho khách gửi tiền tuỳ thuộc nhu cầu kinh doanh của chi nhánh.

Mức lãi suất của BIDV cũng cao hơn 0,1 đến 0,3 điểm % so với của Vietcombank. Hiện ngân hàng kinh doanh tốt nhất hệ thống có lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ 4,4 - 4,8%/năm và kỳ hạn cao nhất là được 6,6%/năm.

Ở nhóm ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài lãi suất huy động hiện nay cũng có mặt bằng cao đáng kể so với các tháng trước và cũng cao hơn mức trung bình của các ngân hàng trong nước. Chẳng hạn Indovina - ngân hàng liên doanh đầu tiên có mặt tại Việt Nam - lãi suất huy động từ 1 đến dưới 6 tháng đang là 4,8-5,4%/năm còn trên 1 năm có lãi suất 7,5 - 7,8%/năm.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trong thời điểm cuối năm có yếu tố mùa vụ. Bởi vào những tháng cuối năm các ngân hàng cần thanh khoản cao, muốn huy động vốn để giải ngân cho người đi vay khi có những chi tiêu lớn như mua nhà, tiêu dùng... các doanh nghiệp cần thanh toán các khoản vay, thanh toán chi phí sản xuất kinh doanh...

Từ năm 2019, theo quy định của NHNN, tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng sẽ phải giảm từ 45% xuống còn 40%. Để đáp ứng yêu cầu này, các ngân hàng phải có bước chuẩn bị vốn để cho vay trung dài hạn nhiều hơn từ năm tới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hoàng - Giám đốc Công ty XNK Minh Châu, hiện đang vay với lãi suất xê dịch từ 8,5-12%/năm tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Với những người khi đi vay thông thường thì áp lực tới kỳ hạn trả nợ cũng đã nặng nề. Còn với những doanh nghiệp mà khoản vay lên tới cả chục tỷ đồng thì áp lực trả lãi hằng tháng càng khiến doanh nghiệp rất vất vả lo đối phó với lãi suất.

Chính vì thế, trước động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng khiến các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải đối diện với nỗi lo về việc trong tương lai gần có khả năng sẽ phải trả thêm lãi suất khi vay.

Khi lãi suất tăng thì các doanh nghiệp thường có xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất nhưng để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận buộc các doanh nghiệp phải đưa ra những chiến lược kinh doanh như hạ thấp chí phí đầu vào, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, tránh lãng phí, giảm thấp các chi phí phát sinh, tận dụng nguồn tài lực tối đa....Nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải tính toán thế nào đó cho hợp lý giữa đầu vào và đầu ra mà sản phẩm của họ vẫn được tiếp tục đưa tới người tiêu dùng. Khi đó các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh để tồn tại trên thị trường.

Còn khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp có xu hướng vay nhiều hơn, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiềm năng để quảng bá sản phẩm. 

Theo chuyên gia Hiếu, lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Hiện trung bình lãi suất vay vẫn là 12%/năm, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp không vượt quá 20%, thì chúng tôi chỉ còn 5% để trang trải tất cả các khoản.